Trương Đình Hoàng và Đỗ Thị Thảo rẽ hướng kinh doanh: Bài học lớn cho vận động viên đỉnh cao

Không ít vận động viên thể thao đỉnh cao của Việt Nam gặp khó khăn sau khi giải nghệ, nhưng thành công của cặp đôi vàng Trương Đình Hoàng và Đỗ Thị Thảo gần đây là bài học lớn cho tất cả.

Mỗi năm, thể thao Việt Nam luôn có rất nhiều vận động viên thể thao đỉnh cao giã từ sự nghiệp, từ những người chỉ ăn tập ở đội tuyển tỉnh cho đến các ngôi sao lớn ở đội tuyển quốc gia. Theo đuổi thể thao đỉnh cao luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bên cạnh hào quang chiến thắng. Có nhiều lý do khiến vận động viên phải chia tay sự nghiệp, từ chấn thương cho đến tuổi tác. Nhưng vì bất cứ lý do nào, nhiều người đã rơi vào cảnh khó khăn khi rời xa sân đấu bởi lẽ họ không biết làm gì khác. Đó đã và đang là vấn đề đau đầu với các nhà quản lý thể thao nước nhà.

Trương Đình Hoàng và Đỗ Thị Thảo bén duyên từ năm 2011 trước khi kết hôn vào năm 2015.

Theo số liệu của Cục Thể dục thể thao - Bộ VH,TT&DL công bố tại Chương trình giao lưu trực tuyến “Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho vận động viên thể thao” tổ chức cuối năm 2020, chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc đã trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Ước tính có khoảng 60 - 70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Việc các vận động viên gặp khó khăn sau giải nghệ không còn là điều mới mẻ hay khó hiểu với ngay cả những người ngoại đạo. Hầu hết các vận động viên muốn theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao đều phải dấn thân vào thể thao từ rất sớm và dành gần như toàn bộ thời gian cho bộ môn của mình. Họ không được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, kiến thức chuyên ngành để chuyển hướng sau khi gắn bó với thể thao 10, thậm chí là 20 năm.

Tuy nhiên, nhiều điểm sáng xuất hiện trong thời gian gần đây giúp giới thể thao có những bài học lớn để noi theo. Trường hợp đầu tiên có thể kể đến là “Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên. Ngay sau khi giải nghệ, Ánh Viên đầu tư vào xây dựng các kênh cá nhân trên mạng xã hội, từ đó mở trung tâm dạy bơi. Cách làm này giúp Ánh Viên vừa tận dụng được tài năng vốn có của bản thân, vừa có thể kiếm thêm nguồn thu nhập đáng kể để sinh sống sau khi giã từ sự nghiệp từ khá sớm.

Mới nhất, cặp đôi vàng Trương Đình Hoàng và Đỗ Thị Thảo mang đến một bài học khác, chứng minh các vận động viên có thể chuyển hướng sang kinh doanh tốt như thế nào, miễn là họ biết cách sử dụng các thế mạnh của bản thân. Đầu năm 2024, Trương Đình Hoàng mới chính thức treo găng nhưng từ trước đó, anh đã sớm ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân để kinh doanh café, bán các dụng cụ tập luyện thể thao thông qua mạng xã hội.

Sau khi nghỉ thi đấu, Trương Đình Hoàng có thể dồn toàn bộ thời gian vào công việc kinh doanh. Giờ đây, người hâm mộ không còn xa lạ gì với hình ảnh “Quyền vương” một thời livestream bán hàng. Anh cũng xuất hiện trong nhiều đoạn phim ngắn giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên Tiktok.

Đáng chú ý, người đứng sau phụ giúp Trương Đình Hoàng làm những việc này không ai khác ngoài Đỗ Thị Thảo. Giống như giai đoạn đầu công khai mối tình và cưới Trương Đình Hoàng, Đỗ Thị Thảo âm thầm lùi về phía sau làm hậu phương vững chắc cho chồng.

Còn nhớ tại SEA Games 2015 tại Singapore, Trương Đình Hoàng đã khiến giới truyền thông phát sốt khi công khai chuyện yêu đương với Đỗ Thị Thảo ngay sau khi giành huy chương vàng boxing hạng 75kg nam. Đó là một trong những tấm huy chương vàng lịch sử của boxing Việt Nam, nhưng Trương Đình Hoàng không thể ăn mừng cuồng nhiệt như thường lệ vì mải lo lắng cho cô bạn gái sắp thi đấu.

Ở thời điểm đó, Trương Đình Hoàng tiết lộ: “Tôi muốn gửi tặng tấm huy chương vàng này cho bạn gái tôi. Giờ này, cô ấy sắp thi đấu mà tôi không được nhìn thấy cô ấy chạy. Tôi chỉ mong cô ấy cũng giành huy chương vàng”.

Đỗ Thị Thảo quả thật đã giành huy chương vàng SEA Games 2015 như lời nguyện cầu của Trương Đình Hoàng. Không những vậy, cô còn giành cú đúp huy chương vàng ở các nội dung 800m và 1500m nữ. Thế nhưng ngay sau SEA Games 2015, Đỗ Thị Thảo quyết định giải nghệ ở tuổi 23 để kết hôn với Trương Đình Hoàng.

Nhìn từ góc độ sự nghiệp, cô có thể thi đấu 2 kỳ SEA Games khác mà vẫn còn khả năng tranh chấp huy chương. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ gia đình, Đỗ Thị Thảo được các đồng đội, đồng nghiệp, thầy cô ủng hộ. Cũng nhờ sự “hy sinh” của cô, Trương Đình Hoàng có thể theo đuổi đam mê với boxing đến tận bây giờ.

Sau khi hoàn tất việc học Đại học Thể dục thể thao ở Đà Nẵng, Đỗ Thị Thảo theo chồng về Buôn Ma Thuột sinh sống và khởi nghiệp. Đó có thể xem là hành trình khởi nghiệp đời hậu vận động viên của bộ đôi này. Làm việc gì, họ cũng làm cùng nhau và từng bước gầy dựng cơ ngơi mới.

Bài học cho các vận động viên khác ở đây là gì? Họ cần xác định được thế mạnh vốn có và từ đó định hướng cho tương lai. Họ cũng cần tìm được hậu phương vững chắc, người vừa có thể chia sẻ ngọt bùi, vừa sẵn sàng đồng hành trên con đường khởi nghiệp sau giải nghệ.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/truong-dinh-hoang-va-do-thi-thao-re-huong-kinh-doanh-bai-hoc-lon-cho-van-dong-vien-dinh-cao-i730038/