Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học về phát triển kinh tế số

Phát triển kinh tế số giúp nền kinh tế tối ưu hóa nguồn lực, mang lại nhiều lợi ích, giá trị và cơ hội.

Ngày 4/3, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số; cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.

Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Phát triển kinh tế số: Định hướng và giải pháp chính sách”, thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025”.

Kinh tế số là xu hướng đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại các quốc gia trên thế giới. Phát triển kinh tế số giúp nền kinh tế tối ưu hóa nguồn lực, mang lại nhiều lợi ích, giá trị và cơ hội. Mặt khác, kinh tế số đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức và khó khăn đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây lộ trình phù hợp trong mỗi giai đoạn, từ xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đến tăng cường đầu tư hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực số.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển kinh tế số toàn cầu, các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập đến các khái niệm về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó định hướng thứ hai xác định: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: DUE

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục chịu “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong kéo dài nhiều năm. Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế xã hội toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Phát triển kinh tế số, một trong ba trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia (Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số) luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/ năm là những nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và chưa có tiền lệ trên phạm vi toàn cầu. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang cố gắng tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và công nghệ số nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới, tìm kiếm các động lực phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Huy. Ảnh: DUE

Đặc biệt, đối với Việt Nam, thúc đẩy kinh tế số có thể được xem là một trong những chiến lược quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế, gia nhập chuỗi giá trị cao toàn cầu nhằm bứt phá bẫy thu nhập trung bình trong thập kỷ tới. Các chiến lược và chính sách chuyển đổi số, phát triển công nghệ hay thúc đẩy các khu vực kinh tế gắn với công nghệ số của Chính phủ vừa qua đã có những thành công nhất định. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% với tốc độ phát triển khoảng 20%/năm. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong nhóm những quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế số mạnh của thế giới.

Thầy Huy cũng nhìn nhận: "Song hành với nhiều cơ hội lớn và rõ nét, kinh tế số Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều vấn đề và thách thức không nhỏ. Các vướng mắc từ nội tại nền kinh tế trong nước như cơ cấu kinh tế, nguồn lực công nghệ và tập quán kinh doanh cũng như các biến động bất thường từ thế giới đang tạo ra những rủi ro và tác động khó lường đến sự phát triển của khu vực này. Hiểu rõ được các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển nền kinh tế số đang là yêu cầu cấp thiết của các cơ quan hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.

Chính vì vậy, hội thảo “Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” là một hoạt động khoa học thiết thực và có ý nghĩa thực tiễn hiện nay, đặc biệt là thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 của Chính phủ.

Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, với sự tập trung cao độ và chia sẻ thẳng thắn, Hội thảo chúng ta sẽ có được những thông tin và giải pháp khoa học vững chắc giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số của Việt Nam".

Là cơ sở đại học định hướng chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế - kinh doanh của Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế xác định việc phát triển năng lực khoa học và xây dựng mạng lưới nghiên cứu là một trong những trọng tâm chiến lược của nhà trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong cho biết: "Sự phát triển của kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ và tạo ra những cơ hội cũng như thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, sự chuyển dịch nhanh chóng của nền kinh tế thế giới từ truyền thống sang số hóa. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải thích nghi để không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong kỷ nguyên mới.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong. Ảnh: DUE

Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm tạo lập một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, như chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin".

Về cơ bản, Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề chính:

Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số: Cơ hội và thách thức;

“Chuyển đổi số - Lộ trình, năng lực, rào cản và thách thức; Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam”;

Xu hướng phát triển kinh tế số đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: DUE

Ban tổ chức kỳ vọng hội thảo sẽ là diễn đàn hữu ích để các em sinh viên, các giảng viên, các nhà khoa học, các chuyên gia và những đại biểu tham dự trao đổi, chia sẻ, phản biện những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế số trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay. Phát triển kinh tế số giúp nền kinh tế tối ưu hóa nguồn lực, mang lại nhiều lợi ích, giá trị và cơ hội. Mặt khác, kinh tế số đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức và khó khăn đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây lộ trình phù hợp trong mỗi giai đoạn, từ xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đến tăng cường đầu tư hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực số.

Phạm Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-kinh-te-da-nang-to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-ve-phat-trien-kinh-te-so-post241235.gd