Trường Hermann Gmeiner Đà Lạt: Ngôi nhà giữa rừng thông của teen 'miền núi chất'

Gắn bó với trường đã 12 năm, nhiều bạn học sinh gọi trường Hermann Gmeiner (Đà Lạt) với cái tên thân thương: Ngôi nhà chung của teen 'miền núi chất'!

“Hội phụ huynh” xì-tin

Tọa lạc trên đường Hùng Vương (TP. Đà Lạt), PT Hermann Gmeiner là ngôi trường ngoài công lập tại xứ sở mộng mơ. Gọi là “ngôi nhà ba gian” bởi vì có cả học sinh ba cấp theo học, từ các bé tween Tiểu học đến teen THCS và THPT. Được đặt theo tên của người sáng lập ra Làng trẻ em SOS, trường này cũng là nơi học tập của nhiều bạn nhỏ tại làng.

Cấp THPT gồm 6 lớp mỗi khối, cấp Tiểu học và THCS chỉ gồm 2 lớp A và B. Số lượng ít nhưng chất lượng cao, bạn nhỏ nào khi gặp người lớn cũng đều cúi đầu chào và nở nụ cười. Có dịp ghé thăm trường và trò chuyện cùng các bạn học sinh thuộc CLB WFTF, chợt nhận ra team “miền núi chất” ai cũng xem trường PT Hermann Gmeiner như ngôi nhà thứ hai của mình. Khi được hỏi về lý do, các bạn đều đồng thanh trả lời: Thầy cô ở trường lạ lắm!

Bạn Nguyễn Phương Linh (Lớp 10) chia sẻ: “Không biết diễn tả như nào nhưng các thầy cô đều đặc biệt “chăm” tụi mình. Nhớ mặt từng người, quan tâm từng bạn”. Thầy Nguyễn Huy Hoàng - Bí thư Đoàn trường - được các bạn CLB miêu tả là “Bộ trưởng Bộ nội giao” vì ai cũng quý mến. Thầy cũng là người đã hỗ trợ học sinh và cố vấn thành lập CLB WFTF - nơi hội tụ những “bản thiết kế vĩ đại” của trường.

Cô Thu Thủy.

“Hội phụ huynh” gồm rất nhiều thầy cô “xì tin”, trong đó cô Thủy Mun - Nguyễn Thị Thu Thủy thường được các trò ríu rít vây quanh. “Chuyên trị” ngôn ngữ Gen Z nhưng lại là giáo viên bộ môn Ngữ văn kiêm Kinh tế - Pháp luật, cô Thủy là một trong những giáo viên mới của trường Hermann Gmeiner.

Cô Thủy chia sẻ: “Cô đã gắn bó với trường Hermann Gmeiner Đà Lạt được hơn một năm. Với đặc thù là trường liên cấp, cô có thể tiếp xúc với rất nhiều học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ngày nào đi dạy cũng giống như ôn lại tuổi thơ vậy đó!”.

Một ngày ngoại khóa.

Đối với cô Thủy, “đặc quyền” khi làm giáo viên tại trường Hermann Gmeiner chính là được xem văn nghệ mỗi tuần, các tiết mục được các bạn học sinh từ cấp Một đến cấp Ba thay phiên chuẩn bị. Nhớ lại một kỷ niệm xúc động, cô chia sẻ: “Hồi cô vừa về trường dạy, trong tiết học, thấy học sinh loay hoay rủ rỉ thầm thì với nhau hoài. Thế là cô mới nghiêm mặt định nhắc nhở, tụi nhỏ lại chạy lên đưa cho cô chiếc băng cá nhân hình con thỏ. Sững sờ vài giây, hóa ra là do tụi nhỏ thấy tay cô bị trầy vì tì bảng nên mới vội vàng hỏi nhau. Trái tim cô tan chảy luôn!”.

12 năm “xanh lá non”

Mùa lạnh sẽ có thêm một chiếc áo giữ ấm bên ngoài.

Do ở xứ lạnh, bên cạnh đồng phục sơ mi, học sinh Đà Lạt sẽ được trang bị thêm một chiếc áo giữ ấm bên ngoài. Không quy định kiểu áo bắt buộc, teen được thoải mái lựa chọn giữa gi-lê, hoodie, sweater hay áo len… Đặc biệt, cách phân biệt học sinh của các trường chính là thông qua màu áo đồng phục. Teen Hermann Gmeiner mặc áo cực nổi bật với màu xanh lá non, có sọc trắng ở cổ áo và tay áo.

Bạn Trịnh Nguyễn Phương Nam (Lớp 11) cho biết: “Ở đây học sinh chỉ cần ra chợ, nói với cô thợ may là muốn may áo của trường mình là cô sẽ biết”. “Menu” đồng phục có “món điểm tâm” là bảng tên gồm hai loại: Vải và ghim cài. “Món chính” là kiểu áo với hai kiểu phổ biến: Gi-lê và áo tay dài cổ tim.

Nguyễn Thị Thúy.

Gắn bó với trường Hermann Gmeiner suốt 11 năm qua, màu xanh lá non cũng trở thành màu sắc thanh xuân của bạn Nguyễn Thị Thúy (Lớp 11). “Học từ năm lớp Một nên hầu hết thầy cô trong trường, ba mẹ mình chắc đều đã gặp qua luôn rồi”, Thúy chia sẻ.

Bên cạnh đó, các bạn học sinh cũng “flex” về dàn “mẹ đỡ đầu” ở căng-tin trường. Phương Linh cho biết, món ăn khiến cô bạn “mơi” nhất là món bò kho thơm lừng. Thực đơn bán trú được thay đổi mỗi ngày nên lâu lâu các bạn sẽ được thưởng thức món bò kho vào ngày thứ Sáu.

“Hội học sinh” trong truyền thuyết

Bùi Chí Trung (Founder CLB WFTF).

Là CLB đầu tiên của các HG-ers, CLB WFTF được xem là “hội học sinh” trong truyền thuyết, nổi bật với dàn thành viên trai xinh gái đẹp. Bạn Bùi Chí Trung (Chủ tịch CLB WFTF) tiết lộ: “Để miêu tả chính xác nhất thì là CLB tổ chức sự kiện vì sự kiện nào tụi mình cũng cân được. Bên cạnh đó, tụi mình cũng làm truyền thông, cập nhật thông tin về trường trên fanpage”.

Thành viên CLB WFTF gồm teen ở nhiều độ tuổi, nhỏ nhất là bạn Bảo Trân (Lớp 6). Các bạn học sinh cấp Hai được tạo điều kiện làm quen với các hoạt động CLB ở vị trí cộng tác viên.

Cuộc thi MSC23.

Bạn Chí Trung chia sẻ: “Dù chỉ vừa thành lập từ năm 2021 nhưng tụi mình được vinh dự tổ chức nhiều sự kiện lớn trường. Gần đây nhất là phối hợp với CLB Kỹ năng trường THPT Trần Phú tổ chức sự kiện Trung Thu cho các bé “hàng xóm” của trường - Làng trẻ em SOS”.

Bốn mùa quanh năm, trường đều tràn ngập sự kiện “chất ngất”, nhưng gần đây nhất là MCS - Hermann Gmeiner Đà Lạt. Đây là cuộc thi để tìm ra Hoa khôi và Nam vương tài năng của trường. Và cả hai Quán quân của MCS23 đều là “tân binh” của CLB WFTF đấy!

Bạn Phương Linh (Hoa Khôi MCS23).

Bạn Nguyễn Vũ Phương Linh (Hoa khôi MCS23) tiết lộ về các vòng thi gắt gao: “Sương sương là mình phải trải qua ba vòng thi, chưa kể mỗi vòng có rất nhiều thử thách phụ. Nhớ nhất chắc là câu hỏi ứng xử, mình được hỏi về lời xin lỗi và lời cảm ơn. Bên cạnh đó còn có vòng thi tài năng nữa”.

Bạn Nguyễn Châu Bảo Long (Nam vương MCS23) gây ấn tượng bởi vẻ ngoài gần gũi và cách trò chuyện “duyên dáng” của mình. Bảo Long cho biết bản thân dự định sẽ theo học ở Nhạc viện: “Mình mê âm nhạc và dự định sẽ theo học đại học ở TP.HCM”.

Sắp tới đây, trường PT Herman Gmeiner Đà Lạt sẽ tổ chức hội trại tưng bừng để chào đón kỷ niệm 30 năm thành lập trường. Nếu có dịp ghé Đà Lạt, mời bạn tới thăm ngôi trường đặc biệt này nhé!

CÁ MÈO - Ảnh: NVCC, tổng hợp

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/thpt-hermann-gmeiner-da-lat-ngoi-nha-giua-rung-thong-cua-teen-mien-nui-chat-post1595215.tpo