Trưởng lão võ lâm truyền lại tuyệt học gì cho con cái?

Kim Dung là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng trên thế giới. Nhiều khoa văn học ở các trường đại học lớn của Mỹ và Trung Quốc đều có những chuyên đề nghiên cứu về Kim Dung.

Trong tác phẩm của mình, nhà văn Kim Dung đưa ra không ít bí kíp võ công khiến thiên hạ nức nở, nhưng trong thực tế thì ông có truyền lại tuyệt học gì cho con cái không?

Kim Dung năm nay 93 tuổi

Nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924, bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên “Thư kiếm ân cừu lục” vào năm 1955 và gác bút khi xuất bản cuốn truyện vừa “Việt nữ kiếm” vào năm 1970. Chỉ trong vòng 15 năm, nhà văn Kim Dung đã tạo cho riêng mình một phong cách võ hiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công chúng. Không tính truyện vừa “Việt nữ kiếm” thì 14 tiểu thuyết của Kim Dung có chữ đầu tiên dựa theo một bài thơ cổ: “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc. Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”, tạm dịch nghĩa là tuyết bay đầy trời đưa mắt nhìn hươu trắng, hiểu những truyện cười về những thiên thần nghĩa hiệp tựa cánh chim xanh.

14 tiểu thuyết đó, đọc theo thứ tự của hai câu thơ trên, gồm: Phi hồ ngoại truyện, Tuyết sơn phi hồ, Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Xạ điêu anh hùng truyện, Bạch mã khiếu tây phong, Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thư kiếm ân cừu lục, Thần điêu đại hiệp, Hiệp khách hành, Ỷ thiên đồ long ký, Bích huyết kiếm và Uyên ương đao. Tuy nhiên, quá trình sáng tác, Kim Dung không viết theo thứ tự như vậy.

Tác phẩm của Kim Dung được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Tại Việt Nam, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung nổi tiếng từ thập niên 60 qua hình thức in dài kỳ trên các nhật báo ở Sài Gòn. Nhiều tác phẩm của Kim Dung được đặt tên khác, ví dụ “Phi hồ ngoại truyện” còn có tên là “Lãnh nguyệt bảo đao”, Ỷ thiên đồ long ký” còn có tên là “Cô gái đồ long”, hoặc “Thiên long bát bộ” còn có tên là “Lục mạch thần kiếm”.

Nhân vật trong tác phẩm của Kim Dung rất phong phú. Tiểu thuyết ít nhân vật nhất là “Uyên ương đao” có 34 nhân vật, còn tiểu thuyết nhiều nhân vật nhất là “Lộc đỉnh ký” có 1230 nhân vật. Những nhân vật của Kim Dung được phổ cập trong đời sống người Việt, có thể kể đến Trương Vô Kỵ, Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Nhạc Bất Quần, Lý Mạc Sầu, Quách Tĩnh, Chu Bá Thông, Đoàn Dự, Kiều Phong…

Trong một cuộc thăm dò năm 2006, Kim Dung được độc giả Trung Quốc bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc thế kỷ 20. Tuy nhiên, phần lớn cuộc đời Kim Dung sống tại Hồng Kong, vì ông là người sáng lập tờ Minh Báo ở xứ cảng thơm.

Kim Dung trải qua 3 đời vợ. Người vợ đầu là Đỗ Dã Phân, người vợ thứ hai là Chu Mai, người vợ thứ ba là Lâm Lạc Di. Kim Dung có bốn người con (hai trai hai gái) đều là do người vợ thứ hai Chu Mai sinh dưỡng, và không ai theo nghiệp văn chương của cha.Chu Mai là người phụ nữ gắn bó với sự nghiệp của Kim Dung. Không chỉ phụ giúp ông làm tờ Minh Báo, Chu Mai còn sinh cho Kim Dung bốn người con.

Kim Dung và người vợ đầu tiên Đỗ Dã Phân

Người con đầu Tra Truyền Hiệp sinh ra khi Kim Dung bắt đầu khởi nghiệp tại Hồng Kông. Từ nhỏ, Tra Truyền Hiệp đã nổi tiếng thông minh và Kim Dung rất hy vọng Tra Truyền Hiệp sẽ nối nghiệp mình. Thế nhưng, khi đang du học tại Mỹ, Tra Truyền Hiệp bất ngờ tự tử vào năm 1976. Đứa con đầu lòng qua đời lúc chưa đầy 20 tuổi, thực sự là một cú sốc với Kim Dung. Nhiều người cho rằng, Tra Truyền Hiệp hành động dại dột như vậy vì u uất không thể ngăn cản cuộc ly dị giữa Kim Dung và Chu Mai. Năm 1991, Kim Dung bán lại tờ Minh Báo cho Vu Phẩm Hải vì người này cùng tuổi và có nét hao hao Tra Truyền Hiệp!

Con trai thứ của Kim Dung là Tra Truyền Thích có vóc dáng giống Kim Dung nhất, thân hình tròn trịa, mặt mũi đầy đặn. Tuy nhiên, Tra Truyền Thích không mấy hứng thú với sách vở. Được cha gửi sang Anh du học, Tra Truyền Thích chỉ đến giảng đường được một thời gian rồi bỏ đi nghiên cứu ẩm thực. Trở về Hồng Kong, Tra Truyền Thích từng mở nhà hàng Thực Gia Thái rất nổi tiếng, nhưng sau đó tự dẹp tiệm để sang Thẩm Quyến dạy nấu ăn và làm cố vấn ẩm thực.

Con gái thứ ba của Kim Dung là Tra Truyền Thi lúc nhỏ thông minh, lanh lợi. Chẳng may, năm lên 5 tuổi, Tra Truyền Thi gặp một sự cố và bị điếc. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Canada, Tra Truyền Thi trở về Hồng Kong làm việc ở Minh Báo và kết hôn với đồng nghiệp Triệu Quốc An. Hiện tại, Tra Truyền Thi làm Tổng biên tập cho một kênh truyền hình tài chính của Hồng Kong.

Con gái út của Kim Dung là Tra Truyền Nột sinh năm 1963. Nghê Khuông, nhà văn nổi tiếng của Hồng Kông, bạn thân của Kim Dung tiết lộ Kim Dung đã xây dựng hình tượng nhân vật Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp dựa theo nguyên mẫu Tra Truyền Nột. Thế nhưng, Tra Truyền Nột cũng không nối nghiệp văn chương của cha. Cô cho biết “trở thành cao thủ viết truyện không phải là mơ ước của tôi. Cha thường nói với tôi, hãy cứ làm điều gì mình muốn, không cần phải học theo ông. Bởi cái quý giá nhất của con người chính là bản ngã”.

Kim Dung và hai con Tra Truyền Hiệp, Tra Truyền Thi

Trong số các anh chị em, Tra Truyền Nột là người con duy nhất sống gần cha. Cô kết hôn sớm hơn chị gái và chồng là một bác sĩ. Tra Truyền Nột có năng khiếu hội họa. Năm 12 tuổi cô bái sư danh họa thủy mặc Đinh Diễn Dung học 2 năm, sau đó tự học sơn dầu. Tranh của cô được giới chuyên môn đánh giá cao. Tháng 5-2010, Tra Truyền Nột mở phòng vẽ ở khu trường đua Happy Valley - Hồng Kông rộng đến 1.500m. Nói về hội họa, Truyền Nột từng đùa rằng: “Cha tôi viết một cuốn tiểu thuyết phải mấy trăm trang mới hoàn thành, còn tôi chỉ trong một bức họa đã chuyển tải thiên ngôn vạn ngữ, chẳng phải tôi lợi hại hơn sao?”.

Trong phòng vẽ của Truyền Nột có một bức tranh đặc biệt, người trong tranh rất giống Kim Dung, nhưng chỉ có mắt trái đeo kính. Trong mắt mọi người thì Tra Lương Dung là học giả nghiêm nghị với đôi kính lão, nhưng với Truyền Nột thì khi bỏ mắt kính ra, Kim Dung trở thành người cha đáng yêu, cởi mở và hóm hỉnh.

PHẠM ANH (Kiến thức gia đình số 29)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/truong-lao-vo-lam-truyen-lai-tuyet-hoc-gi-cho-con-cai-post199003.html