Trước thềm Đại hội VFF khóa VII: Những chiếc ghế đã có chủ?

Vấn đề nóng nhất tại mỗi kỳ Đại hội VFF chính là nhân sự. Tuy nhiên, từ những thông tin hậu trường lọt ra ngoài, chuyện bỏ phiếu bầu những vị trí chủ chốt gần như chỉ là vấn đề thủ tục, khi những ứng cử viên nặng ký đang gần như không có đối thủ trong những cuộc đua hành lang.

Ông Lê Hùng Dũng không có đối thủ trong cuộc đua tới chiếc ghế Chủ tịch VFF

Ghế Chủ tịch VFF: Một mình một ngựa

Nếu không có bất ngờ lớn nào phút chót, quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sẽ là tân Chủ tịch VFF khóa VII. Chiếc ghế tưởng khó nhất nay lại chỉ còn mình ông Dũng độc diễn. Trước đó, đối thủ của ông là Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải được dự báo sẽ tạo nên cuộc đua hấp dẫn nhưng đến sát thời điểm diễn ra Đại hội, ông Hải vẫn chưa được Bộ VHTT&DL đồng ý giới thiệu tranh cử.

Thực tế, chuyện người nhà nước ngồi ghế Chủ tịch VFF đã trở nên nhàm chán, bởi người hâm mộ đang chờ đợi một người dám nói, dám làm, thậm chí làm quyết liệt, đột phá. Đó là những gì rất được chờ đợi ở ông Lê Hùng Dũng, nhất là ông Dũng lại đi lên từ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính - người cầm khóa két sắt của VFF mấy nhiệm kỳ vừa qua.

Ông Dũng cũng ghi được điểm sau vụ cùng bầu Đức mời Arsenal sang Việt Nam du đấu hồi tháng 7 năm ngoái. Rồi thành công của U19 cũng có vai trò lớn của ông Dũng, khi đứng ra tổ chức giải U19 quốc tế gây tiếng vang hồi đầu năm nay. Mới đây, ông Dũng dù với vai trò của một quyền Chủ tịch, vẫn có những quyết định đầu tư lớn cho bóng đá nữ và U19, nhận được sự ủng hộ rất cao của giới bóng đá nước nhà.

Liệu chỉ có một ứng cử viên Chủ tịch có đúng với quy định bầu cử ở Đại hội? Một quan chức VFF cho biết: Điều đó cũng không ảnh hưởng gì và thậm chí là với 1 ứng cử viên duy nhất, Đại hội sẽ không cần bỏ phiếu cho vị trí Chủ tịch VFF. Ở nhiệm kỳ khóa VI, chính ông Nguyễn Trọng Hỷ cũng là ứng cử viên Chủ tịch duy nhất và sau đó ông Hỷ đã đương nhiên trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Vấn đề nhân sự sẽ được báo cáo lên Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ thông qua. Đại hội VFF nhiệm kỳ VII dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 2. Được quyền bỏ phiếu tại đại hội sẽ có 67 thành viên CLB và 22 ủy viên BCH khóa 6.

Khó có bất ngờ

Như vậy, cuộc đua tới vị trí Chủ tịch VFF đã hết nóng, vấn đề nhân sự chỉ còn được quan tâm ở các vị trí chủ chốt khác như Phó Chủ tịch, Tổng thư ký… Hiện nay, vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn đang được chú ý nhất, với 3 ứng cử viên là ông Phạm Văn Tuấn (Phó Tổng cục trưởng TC TDTT), ông Trần Quốc Tuấn (Vụ trưởng) và ông Phan Anh Tú (TTK Liên đoàn Bóng đá Hà Nội). Trong số này, ông Phạm Văn Tuấn là người được Tổng cục TDTT giới thiệu sang với mục đích ban đầu là tranh cử ghế Chủ tịch, nhưng ngay cả vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn cũng khó có khả năng được tín nhiệm bởi những gì mà ông Tuấn "Gia Lai” làm được thời gian qua khá mờ nhạt.

Trong khi đó, ông Phan Anh Tú được đánh giá cao về chuyên môn, có quan hệ tốt trong và ngoài nước, nhưng lại vừa bị mất điểm xung quanh sự cố "chia tiền thưởng” ở bóng đá nữ. Uy tín của ông Tú bị giảm mạnh, dù chuyện chia tiền thưởng vốn là muôn thủa và bản thân ông chẳng bao giờ dại gì mà liên quan.

Cuối cùng, ông Trần Quốc Tuấn là người sáng giá nhất. Hai nhiệm kỳ làm Tổng thư ký dưới thời ông Nguyễn Trọng Hỷ, ông Tuấn là người của Tổng cục được đưa sang và lập tức tạo nhiều mối quan hệ. Ông Tuấn cũng có mối quan hệ rất tốt với ông Lê Hùng Dũng. Quan trọng hơn, ông Tuấn đang có mối quan hệ rất thân thiết với Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á, Châu Á và đang là người duy nhất ở VFF có bằng Tiến sĩ.

Sự trở lại của ông Trần Quốc Tuấn được sớm dự báo bởi ở VFF hiện nay, tìm được một người trẻ, có năng lực và quan hệ quốc tế tốt như ông Tuấn không dễ. Hiện nay, vị cựu Tổng thư ký VFF cũng đang giữ nhiều vị trí quan trọng tại AFC. Chính ông Tuấn cũng là người góp công lớn đưa VCK Asian Cup 2014 bóng đá nữ về Việt Nam, giúp đội tuyển nữ Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tranh vé tham dự World Cup 2015.

Với rất nhiều lợi thế, lại được sự ủng hộ cao từ các cấp lãnh đạo, việc ông Tuấn ngồi vào ghế Phó Chủ tịch cũng không phải bất ngờ lớn. Tuy nhiên, người ta vẫn chờ đợi vào một cuộc đua hấp dẫn hơn, bởi như thế mới thú vị hơn nhiều, thay vì người nào an vị ghế đó.

Theo quy định mới của FIFA, Phó Chủ tịch có thể kiêm luôn Tổng thư ký nên ông Trần Quốc Tuấn cũng đang thực sự sáng giá, sau khi Tổng thư ký Ngô Lê Bằng xin nghỉ sau nhiệm kỳ VI.

Với những chiếc ghế chủ chốt khác, ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, hiện tại có 2 ứng cử viên là ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Động Lực, và ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HA Gia Lai. Trong số này, ông Đức sẽ có lợi thế rất nhiều sau khi tạo nên uy tín lớn từ thành công của đội tuyển U19. Còn ông Thành dường như đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, khi mới đây VFF tiết lộ thông tin Tập đoàn Động Lực vẫn còn nợ tiền VFF.

Ở chiếc ghế còn lại, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Lân Trung cũng không có đối thủ, nên ông Trung gần như sẽ tiếp tục ngồi ghế thêm một nhiệm kỳ nữa.

Như vậy là những chiếc ghế VFF nhiệm kỳ VII đã sớm được an bài. Điều mà nhiều người quan tâm nhất lúc này, chính là những con người trên sẽ làm gì để tạo nên sự đột phá, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang tụt hậu với bạn bè khu vực, châu lục.

An Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=76137&menu=1424&style=1