Trước sức ép hội nhập: Doanh nghiệp chỉ còn cách tự phải lớn

Thông tin mới đây về việc Thế giới di động đã phải đóng cửa 22 cửa hàng của mình trong hệ thống siêu thị Big C khắp cả nước khiến nhiều người lo ngại các doanh nghiệp (DN) trong nước có nguy cơ mất chỗ đứng ngay trên thị trường của mình. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù gặp nhiều áp lực nhưng DN Việt Nam vẫn có thể đứng vững khi biết nắm bắt cơ hội.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, vấn đề cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với hàng hóa nước ngoài là vấn đề không mới. Trong khi đó, DN nước ngoài có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm, tài chính, có sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ để hàng hóa xâm nhập nhanh vào thị trường. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng mạnh về giá để chiếm ưu thế.

DN Việt đang bị áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

Ngay câu chuyện về việc đại gia Thế giới Di động vừa phải rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sau khi hệ thống siêu thị này lọt vào tay người Thái đã cho thấy một thực tế về sự cạnh tranh gay gắt nhất vẫn còn nằm ở phía trước.

Mặc dù sự lo lắng của siêu thị Việt Nam là hoàn toàn có sơ cở nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại cho rằng vấn đề sẽ sớm được giải quyết nếu DN biết phát huy thế mạnh của mình.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam khẳng định:

“Hiệp hội Bán lẻ sẽ có tham gia, tác động mạnh mẽ để có sự công bằng. Tuy nhiên nhà bán lẻ cũng phải đảm bảo xem xét sản phẩm của nhà cung ứng nào mới được nguời tiêu dùng ưa chuộng.”

Cụ thể ông Phong cho rằng, yếu tố giá chưa đủ để quyết định thành công của DN mà còn là vấn đề chất lượng, dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên. Tùy đặc điểm của loại hình doanh nghiệp mà chọn hình thức tiếp cận khách hàng phù hợp đáp ứng được nhu cầu của thị trường để tạo nên lợi nhuận cho mình.

Đồng quan điểm trên, theo PGS. TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại cũng cho rằng DN nội có thể khắc phục bằng cách mở rộng hợp tác, tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Trên thực tế, chúng ta đã từng thắng thế trên thị trường may mặc. Đó là việc các sản phẩm Made in Vietnam thực sự phủ sóng và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng (NTD). Thời gian qua, đội quản lý thị trường liên tục bắt giữ những lô hàng giả, hàng nhái xuất xứ từ Trung Quốc đội lốt hàng Made in Việt Nam cũng phần nào cho thấy chỗ đứng của sản phẩm này đối với NTD trong nước.

Nếu như thị trường may mặc đã và đang khẳng định được sự thành công nhất định thì vẫn còn nhiều mặt hàng khác như điện tử, đồ gia dụng..., NTD vẫn chưa thực sự mặn mà. Chị Thu Anh (Linh Đàm) ví dụ về sản phẩm nhựa Song Long và nhựa Thái xét giá cả thì chênh lệch nhau không đáng kể nhưng xét về chất lượng thì các sản phẩm nhựa Thái có sự “đồng đều” hơn.

“Tuần trước tôi mua một chiếc chậu tắm Song Long cho trẻ nhỏ thì khá tốt về chất lượng nhưng khi lựa chọn vài chiếc rổ nhựa bày hoa quả ở bàn ăn thì lại không được hài lòng lắm. Kết quả là tôi đã chọn mua sản phẩm rổ nhựa của Thái bởi mẫu mã đẹp và chất lượng, giá cả đều ưng ý” – chị Thu Anh chia sẻ.

Hiện nay, chúng ta đang ưu tiên cho chương trình “người Việt dùng hàng Việt” hết sức mình cổ động cho chương trình. Vì thế, bên cạnh nhu cầu thị trường thì NTD chính là nhân tố quan trọng quyết định vị trí của DN trong các cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nước ngoài.

Từ thực tế phản ánh của NTD kết hợp với phân tích của các chuyên gia thì rõ ràng, vai trò của NTD là vô cùng quan trọng. Nếu NTD ủng hộ hàng Việt đến cùng thì doanh nghiệp còn tồn tại được. Tuy nhiên, đối với các DN nội, mặc dù phải chịu áp lực trong cạnh tranh nhưng cũng đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ thiết thực.

Đó là việc mới đây, thông tin Bộ Tài chính trình Chính phủ các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có nội dung đề xuất giảm Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TTNDN) thêm 3% so với mức đóng thuế hiện nay cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong vòng 4 năm. Mặc dù đề xuất vẫn chưa chính thức được thực hiện, nhưng đã khiến nhiều DN thực sự quan tâm và mong chờ.

Ông Phạm Văn Phúc - Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí trên địa bàn huyện Thanh Trì cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng từ những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã khiến nhiều DN, đặc biệt khối DNNVV mệt mỏi. Việc một chính sách thuế hợp lý, đúng thời điểm là sự hỗ trợ thiết thực nhất mà DN mong đợi. Bên cạnh những hỗ trợ về thủ tục hành chính thì giảm thuế thu nhập DN chính là sự ghé vai gánh vác những khó khăn cùng DN...”

Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho hay Hiệp hội nhà Bán lẻ luôn khẳng định ưu tiên nhà sản xuất và cung ứng trong nước song quy định bắt buộc là hàng sản xuất trong nước phải đảm bảo chất lượng.

Tuệ Liên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/truoc-suc-ep-hoi-nhap-doanh-nghiep-chi-con-cach-tu-phai-lon-43170.html