Trường Đại học Dược Hà Nội: Hướng tới mục tiêu trường đại học chuyên ngành tầm cỡ khu vực

Tiền thân là Trường Thuốc Đông Dương do chính phủ Pháp thành lập ngày 8/1/1902 và bắt đầu đào tạo dược sĩ từ năm 1914. Truyền thống 102 năm đào tạo dược sĩ (1914-2016) và chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển (1961-2016). Trường Đại học Dược Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực dược trình độ cao cho đất nước với 14.200 dược sĩ, 2.685 dược sĩ chuyên khoa cấp I & cấp II, 1.083 thạc sĩ và 131 tiến sĩ dược học phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản xuất, cung ứng thuốc đủ cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh và tăng cường hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế

Với bề dày truyền thống của 102 năm đào tạo dược sĩ, hiện nay Trường Đại học Dược Hà Nội đang đặt mục tiêu trở thành trường đại học chuyên ngành trọng điểm quốc gia ngang tầm khu vực vào năm 2020 và là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu về công nghệ và khoa học Dược trong cả nước.

GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường

Nhấn mạnh về mục tiêu này, PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội nhấn mạnh: “Thành tựu và truyền thống đến ngày hôm nay là quan trọng nhưng hướng đi và nỗ lực phấn đấu từ ngày hôm nay mới là quyết định. Đổi mới luôn không dễ, tiên phong lại càng khó. Bởi vậy, nhà trường đang tập trung cao cho mục tiêu này, với phương châm “Duy trì sự ổn định, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết hợp tác, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm”.

PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa cho biết, Trường xác định 4 chương trình chiến lược cần phấn đấu thực hiện kiên trì và bền bỉ trong giai đoạn tới, đó là rà soát, đổi mới chương trình đạo tạo dựa trên chuẩn năng lực dược sĩ sẽ được Bộ Y tế ban hành, đổi mới tổ chức đào tạo,phương pháp dạy – học, cách thức lượng giá, quản lý chất lượng… đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện và hướng tới hội nhập với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó là tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, mở rộng các mô hình liên kết nghiên cứu Viện – Trường; doanh nghiệp – Trường từng bước hướng tới phát triển thành Trường đại học nghiên cứu, lấy nghiên cứu làm mũi nhọn chuẩn bị cho việc tự chủ hoàn toàn về tài chính.

PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi lễ

Trường cũng sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên, chuyên viên và cán bộ quản lý chuẩn về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong thời kỳ mới. Tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị, với trọng tâm tối ưu hóa và đảm bảo hiệu quả đầu tư…

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, mục tiêu trên đây hoàn toàn có thể đạt được bởi nhà trường đã có thêm nhiều bài hoc, kinh nghiệm khi vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn 2011 – 2016. Đó là những biến động của bộ máy lãnh đạo trường; Việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục, thực hiện tự chủ từng bước, tiến tới tự chủ toàn diện về mọi lĩnh vực hoạt động của giáo dục đại học; các cơ sở đào tạo dược sĩ trong cả nước tăng lên 24 trường trong năm 2015 và khó khăn về cơ sở vật chất, việc thắt chặt số lượng biên chế của đơn vị sự nghiệp…

Về giải quyết những khó khăn này, PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa cho biết, với sự ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Nhà trường đã thực hiện kiện toàn Ban lãnh đạo. Căn cứ trên quy hoạch phát triển Trường đến 2020 và tầm nhìn 2030, Lãnh đạo Nhà trường đã chủ động đề ra các phương hướng, chiến lược phát triển trung và ngắn hạn để triển khai thực hiện hàng năm.

Nhà trường đã quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên theo Đề án vị trí việc làm được Bộ Y tế phê duyệt phù hợp với quy mô đào tạo, đảm bảo tỷ lệ và cơ cấu theo đúng quy định, tinh giản đội ngũ chuyên viên khối phòng ban. Lực lượng cán bộ khoa học của Trường hiện có 3 GS, 22 PGS, 46 TS, hơn 100 ThS và ngày được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu.

Trường đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho tất cả các hệ đào tạo trong và sau đại học; tổ chức đào tạo định hướng chuyên ngành với hệ đại học và đào tạo chuyên ngành với hệ đào tạo sau đại học; mở rộng và triển khai các chương trình liên kết với nước ngoài, từng bước chuẩn bị cho mục tiêu hội nhập giáo dục; tăng cường cơ sở dữ liệu tra cứu, sách, tài liệu tham khảo, ổn định quy mô đào tạo ở mức 4.200 SV đại học và 620 học viên sau đại học để giữ vững chất lượng đào tạo.

Với định hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu thì việc ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ đã thực sự được Trường Đại học Dược Hà Nội thực sự chú trọng. Trong 5 năm qua, Trường đã thực hiện 6 đề tài khoa học công nghệ (KHCN) cấp Nhà nước, 31 đề tài cấp Bộ, 162 đề tài cấp Trường; 481 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và 136 bài được đăng trên tạp chí quốc tế. Trường đã tổ chức, đồng tổ chức nhiều hội nghị KHCN trong nước và quốc tế, 5 luận án TS, 57 luận văn ThS, 114 khóa luận tốt nghiệp là sản phẩm của các đề tài KHCN. Đáng chú ý là có 17 đề tài KHCN gắn kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học và công ty dược phẩm, có 10 bằng phát minh sáng chế được cấp.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển hợp tác quốc tế được xây dựng dựa trên quy hoạch phát triển Trường qua các giai đoạn và tập trung vào các mảng chính: Đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị và quản trị Trường. Hơn 20 chương trình và dự án quốc tế đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và vị thế của Trường.

PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa cũng nhấn mạnh, Trường Đại học Dược Hà Nội là một trong những trường Đại học đầu tiên của ngành Y tế thực hiện tốt tự chủ về tài chính, nâng cao mức thu nhập của CCVC và người lao động lên 2,4 lần.

“Với bề dày thành tích được bồi đắp thêm trong 5 năm qua, Trường đã vinh dự được đón nhận: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2011), Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2012, Huân chương Hữu Nghị của Chính phủ Lào (2013) và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành… PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa cho biết và nhấn mạnh, những phần thưởng cao quý đó đã góp phần cổ vũ động viên CCVC-NLĐ, học viên, sinh viên Nhà trường không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Việt Cường

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/huong-toi-muc-tieu-truong-dai-hoc-chuyen-nganh-tam-co-khu-vuc/