Trường chuyên đào tạo bậc THCS: Đừng để tình trạng nơi cấm, nơi cho

Theo chuyên gia, bậc Trung học cơ sở (THCS) là bậc phổ cập, trường chuyên muốn đào tạo thì cần phải chứng minh được về mặt khoa học và thực tiễn tránh việc nơi được làm, nơi không thiếu thống nhất.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép Hà Nội đào tạo lớp thường trong trường chuyên. Việc này, dẫn đến việc ở bậc THCS trường chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ không được tuyển sinh. Điều này đang thu hút sự chú ý của phụ huynh học sinh.

Nhiều năm nay, câu chuyện tuyển sinh đầu vào THCS của chuyên Hà Nội – Amsterdam là vấn đề gây nhiều tranh luận. Khi đã có hàng nghìn hồ sơ, với kết quả học tập hoàn hảo từ lớp 1 đến lớp 5 tạo nên những tiếng trầm trồ kinh ngạc.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đặt câu học, liệu trên thực tế có những học sinh toàn diện đến như vậy không? Nếu có thì liệu số em học sinh có điểm số tuyệt đối toàn diện có đông đến hàng nghìn hồ sơ?

Không thể phủ nhận những đóng góp của thầy và trò Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam đối với giáo dục thủ đô (ảnh Trinh Phúc).

Sau khi biết thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho tuyển sinh lớp thường trong trường chuyên nhiều người đã ủng hộ. Họ cho rằng, bậc THCS để học sinh học toàn diện, để các em được phát triển một cách tự nhiên, tránh học tập vì thi cử, thành tích mà mất đi tuổi thơ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ tiếc nuối vì trên thực tế, từ những bậc THCS của Chuyên Hà Nội –Amsterdam, nhiều học sinh đã trưởng thành, sau đó có đóng góp để giành nhiều huy chương trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế cho Hà Nội. Trước những tranh luận về vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, vị này cho rằng, việc xây dựng một hệ trường học chuyên ở bậc THPT mục đích để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng hiện chưa đáp ứng được về đào tạo một cách toàn diện, đào tạo khoa học nhưng gắn với thực tiễn, thắp sáng khát vọng trong mỗi học sinh từ nhỏ để sau khi trưởng thành các em có khả năng tự phát triển trong tương lai. Trường chuyên cần đào tạo gắn với thực tiễn chứ không chạy theo kiến thức, thi cử. “Đào tạo như hiện nay rất lãng phí” – thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Ở bậc THPT còn như vậy, liệu có nên để trường chuyên đào tạo cấp II nữa không? Vị chuyên gia này cho rằng, cần phải thống nhất, thảo luận để trả lời câu hỏi làm hay không làm, tránh việc nơi cho làm, nơi không, trường làm, trường không. “Vấn đề này cần phải tranh luận với nhau, phải dùng lý luận và thực tiễn để thống nhất” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.

Theo vị này, hiện nay: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhất quán không tổ chức lớp thường trong trường chuyên. Đây là quan điểm của Bộ. Còn Hà Nội muốn dùng một số ý kiến để làm thì cần phải chứng minh về mặt khoa học, chứ không phải lôi kéo học sinh lao vào học hành, thi cử thì không đúng. Quan điểm của tôi cần bàn rõ để nhất quán trong chỉ đạo, không có chuyện nơi làm, nơi không.” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Tùng Lâm còn cho rằng, giáo dục cần trước hết vì sự phát triển của học sinh. Tuổi trẻ, nhiều khi ép học làm cho học sinh mất đi tuổi thơ. Điều này rất nguy hiểm. Do đó, về mặt khoa học, tâm lý, giáo dục cần phải làm rõ có nên học chuyên từ sớm. “Không vì mong muốn của người lớn mà làm không đúng theo quy luật phát triển của con người. Vì ở từng lứa tuổi, trẻ có nhu cầu phát triển khác nhau” – thầy Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Ông cũng cho rằng, cần xem kinh nghiệm của quốc tế người ta làm thế nào đối với những học sinh có năng lực đặc biệt. Thế giới, thông thường ai có khả năng phát triển đến đâu sẽ được tạo điều kiện và rất tôn trọng tự do phát triển bản thân mỗi người.

“Tất nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, không phải tuyển sinh theo kiểu đồng loạt” – thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.

Nếu căn cứ việc có những người phát triển như thần đồng, phát triển sớm, đó là thực tế phải tôn trọng. Tuy nhiên cũng tránh việc, năng lực của học sinh không có nhưng vẫn cứ tuyển sinh rồi ép đào tạo. Ở các nước, có những học sinh ít tuổi nhưng học đại học. Tuy nhiên, họ vẫn đảm bảo yêu cầu phát triển phổ thông bình thường cho những học sinh này. Những mặt mạnh giỏi thì cũng tạo điều kiện để phát triển bình thường. “Theo tôi giáo dục cần tôn trọng năng lực của trẻ, tạo cho những trẻ có năng lực đặt biệt được đào tạo nhưng sẽ không đào tạo đồng loạt, tuyển sinh rầm rộ rồi đào tạo đại trà” – thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Qua trao đổi với chuyên gia có thể hiểu, nếu chỉ đào tạo bình thường như học ở bậc THCS tại các trường khác thì trường chuyên không nên có. Trong khi, nếu vì để đào tạo những học sinh có tốt chất đặc biệt thì cần thiết không phải tuyển sinh diện rộng, đào tạo tràn lan. Việc trường chuyên có mở hệ thường đào tạo bậc THCS hay không cần thiết được phân tích mổ xẻ thấu đáo từ thực tiễn đến khoa học. Tránh việc, nơi cho làm, nơi không.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truong-chuyen-dao-tao-bac-thcs-dung-de-tinh-trang-noi-cam-noi-cho-post286949.html