Trường nông nghiệp kêu khó tuyển sinh, sư phạm trông chờ đặt hàng!

Hiện lãnh đạo các nhà trường mong sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022 vì lo ngại những điều chỉnh mang tính kỹ thuật tác động lớn đến các thí sinh.

Hiện nay, công tác tuyển sinh đại học đang thu hút sự chú ý của dư luận. Liên quan đến công tác tuyển sinh đại học, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc giữ ổn định công tác tuyển sinh như năm 2021 là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học.

Tuyển sinh đại học luôn nhận được sự quan tâm của dư luận.

Đồng thời, trường nhất trí với 6 nội dung dự kiến điều chỉnh trong năm 2022; trong đó có việc dự kiến cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành; đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Cũng liên quan đến công tác tuyển sinh đại học, PGS.TS Bùi Đức Triệu đề nghị, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022, bởi dù chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật (nếu có) cũng tác động lớn đến các thí sinh.

Hiện, các trường đại học đã quen với tự chủ tuyển sinh, nhất là trong 2 năm vừa, các trường đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học tạo thuận lợi cho thí sinh.

Nhất trí với dự thảo về một số định hướng trong công tác tuyển sinh 2022, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ, hiện một số ngành khối nông - lâm - ngư nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh dù nhiều doanh nghiệp cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông hỗ trợ đào tạo kỹ sư ngành các ngành này, tuy nhiên việc tuyển sinh rất khó khăn. “Mong Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh công tác truyền thông mạnh đối với một số ngành truyền thống của khối nông - lâm - ngư - nghiệp”, GS.TS Phạm Văn Cường nêu ý kiến.

Đề nghị sớm có quyết định giao chỉ tiêu cho ngành sư phạm, bởi còn liên quan đến các địa phương “đặt hàng” cho các trường đào tạo, TS Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế nhất trí với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh.

Đồng thời, cần tiếp tục tăng quyền sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm phù hợp với các cơ sở đào tạo. Mặt khác, cần đề cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị.

GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng đồng ý với quan điểm của Bộ trong tuyển sinh. Trong đó có việc ứng dụng cổng thông tin trong việc đăng ký xét tuyển, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; tạo tuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình xét tuyển.

các trường cũng phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức khác nhau.

Nhìn nhận công tác tuyển sinh năm 2022 có thể phải lường trước một số khó khăn do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT tham gia tích cực vào công tác này; trong đó có việc rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Đồng thời, chỉ đạo các trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truong-nong-nghiep-keu-kho-tuyen-sinh-su-pham-trong-cho-dat-hang-post186121.html