Trường ngoại thành Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học và phòng dịch

Các trường ngoại thành Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng mở cửa trở lại, bao gồm phương án dạy - học cho một số giáo viên, học sinh chưa thể đến lớp.

Chiều 3/11, cô Nguyễn Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Đình B (Sóc Sơn, Hà Nội) cùng lãnh đạo các trường khác dự họp với Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn để xây dựng phương án đón học sinh trở lại.

“Dù vẫn chờ hướng dẫn từ UBND huyện, phòng GD&ĐT, chúng tôi cũng có sự chuẩn bị từ trước. Chỉ cần mọi thứ thuận lợi, trường sẵn sàng đón học sinh đến trường vì tình hình dịch ở xã Mai Đình ổn”, cô Thúy Nga cho hay.

Học sinh các khối 5, 6, 9, 10 và 18 tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội có thể đến trường từ 8/11. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Phân khu, kê lại bàn ghế để đảm bảo giãn cách

Cô Thúy Nga cho hay căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các trường học do Sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội ban hành, trường Tiểu học Mai Đình B đạt mức độ thực hiện tốt, trường học an toàn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine đạt 80% nhưng con số này ở giáo viên dạy lớp 5 là 100%. Vì vậy, học sinh trở lại trường từ ngày 8/11, trường có thể bố trí đủ giáo viên. Trường cũng đã có kế hoạch cụ thể cho việc chia đôi lớp học để đảm bảo giãn cách.

Tại trường THCS Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), Hiệu trưởng Nguyễn Anh Chiến cho biết trừ hai cô giáo đang nghỉ thai sản, đến ngày 8/11, những giáo viên còn lại đều được tiêm 2 mũi vaccine.

Trường cũng thực hiện theo công văn hướng dẫn liên ngành của sở GD&ĐT và sở Y tế. Trường đã sẵn sàng cho việc đón học sinh trở lại.

Cụ thể, trường THCS Hợp Thanh đã thực hiện khử khuẩn, vệ sinh an toàn môi trường cho các con. Thầy Chiến nói thêm nhà trường huy động thầy cô, nhân dân, phụ huynh đến trường chứng kiến trường được khử khuẩn để an tâm cho con trở lại lớp.

Bên cạnh đó, nhà trường chuẩn bị các điều kiện về vật tư, tư trang y tế để phục vụ cho việc đón học sinh trở lại như là nhiệt kế, nước khử khuẩn, xà phòng, nước rửa tay, phòng cách ly, khẩu trang, vật dụng cần thiết cho công tác phòng dịch.

Trường cũng đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh về việc cần làm khi học sinh đến trường nhằm có sự phối hợp với phụ huynh, đặc biệt trong việc theo dõi sức khỏe học sinh tại nhà, giúp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19, tổ phản ứng nhanh của trường xử lý kịp thời hơn.

Thầy Chiến cho hay nhà trường cũng phân công cụ thể thầy cô trực ở cổng trường để đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh sát khuẩn. Đồng thời, trường mở cổng phụ để giảm tải số lượng học sinh đi qua cổng chính.

“Trường có 3 khu phòng học nên khi học sinh trở lại sẽ phân công cụ thể lớp nào ở khu nào để tiện theo dõi. Chúng tôi cũng chăng dây hoặc kẻ vạch sân trường, có biển cảnh báo để biết khu vực nào chỉ dành cho lớp 9, khu vực nào dành cho lớp 6”, Hiệu trưởng Nguyễn Anh Chiến thông tin.

Ông cho biết trường thực hiện nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến”, học sinh đi thẳng từ nhà đến phòng học và ngược lại để hạn chế tiếp xúc.

Ngoài ra, trường cũng có kế hoạch để đảm bảo giãn cách. Cụ thể, trường có 6 lớp 9 và 8 lớp 6 với 522 học sinh. Khi học sinh trở lại, các em lớp 9 sẽ học tại các phòng bộ môn với diện tích rộng gấp 1,5-2 lần phòng học thường. Mỗi em một bàn, cơ bản đảm bảo giãn cách theo yêu cầu.

Các lớp 6 có sĩ số ít hơn, khoảng hơn 30 học sinh. Các em học tại phòng học rộng, kê lại bàn ghế, trước đây, 4 học sinh/bàn nay cho 2-3 em/bàn để giảm khoảng cách.

Trong khi đó, tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chương Mỹ), vấn đề giãn cách học sinh trong lớp là băn khoăn duy nhất. Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thông khẳng định trường chắc chắn thực hiện giãn cách nhưng còn phải chờ quy định cụ thể.

Thầy cho biết thêm nhà trường hiện có 10 lớp 10, sĩ số mỗi lớp khoảng 40 học sinh. Phòng học rộng, trường sẽ kê bàn ghế sát tường để đảm bảo giãn cách.

“Nếu chia đôi lớp học, số tiết học sẽ nhân đôi lên trong khi đó, trường mới thành lập, còn thiếu giáo viên”, thầy Thông nói.

Với các công tác khác, trường đã chuẩn bị sẵn sàng, đồng thời có phương án xử lý nhanh trong trường hợp học sinh ho, sốt hay có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Nhà trường cũng trao đổi với phụ huynh để phối hợp theo dõi sức khỏe các em.

Các trường đã sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tiếp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Lắp camera, máy chiếu cho trường hợp chưa thể đến lớp

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thông, đến ngày 8/11, trường còn 6 giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Những người này sẽ dạy học tại nhà. Trường lắp máy chiếu, kết nối với máy tính của giáo viên để đảm bảo công tác dạy học.

Ngoài ra, trường cũng giao giáo viên chủ nhiệm trao đổi thường xuyên với học sinh để nắm bắt tình hình. Đến hết ngày 2/11, trường chưa có học sinh nào liên quan ca mắc Covid-19, sống ở vùng xác định dịch cấp độ 3, 4 hay đi từ vùng có dịch về.

Dù vậy, trường vẫn xây dựng phương án dạy học trong trường hợp có học sinh không thể đến trường do dịch. Những em sẽ ở nhà học trực tuyến, trường phân công giáo viên dạy vào buổi chiều.

Với kế hoạch dạy học tại trường, trong tuần đầu tiên, giáo viên dạy tiếp bài mới như bình thường. Sau một tuần, nhà trường tổ chức họp để đánh giá mức độ nắm bắt kiến thức của học sinh, có phương án phụ đạo cho những em hổng kiến thức.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Minh Thông tin tưởng chất lượng học trực tuyến của trường đảm bảo vì thầy trò nghiêm túc với việc học ngay từ đầu năm học. Thầy cô thường xuyên kiểm tra miệng, giám sát việc học của học trò. Học sinh cũng tham gia học đầy đủ.

Trường THCS Hợp Thanh cũng có kế hoạch dạy học chi tiết khi mở cửa trở lại. Theo đó, đến 8/11, trường còn khoảng 3-4 học sinh phải theo dõi sức khỏe tại nhà do trở về từ vùng dịch. Do đó, trường sẽ lắp camera tại các phòng học để những em này có thể theo dõi bài giảng.

“Trong vòng một tuần, các con có thể quay trở lại trường. Dù chỉ có 3-4 em, trường vẫn có phương án chăm lo để các con không bị tụt lại phía sau”, Hiệu trưởng Nguyễn Anh Chiến cho hay.

Ông nói thêm kể cả khi thành phố chưa ra quyết định cho học sinh đến lớp trở lại, trường đã chỉ đạo giáo viên thường xuyên kiểm tra việc học của học sinh để nắm được các con còn hổng kiến thức phần nào.

Trong buổi đầu tiên, thầy cô có thể chưa dạy bài mới mà dành thời gian để kiểm tra, nắm bắt tình hình. Nếu học sinh còn hổng kiến thức nhiều, trường sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học, tăng cường ôn tập để giúp các con nắm vững kiến thức trong thời gian học online, đặc biệt với học sinh lớp 9.

Ngoài ra, theo phương án xây dựng từ đầu tháng 10, trong tuần này và tuần sau, học sinh thi giữa học kỳ I. Dù vậy, sau ngày 8/11, trường vẫn cho kiểm tra các môn còn lại bằng hình thức online để phù hợp với việc học trong thời gian qua, đồng thời rèn cho học sinh kỹ năng thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Trong khi đó, trường Tiểu học Mai Đình B cũng sẵn sàng phương án dạy trực tiếp. Theo cô Thúy Nga, trong quá trình học trực tuyến, giáo viên cố gắng giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất.

Khi học sinh lớp 5 trở lại trường, thầy cô sẽ cho kiểm tra để nắm bắt tình hình, nỗ lực để trong vòng một tuần, giáo viên nắm được hiệu quả học tập của học trò thời gian qua và đưa ra điều chỉnh phù hợp.

“Chúng tôi sẽ tranh thủ thời gian vàng này để hỗ trợ học sinh tốt nhất. Việc chia lớp làm đôi sẽ khiến giáo viên vất vả hơn nhưng mọi người đã sẵn sàng tâm lý cố gắng nhiều hơn nữa. Nhu cầu học tập của các con rất chính đáng nên dù nhiều khó khăn, chúng tôi rất phấn khởi khi học sinh được trở lại trường”, cô Thúy Nga chia sẻ.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-ngoai-thanh-ha-noi-san-sang-phuong-an-day-hoc-va-phong-dich-post1275179.html