Trường học, hậu sáp nhập xã: Chuyện ở các điểm trường

Do phụ thuộc vào yếu tố khách quan nên nhiều trường học sau sáp nhập vẫn chưa thể về 1 điểm trường mà vẫn tồn tại 1 hoặc 2 điểm trường lẻ. Học sinh ở xã nào trước đây thì giờ vẫn học ở xã đấy. Điều này đã gây một số khó khăn cho các nhà trường.

Tại các điểm trường lẻ của Trường THCS Trường Xuân, bảo vệ vẫn được hỗ trợ với mức lương tối thiểu.

Giáo viên “chạy sô”

Cụm từ này đã trở nên quen thuộc với nhiều đơn vị trường học sau sáp nhập khi chưa về 1 điểm trường. Do tình trạng thiếu giáo viên cục bộ nên việc 1 giáo viên phải đi dạy 2 điểm trường là chuyện khó tránh khỏi.

Sau sáp nhập, Trường THCS Tế Nông (Nông Cống) có 10 giáo viên phải đi dạy cả 2 điểm trường đó là điểm trường chính THCS Tế Nông và điểm trường lẻ THCS Tế Tân (cũ). Cứ “đến hẹn lại lên”, những giáo viên này lại bận bịu với hành trình “chạy sô”. “Chạy sô” qua lời kể của cô giáo Vũ Thị Chinh, giáo viên dạy môn Ngữ văn: “Một tuần tôi có 2 buổi dạy. Tiết 1 và tiết 2 ở điểm chính, tiết 3 và 4 ở điểm lẻ. Dạy xong tiết 2, giờ ra chơi được nghỉ 15 phút. Khoảng thời gian ấy tôi chạy xe máy sang điểm trường lẻ. Từ điểm chính sang điểm lẻ hơn 4 km. Hôm nào trời nắng ráo, tôi đi khoảng 10 phút. Hôm nào trời mưa hay họp chợ, tắc đường, có khi vừa đến cổng trường thì trống đánh, cũng có hôm sang đến nơi thì vào học đã 1, 2 phút”.

Cô giáo Ngô Thị Giang, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở Trường THCS Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) cũng tất bật với việc “chạy sô”. Cô giáo Giang sống ở TP Thanh Hóa, cách trường hơn 10 km. Tuy nhiên, đoạn đường dài hơn khi cô Giang phải dạy cả 2 điểm trường. Cô kể: “Từ điểm trường chính sang điểm lẻ gần 3 km. Thường thì sau khi hoàn thành tiết 1 và 2 bên điểm chính thì tôi di chuyển sang điểm lẻ để dạy tiết 4 và 5. Thời gian sang điểm lẻ khoảng 10 phút. Tuy nhiên, cũng có buổi dạy mà số tiết ở 2 điểm trường liền nhau thì chỉ mong cố gắng di chuyển kịp giờ, nhất là hôm trời mưa gió rất vất vả. Thực tế là vậy nhưng bù lại, giáo viên chúng tôi được rất nhiều thuận lợi sau khi trường sáp nhập, thuận nhất là có thêm đồng nghiệp để học hỏi, trao đổi, bồi dưỡng học sinh giỏi…”.

“Việc bên nào, bên đấy lo”

Trường TH Tế Nông (mới) được thành lập sau khi sáp nhập Trường TH Tế Nông và TH Tế Tân (cũ). Chưa về được 1 điểm trường, với hiệu trưởng Trường TH Tế Nông là thầy giáo Đỗ Gia Tiến vẫn còn đó nhiều nỗi niềm. Trong đó, thầy không quên nhắc đến câu chuyện xã hội hóa giáo dục khi mà sau gần 3 năm sáp nhập trường, phụ huynh ở 2 điểm trường vẫn chưa có tiếng nói chung về vấn đề này. Hiệu trưởng Đỗ Gia Tiến nhớ lại: “Tại cuộc họp phụ huynh của năm đầu tiên sau sáp nhập, ở điểm chính cũng như điểm lẻ, phụ huynh đứng dậy phát biểu, rằng những cái gì chung là chung nhưng riêng tiền đóng góp xã hội hóa để đầu tư về cơ sở vật chất thì bên nào bên đấy lo. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu bên này có khó khăn mà lấy bên có điều kiện để bổ sung và ngược lại cũng không thể thực hiện được”.

Vậy nên, để thực hiện đúng tinh thần xã hội hóa, ở mỗi điểm trường sẽ được đặt 1 chiếc thùng gỗ, ai góp nhiều, góp ít thì bỏ tiền vào đấy, không có thì không góp. Dù cả 2 điểm trường, công tác xã hội hóa làm tốt nhưng đã thành quy định, tiền bên nào bên đấy sử dụng. Vì vậy, sáp nhập nhưng vẫn còn đấy là câu chuyện về ranh giới, khoảng cách.

Trả tiền lương cho bảo vệ

Sáp nhập nhưng chưa về 1 điểm trường khiến nhiều trường học loay hoay với câu chuyện kinh phí, đặc biệt đối với điểm trường lẻ.

Giờ dạy Ngữ văn của cô giáo Vũ Thị Chinh tại lớp 8A, Trường THCS Tế Nông.

Trường THCS Tế Nông (Nông Cống), do vẫn tồn tại 2 điểm trường sau sáp nhập nên nếu chỉ tính riêng tiền trả cho bảo vệ thì cũng phải tăng gấp đôi. Hai bảo vệ ở 2 điểm trường với tiền lương là 2,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, một năm học, nhà trường phải trả 45 triệu đồng tiền thuê bảo vệ. Nói về điều này, hiệu trưởng Trường THCS Tế Nông, thầy giáo Lê Xuân Tuấn cho hay: “Nhà trường có 2 điểm trường nên phải tiết kiệm chi tiêu để trả tiền cho bảo vệ và một số khoản khác. Thực tế, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn”. Còn theo cô giáo Lê Thị Hương, hiệu trưởng Trường THCS Yến Sơn (Hà Trung): “Với 2 điểm trường sau sáp nhập, nhà trường cũng phải cân đối ngân sách để trả tiền cho 2 bảo vệ, bảo đảm vấn đề an ninh cho học sinh”.

Thọ Xuân là một trong số ít huyện trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay có chính sách hỗ trợ cho bảo vệ ở các trường học. Đối với các trường sau sáp nhập mà tồn tại điểm lẻ, huyện vẫn hỗ trợ cho các điểm này. Hiệu trưởng Trường THCS Trường Xuân, thầy giáo Hà Sỹ Sơn cho biết: “Sau sáp nhập nhà trường có 1 điểm chính và 2 điểm trường lẻ. Bảo vệ ở các điểm trường vẫn được trả mức lương tối thiểu là 1.490.000 đồng/tháng. Kinh phí do huyện và xã chi trả”. Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết thêm: “Riêng với chính sách hỗ trợ cho bảo vệ các trường học, huyện đã duy trì từ lâu. Hiện huyện đang hỗ trợ 1.190.000 đồng/tháng và yêu cầu xã bổ sung thêm 300.000 đồng/tháng. Đối với các điểm lẻ của trường sáp nhập, do số lượng bảo vệ giữ nguyên nên huyện vẫn tiếp tục hỗ trợ”.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/truong-hoc-hau-sap-nhap-xa-chuyen-o-cac-diem-truong/26788.htm