Trưởng thành trong vòng tay yêu thương của những người lính Biên phòng

Gặp phải hoàn cảnh éo le, từ khi mới 7 tuổi, Lầu Bá Trinh (người dân tộc Mông) đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An nhận làm con nuôi, đón về đơn vị chăm sóc, chỉ dạy học tập. Đến nay, Trinh đã là cậu học sinh lớp 7, khiến những người bố mang quân hàm xanh càng thêm lo lắng, vất vả kèm cặp để con trưởng thành hơn.

Cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Huồi Pốc chở con nuôi của đơn vị ra trung tâm xã để học tập. Ảnh: Viết Lam

Đồng hành cùng học sinh nghèo

Trong những ngày công tác ở địa bàn xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, chúng tôi được nghe nhân dân địa phương nói rất nhiều về vai trò của BĐBP trong bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm và giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong câu chuyện, bà con chia sẻ việc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đang tiếp sức cho hàng chục em học sinh hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường học tập.

Thượng tá Nguyễn Hồng Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: “Được giao nhiệm vụ quản lý đoạn đường biên giới dài, địa bàn rộng, chúng tôi xác định, phải dựa vào dân mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Muốn dân tin, dân yêu, đồng hành bảo vệ biên giới, mình phải gần gũi, triển khai nhiều mô hình, cách làm khác nhau để hỗ trợ nhân dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ dân trí. Tính đến năm học 2023-2024, đơn vị đã nhận đỡ đầu 36 học sinh theo Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” và “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, tạo cơ hội để các cháu có được học tập, vươn lên trong cuộc sống”.

Trong số những học sinh được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn nhận đỡ đầu, có những trường hợp rất đặc biệt. Đáng chú ý nhất là Lầu Bá Trinh, người dân tộc Mông, ở bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn được những người lính mang quân hàm xanh nhận làm con nuôi, đón về chăm sóc, dưỡng dục từ khi mới lên 7 tuổi. Cậu bé Trinh có hoàn cảnh rất đặc biệt, sớm chịu cảnh mồ côi từ bé khi bố chẳng may qua đời sau cơn bạo bệnh. Một mình chị Và Y Mái (mẹ của Trinh) cật lực làm việc trên nương rẫy nhưng cũng chỉ lo đủ cái ăn cho các con. Việc học tập của Trinh và các em có nguy cơ gián đoạn.

Biết được câu chuyện này, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã đưa ra ý tưởng nhận Trinh làm con nuôi và được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đồng thuận cao. Khi Lầu Bá Trinh bắt đầu bước vào học lớp 2, em đã được đón về tổ công tác Biên phòng bản Huồi Pốc, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn để cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chăm sóc, chỉ dạy việc học tập.

Bản Huồi Pốc nằm cách xa trung tâm xã Nậm Cắn, đường giao thông đi lại khó khăn, là nơi định cư của đông đảo đồng bào dân tộc Mông từ bao đời nay. Cán bộ, chiến sĩ của tổ công tác Biên phòng bản Huồi Pốc được giao nhiệm vụ bám sát địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2016, những người lính mang quân hàm xanh tại tổ công tác được chỉ huy đơn vị giao thêm nhiệm vụ chăm sóc, dưỡng dục Lầu Bá Trinh nên người.

Trung tá Tạ Đình Chiến, nhân viên tổ công tác Biên phòng bản Huồi Pốc kể về cậu con nuôi của đơn vị: “Ngày mới được đón về tổ công tác, Trinh nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa, nói tiếng phổ thông còn hạn chế, rất ngại giao tiếp với mọi người. Có những hôm con trốn về nhà trong đêm khiến chúng tôi phải chia nhau đi tìm. Bằng tình thương yêu, mọi thành viên trong tổ phân công nhau chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón Trinh đến lớp học tập. Sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, con đã dần quen với môi trường sinh hoạt, học tập tại đơn vị Quân đội”.

Những vất vả khó nói hết bằng lời

Thời gian trôi qua, Lầu Bá Trinh đã lớn lên trong vòng tay, sự yêu thương của những người bố nuôi mang quân hàm xanh. Sau khi hoàn thành bậc tiểu học ở điểm trường bản Huồi Pốc, Trinh phải rời xa bản làng, những người bố Biên phòng ra trung tâm xã ăn ở tập trung tiếp tục theo học bậc trung học cơ sở. Cũng như nhiều học sinh khác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Cắn, cứ đầu tuần, Lầu Bá Trinh được bộ đội chở ra giao cho nhà trường quản lý, dạy học, cuối tuần lại đến đón về.

Cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Huồi Pốc hướng dẫn Trinh ôn bài. Ảnh: Viết Lam

Mặc dù được rèn luyện rất nghiêm khắc nhưng thời gian đầu mới ở bán trú tại trường, rời xa vòng tay chăm sóc, sự quản lý trực tiếp của những người lính, Lầu Bá Trinh có dấu hiệu sao nhãng chuyện học tập. “Có hôm vào buổi chiều của ngày giữa tuần, chúng tôi nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm báo về việc Trinh đã trốn khỏi khu ký túc xá đi đâu đó mà không lên lớp ôn bài theo quy định. Lo lắng chuyện chẳng lành, tôi và một đồng đội khác khẩn trương phối hợp với nhà trường để tìm kiếm. Sau đó, mọi người phát hiện Trinh cùng một số bạn khác đang vào rừng tìm tổ chim. Nói thật, lúc đó tôi rất giận nhưng cũng mừng vì thằng bé không sao cả” - Trung tá Chiến chia sẻ.

Biết con đang ở tâm lý “tuổi mới lớn”, những người bố nuôi tại tổ tông tác Biên phòng bản Huồi Pốc lại dành nhiều thời gian quan tâm, sát sao hơn. Dù quãng đường xa nhưng cứ 2-3 ngày, các anh lại từ tổ công tác ra trường gặp Trinh để kiểm tra, động viên con học tập, sinh hoạt theo đúng quy định của nhà trường.

Nhờ sự yêu thương, kiên trì trong định hướng của những người bố nuôi và thầy, cô giáo, Lầu Bá Trinh đã dần quen ăn ở, học tập trong môi trường bán trú. Cô giáo Vi Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm của Lầu Bá Trinh cho biết: “Chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh của học trò và cảm thấy may mắn cho em Trinh khi được BĐBP nhận làm con nuôi. Có lẽ, nhờ sự yêu thương, chăm lo của bộ đội mà Trinh có sự tiến bộ rất nhanh về mọi mặt, từ học tập đến tác phong sinh hoạt. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng đồng hành với BĐBP để giáo dục Trinh có ý thức vươn lên học tập, trở thành người có ích cho xã hội”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/truong-thanh-trong-vong-tay-yeu-thuong-cua-nhung-nguoi-linh-bien-phong-post468033.html