Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh xuống cấp nghiêm trọng

Nằm ngay trung tâm huyện Vĩnh Linh, là nơi phục vụ việc học tập và sinh hoạt cho hàng trăm học sinh con em người đồng bào dân tộc Vân Kiều thuộc 3 xã miền núi đặc biệt khó khăn Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà của huyện, nhưng hiện nay Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

 Nhiều hạng mục ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh đã xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: N.T

Nhiều hạng mục ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh đã xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: N.T

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh Trần Ngọc Oanh cho biết: “Toàn trường có diện tích xây dựng 10.163 m2, gồm dãy phòng học 3 tầng, khu nhà nội trú 3 tầng, khu nhà ăn cấp IV, nhà đa năng, khu nhà hiệu bộ… Hầu hết những công trình này đều được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng cách đây hơn 20 năm, công trình xây dựng gần nhất cũng đã hơn 10 năm. Vì vậy đã xuống cấp, hư hỏng nặng”. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại dãy phòng học 3 tầng có diện tích 1.267 m2 với 9 lớp học của trên 250 học sinh nơi đây hiện đã xuống cấp với nhiều mảng tuờng bong trốc, cửa sổ, cửa chính mục nát. Đặc biệt, khu nhà nội trú gồm 3 tầng, diện tích 1.197 m2 với 24 phòng có khu vệ sinh khép kín đã hư hỏng nặng nề. Nhiều phòng không ở được do nền nhà bị sụt lún tạo thành từng lỗ hỏm; tường bị nứt nẻ, vỡ nhiều mảng lộ cả sắt thép bên trong; nhà vệ sinh có hiện tượng tắc nghẽn; hệ thống điện, nước liên tục xảy ra sự cố, 80 giường ngủ không còn chắc chắn… gây nhiều bất tiện và không đảm bảo an toàn cho việc ở và sinh hoạt của học sinh. Ngoài ra, khu nhà ăn cấp IV diện tích 221 m2 đã hết thời hạn, giá trị sử dụng, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhà trường và chuẩn an toàn thực phẩm. Nhà đa năng, khu hiệu bộ cũng ở tình trạng tương tự khi trần nhà, mái nhà, tường loang lỗ, chẳng còn giữ được thiết kế ban đầu… Không chỉ các khu nhà mà cả nhiều hạng mục thiết yếu của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh như cổng trường, tường rào, sân trường, sân chơi, bãi tập đều xuống cấp.

Thực trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu đồng bộ về trang thiết bị dạy và học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, nuôi dưỡng học sinh cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh ở đây.

Lý giải nguyên nhân vì sao nhiều hạng mục của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, thầy Trần Ngọc Oanh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu hết các công trình đều được đừa vào sử dụng đã lâu, kinh phí bố trí thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp chưa theo kịp với yêu cầu. Với đặc thù là trường chuyên biệt không có thu, việc chi thường xuyên được thực hiện từ các nguồn tài chính giao tự chủ và được nhà nước đảm bảo, hằng năm nhà trường tự cân đối ngân sách cộng thêm một phần kinh phí được huyện cấp để cải tạo, nâng cấp một số hạng mục nhằm đảm bảo cho công tác giảng dạy của giáo viên, học tập và sinh hoạt của học sinh. Như năm học 2019 - 2020 vừa qua, trường triển khai một số công trình tu sửa tường rào, nhà vệ sinh, mở rộng nhà ăn với tổng kinh phí 570 triệu đồng, mua sắm 6 tivi 90 triệu đồng… Tuy nhiên những hạng mục này mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt.

“Tháng 9/2020, căn cứ Công văn số 3455/BGDĐT- CSVC ngày 08/9/2020 của Bộ GD&ĐT về kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã kịp thời báo cáo UBND huyện và các ngành chức năng về tình hình cơ sở vật chất. Ngay sau khi nhận được báo cáo, UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành khảo sát thực trạng. Với đặc thù của nhà trường, chúng tôi mong muốn UBND huyện và các ngành tiếp tục quan tâm, sớm ưu tiên bố trí thêm nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, đáp ứng mục tiêu đào tạo, nuôi dưỡng học sinh vùng khó của nhà trường. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, phụ huynh yên tâm công tác, học tập, nỗ lực cùng toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh”, thầy Trần Ngọc Oanh thông tin thêm.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152938