Trưởng ban Dân nguyện kể chuyện 'bị tiêm đau vì không lót tay'

“Một người bạn tôi khi đưa mẹ vào viện, quên đưa tiền nên mẹ bị tiêm đau. Bản thân tôi khi sinh cháu trong viện, nếu không bỏ tiền trong tã thì tắm không sạch", bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội.

Chiều 20/9, Uỷ ban TVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo cơ quan soạn thảo,nhiệm vụ chính của Luật phòng chống tham nhũng là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, khiến cán bộ công chức “không thể tham nhũng”.

Vì thế, một trong những điểm mới được đánh giá cao trong dự thảo là nội dung xây dựng chế độ liêm chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, dự thảo quy định cụ thể những việc mà cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm.

Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định mới về giáo dục liêm chính và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện giáo dục liêm chính. Đây được coi là nền tảng quan trọng trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nhằm phòng ngừa tham nhũng trong xã hội.

Tuy nhiên, khi cho ý kiến về việc này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại chỉ ra nhiều loại hình tham nhũng vặt ở khối hành chính, cấp cơ sở, gây bức xúc trong nhân dân.

Bà Hải chia sẻ: “Tôi rất trăn trở với nạn tham nhũng vặt, vì nó ảnh hưởng đến số đông người dân, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tâm lý, đặc biệt làm xói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp, tương thân tương ái của người dân”.

Để chứng minh nhận định của mình, bà Hải nêu thực tế người dân vào bệnh viện công, muốn tiêm bớt đau thì phải chi lót tay từ 20 -50 nghìn đồng.

“Một người bạn tôi đã phải rớt nước mắt, vì khi đưa vào viện, quên đưa tiền nên mẹ bị tiêm đau. Hay như bản thân tôi, khi sinh cháu trong viện, nếu không bỏ tiền trong tã thì tắm không sạch. Tôi sinh cháu năm 2001, hiện tượng đó đã có và hiện nay vẫn còn. Đây là hành vi nhỏ nhưng gây ra tâm lý khi làm việc gì cũng phải có lót tay”, bà Hải thẳng thắn.

Hoài Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/truong-ban-dan-nguyen-ke-chuyen-bi-tiem-dau-vi-khong-lot-tay-d225752.html