Trường đại học khu vực miền Trung 'khát' giáo sư, phó giáo sư

Từ năm 1980 đến năm 2015, sau 24 đợt xét trong 36 năm, tổng số lượt giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được công nhận ở nước ta là 11.619 người. Phần lớn số GS này đã hơn 60, thậm chí 70, 80 tuổi.

Để phù hợp hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng GS, PGS, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31-8-2018 quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Từ năm 2019 đến nay, qua 4 năm xét theo tiêu chuẩn mới, số lượng GS, PGS được các trường bổ nhiệm là 1.609 người. Nếu tính số GS, PGS đã được Hội đồng GS ngành/liên ngành xét trong năm 2023 thì số GS, PGS sẽ là 2.215 người. Cũng cần làm rõ thêm, những ứng viên sau khi được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn, mà không được cơ sở giáo dục đại học nào bổ nhiệm thì chưa được gọi là GS, PGS. Một phần Nhà nước cũng mong muốn các ứng viên không được bổ nhiệm ở các đại học lớn, thì có thể về các đại học ở địa phương đăng ký bổ nhiệm làm GS, PGS. Tuy nhiên việc này, trong các năm qua chưa có kết quả vì tất cả các đại học đều "khát" GS, PGS.

ĐH Đà Nẵng có nhiều nỗ lực đào tạo tiến sĩ, nâng cao số lượng GS, PGS bằng giải pháp đào tạo sau đại học, các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí uy tín. Ảnh nhà trường cung cấp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, nước ta có 242 trường đại học (không kể các trường thuộc khối quân sự và an ninh) với 602 GS, 4.601 PGS giảng dạy toàn thời gian. Trong số các đại học này, khối công lập có 175 trường, với 462 GS, 3.772 PGS còn độ tuổi làm việc. Số còn lại 140 GS và 829 PGS giảng dạy trong các trường đại học ngoài công lập, phần lớn trước đây làm việc ở các cơ sở công lập đã nghỉ hưu, nên hiện nay cũng ngoài 65 hoặc ngoài 70 tuổi. So với quy mô 2.145.426 sinh viên đại học thì bình quân 3.503 sinh viên/GS và 466 sinh viên/PGS; mỗi đại học sẽ có 2,5 GS và 19 PGS. Con số này là quá thấp so với nhu cầu trong nước, tương quan trong khu vực và trên thế giới.

Theo báo cáo công khai của các trường đại học trong cả nước cho thấy, số GS, PGS tập trung ở các trường đại học có truyền thống như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp, ĐH Y Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng. Các ứng viên từ các đại học ngoài công lập trong 5 năm trở lại đây có tăng lên, nhưng chiếm tỷ trọng thấp; điều ấy cho thấy các GS, PGS đang giảng dạy tại các đại học ngoài công lập chủ yếu vẫn là những người đã nghỉ hưu từ các cơ sở công lập.

Cũng theo báo cáo công khai cho thấy, ĐH Quốc gia Hà Nội có tổng số 62 GS, chiếm 1,8% và 355 PGS, chiếm 10,3%; bình quân cho cả GS, PGS là 12,1% (trong đó Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có 5,3% GS và 49% PGS - cao nhất nước). Khu vực miền Trung, các đại học công lập như ĐH Vinh, ĐH Huế (7 trường đại học thành viên), ĐH Đà Nẵng (7 trường đại học thành viên) có nhiều nỗ lực đào tạo tiến sĩ, nâng cao số lượng GS, PGS bằng giải pháp đào tạo sau đại học, các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí uy tín WoS/Scopus nhưng cũng chỉ đạt bình quân 8,11% GS, PGS/tổng giảng viên cơ hữu. Trường ĐH ngoài công lập duy nhất có số lượng GS, PGS cao là ĐH Duy Tân, có 8 GS và 58 PGS, đạt 7,4%; nhưng chủ yếu qua tuyển dụng người lớn tuổi; số liệu ứng viên được bổ nhiệm từ nguồn do Hội đồng GS Nhà nước công nhận cũng chưa được nhiều, bình quân trong 5 năm qua khoảng 20 PGS.

Đây cũng là thành tích nổi trội so với các đại học ngoài công lập khác. Số đại học công lập còn lại như ĐH Hà Tĩnh, ĐH Quảng Bình, ĐH Quảng Nam, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Phú Yên, ĐH Xây dựng Miền Trung… chỉ có 1 đến 2 PGS. Có trường như ĐH Phạm Văn Đồng, trước đây có 1 PGS nhưng nay đã nghỉ hưu, nên mặc dù một số ngành có thế mạnh, đủ số lượng tiến sĩ theo quy định và muốn mở đào tạo cao học nhưng vẫn chưa đủ điều kiện do “trắng” PGS.

Cũng nói thêm, các tiến sĩ muốn trở thành PGS ngoài việc phải có 3 bài báo trên hệ thống WoS/Scopus, còn phải hướng dẫn tối thiểu 2 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Một số đại học ngoài công lập đang trên đà phát triển và đã thành lập trên 15 năm như ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Đông Á, ĐH Phú Xuân… nhưng số GS, PGS vẫn còn rất khiêm tốn, những năm gần đây cũng chưa thấy rõ các tiến sĩ của trường làm ứng viên GS, PGS. Trở ngại chính cũng do chưa có đào tạo sau đại học.

Như vậy rõ ràng số lượng GS, PGS qua 5 năm tăng lên 2.215 người, bình quân mỗi năm 443 người, nhưng số lượng GS, PGS nghỉ hưu cũng tương ứng như vậy nên tỷ lệ sinh viên /GS.PGS chưa cải thiện được nhiều và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt là các trường đại học ngoài khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các trường ở khu vực miền Trung muốn trở thành đại học “đúng nghĩa đại học” thì ngoài đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phải có đào tạo sau đại học. Cần phải có những chính sách hấp dẫn để thu hút giảng viên là GS, PGS.

TRẦN VĂN NAM

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202311/truong-dai-hoc-khu-vuc-mien-trung-khat-giao-su-pho-giao-su-3959244/