Trường đại học Australia quay lại thời giấy bút vì lo ngại gian lận

Các trường đại học hàng đầu Australia cho biết việc xây dựng lại quy tắc đánh giá sinh viên là tối quan trọng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang tạo ra khủng hoảng đạo văn.

Trước sự phát triển của các phần mềm đạo văn, nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang phải thay đổi hệ thống chấm điểm và đánh giá sinh viên. Ảnh: Shutterstock.

Các trường đại học Australia đã buộc phải thay đổi cách tổ chức các kỳ thi và đánh giá do lo ngại sinh viên sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo mới nổi để viết luận.

Các tổ chức giáo dục lớn đã tuyên bố việc sử dụng AI là gian lận khi một số sinh viên đã bị bắt khi ứng dụng phần mềm này. Tuy nhiên, một chuyên gia về AI cảnh báo các trường đại học đang trong "cuộc chạy đua vũ trang" không bao giờ có thể chiến thắng.

Nỗi lo toàn cầu

Tại New York, ChatGPT đã bị cấm trên tất cả thiết bị tại các trường đại học công lập do lo ngại nó có thể "tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh" và dẫn đến đạo văn.

Ở London (Anh), một học giả đã dùng ChatGPT để trả lời câu hỏi trong kỳ thi năm 2022 và cho biết câu trả lời của AI là "mạch lạc, toàn diện, đưa ra được nhiều điều học sinh thường không làm được". Từ đây, ông cho hay mình sẽ "đặt ra một dạng bài kiểm tra khác" hoặc cấm sinh viên truy cập Internet trong các kỳ thi ở tương lai.

Tại Australia, các học giả cũng đã bày tỏ lo ngại về ChatGPT và những công nghệ tương tự có thể cung cấp bài viết học thuật nhanh chóng và đáng tin cậy, dẫn đến tình trạng đạo văn.

Nhóm 8 trường đại học hàng đầu nước này (G8) cho biết họ đã sửa đổi cách thức đánh giá sinh viên trong năm nay để đối phó với những công nghệ mới nổi trên.

Tiến sĩ Matthew Brown, Phó giám đốc điều hành nhóm, cho biết các tổ chức giáo dục đang chủ động giải quyết nỗi lo AI thông qua giáo dục sinh viên, đào tạo nhân viên, thiết kế lại hệ thống đánh giá cũng như công nghệ quét đạo văn khác.

"Trong năm 2023, các bài kiểm tra tại những trường đại học của chúng tôi sẽ được giám sát và truy quét kỹ hơn. Ngoài ra, một số bài kiểm tra chỉ dùng giấy bút sẽ được triển khai tại đơn vị có mức độ liêm chính thấp", ông cho hay đây là cách các trường trong nhóm G8 đón đầu sự phát triển của AI.

Bài kiểm tra chỉ có giấy bút có thể sẽ được triển khai tại trường đại học có mức độ liêm chính học thuật thấp do lo ngại sinh viên sử dụng AI để gian lận. Ảnh minh họa: Pexels.

Từ thi giấy bút đến đánh giá bằng nghiên cứu thực tế

ĐH Sydney gần đây đã quy hành vi tạo nội dung bằng AI như một hình thức gian lận. Ngôi trường này cũng đã và đang cải tiến bộ quy tắc đánh giá chấm điểm cũng như các phần mềm phát hiện đạo văn.

"Chúng tôi cũng biết AI có thể giúp sinh viên học tập và sẽ là một trong nhiều công cụ chúng tôi sử dụng tại nơi làm việc trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi cần dạy sinh viên sử dụng chúng hợp pháp", phát ngôn viên của ĐH Sydney nói.

ĐH Quốc gia Australia cũng đã hệ thống đánh giá kết quả sinh viên. Theo đó, sinh viên sẽ được đánh giá dựa trên các hoạt động trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu thực tế.

ĐH Flinders là một trong những trường đầu tiên ở Australia thực hiện chính sách chống gian lận do AI.

Giáo sư Romy Lawson, Phó hiệu trưởng trường, cho rằng việc duy trì nền giáo dục liêm chính trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng là một thách thức.

"Các chương trình tạo văn bản xuất hiện gần đây ngày càng phức tạp, có thể tạo ra nội dung rất thuyết phục và khó bị phát hiện", cô nói.

Theo lời GS Lawson, trường cô không cấm sinh viên sử dụng các ứng dụng nói trên. Thay vào đó, trường chỉ hy vọng sinh viên, học viên sử dụng chúng như một công cụ hỗ trợ việc học.

Người phát ngôn của ĐH New South Wales cũng cho biết trường đã phát hiện sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết luận. Những sinh viên này sau đó cũng đã phải làm lại bài luận của mình.

"Sử dụng AI theo cách này làm suy yếu tính liêm chính trong học thuật, tạo ra vấn đề nghiêm trọng mà tất cả tổ chức giáo dục, đào tạo trong nước và quốc tế phải đối mặt", người này nói.

Toby Walsh, giáo sư Trí tuệ nhân tạo tại ĐH New South Wales, cho biết các giáo viên cũng đang trong "cuộc họp khủng hoảng" để lên hệ thống đánh giá mới cũng như tìm cách đối phó với đạo văn.

Ông Walsh cho biết sắp tới sẽ có nhiều chương trình tiên tiến hơn ra mắt nên việc chỉ cấm các ứng dụng này là không thực tế.

"Đó là một cuộc chạy đua vũ trang không bao giờ kết thúc, và bạn sẽ không bao giờ chiến thắng", ông đánh giá.

Walsh cho biết công nghệ AI có tiềm năng lớn trong việc đổi mới và giúp tăng năng suất cho lĩnh vực giáo dục.

"Các giáo viên thường không thích chấm điểm các bài luận. AI có thể giúp các giáo viên tiết kiệm thời gian cũng như công sức khi chấm điểm và nhận xét bài luận của học trò dựa trên đáp án cho trước", ông gợi ý.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-dai-hoc-australia-quay-lai-thoi-giay-but-vi-lo-ngai-gian-lan-post1392579.html