Trường học ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh

Sáng 12-1, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Sở GD-ĐT và 316 điểm cầu phụ tại các phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức, đơn vị trực thuộc.

Chủ động tìm giải pháp chuyển đổi số

Mở đầu hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngành giáo dục đang trong giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh.

“Hiện nay, công tác quản lý hành chính ở nhiều nơi còn miễn cưỡng, còn tình trạng sử dụng hồ sơ giấy, chậm hoặc thụ động trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn. Tôi muốn nhấn mạnh đây là trách nhiệm của giáo viên”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội thảo sáng 12-1

Năm học 2023-2024, hai nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành đẩy mạnh là quyết tâm thực hiện chuyển đổi số và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù của thành phố.

Do đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM mong muốn các cơ sở giáo dục tăng thêm quyết tâm, đam mê, chủ động tìm tòi các giải pháp thực hiện chuyển đổi số, góp phần vào mục tiêu chung của thành phố.

Thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên

TS Nguyễn Thành Hải, Đại học Missouri (Hoa Kỳ) cho biết, trí tuệ nhân tạo là một phần của giáo dục STEM, liên quan đồng thời các lĩnh vực Toán học, Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật.

"Trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ nổi lên gần đây góp phần triển khai giáo dục STEM trong các trường học. Do có tính ứng dụng cao nên lĩnh vực này thu hút sự quan tâm khá lớn của các đơn vị trong và ngoài công lập", TS. Nguyễn Thành Hải thông tin.

TS Nguyễn Thành Hải trao đổi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa trí tuệ nhân tạo vào triển khai trong trường học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có hành lang pháp lý cụ thể về vấn đề này.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận vai trò và tác động của trí tuệ nhân tạo đối với việc thúc đẩy vai trò tự học của người học, giúp người học trở thành "công dân số" trong tương lai, thích ứng với sự phát triển của xã hội.

"Nếu làm chủ được công nghệ trí tuệ nhân tạo, người học sẽ đồng thời là người thiết kế, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các nội dung học tập, qua đó nâng cao năng lực số, phát triển các kỹ năng và phẩm chất cá nhân", TS Nguyễn Thành Hải nhận định.

Đối với giáo viên, công cụ này hỗ trợ các thầy, cô giáo thiết kế bài dạy; xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá học sinh, qua đó đa dạng hình thức học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đặc biệt, khi sử dụng trí tuệ nhân tạo vào dạy học, giáo viên sẽ "nói nhiều hơn viết", tăng cường tương tác giữa người dạy và người học, cá nhân hóa quá trình dạy học phù hợp từng đối tượng học sinh.

Như vậy, trí tuệ nhân tạo không chỉ là sự thay đổi về nhận thức mà còn thay đổi hành vi, phương pháp giảng dạy của giáo viên. Trong đó, giáo viên sẽ tăng thời gian tương tác với học sinh, thay cho việc dành nhiều thời gian vào chuẩn bị bài giảng và kiểm tra, đánh giá.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/truong-hoc-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-vao-day-hoc-va-kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-post722398.html