Trước lùm xùm xe đạp carbon, nhìn lại thị phần kinh doanh Xe đạp Thống Nhất

Nhắc đến những thương hiệu Việt nổi danh những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, ngoài những cái tên quen thuộc như cao su Sao Vàng, mì Miliket, thuốc lá Thăng Long,… không thể không nhắc đến 'huyền thoại' xe đạp Thống Nhất.

Lùm xùm việc gọi vốn cho dự án xe đạp sản xuất bằng sợi carbon nguyên khối của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang nổ ra hồi cuối tháng 6, đã khiến không ít người phải ngỡ ngàng về độ chịu chi cho xe đạp của người Việt.

Thị phần xe đạp Việt Nam: Miếng bánh ngon cho các ông lớn ngoại

Tại Việt Nam, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, xe đạp được coi là tài sản giá trị, phương tiện đi lại của đa số người dân. Trong đó, thương hiệu xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người thời bấy giờ.

Được thành lập từ năm 1960, Công ty CP Thống Nhất Hà Nội (tiền thân là nhà máy Xe đạp Thống Nhất) là một đơn vị sản xuất, kinh doanh xe đạp lâu đời nhất tại Việt Nam. Thống Nhất được coi là xe đạp “quốc dân” của người Việt khi là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam trong suốt thời gian dài sản xuất ra những chiếc xe đạp “Made in Vietnam”.

Không chỉ vậy, xe đạp Thống Nhất còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Hong Kong, Cuba, Thái Lan, Lào, Campuchia,… Từ giai đoạn 2004 - 2017, xe đạp Thống Nhất liên tiếp tái cơ cấu, trong đó có sáp nhập với một số công ty khác cũng như chuyển từ công ty Nhà nước sang cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa hội nhập, với sự xâm chiếm của hàng loạt các thương hiệu xe đạp ngoại, thị phần Thống Nhất đã dần bị thu hẹp.

Năm 2021, thông tin với Vietnamnet, ông Hoàng Trung Phong, lúc đó là Giám đốc kinh doanh của Công ty CP Thống Nhất Hà Nội cho biết, xe đạp Thống Nhất chỉ còn chiếm 10% thị phần xe đạp tại Việt Nam, 90% còn lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, không khó để người tiêu dùng bắt gặp các thương hiệu xe đạp ngoại nhập bày bán trong các cửa hàng như Trek, Marin, Surly, Specialized (Mỹ), Giant, Asama (Đài Loan, Trung Quốc), Pinarello (Italia), Canyon, Porsche (Đức)…

Theo đó, các dòng xe đạp ngoại được bán phổ biến trên thị trường gồm xe MTB dùng để leo núi, đi địa hình xấu; xe road (còn gọi là xe đua, xe cuộc) chuyên dùng chạy tốc độ cao trên đường đẹp, bằng phẳng; xe touring với khả năng chở nhiều đồ phục vụ đi đường dài và xe hybrid kết hợp đặc điểm của những dòng xe kể trên.

Những dòng xe thuộc phân khúc phổ thông đến từ các nhà sản xuất nước ngoài có giá dao động vài triệu tới chục triệu đồng. Thậm chí, với những dòng cao cấp, xe có thể được bán với giá từ 40 triệu đồng tới cả trăm triệu đồng. Có những chiếc xe chỉ riêng khung sườn do Mỹ hay Italia sản xuất đã có giá 5.000 USD chưa kể các loại phụ tùng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Statista, doanh thu từ mảng xe đạp tại Việt Nam dự kiến cán mốc 295,8 triệu USD vào năm 2023. Doanh thu dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023 – 2027 là 5,88%, dẫn đến việc thị trường xe đạp Việt Nam có thể ghi nhận doanh thu đạt mức 371,8 triệu USD vào năm 2027.

Xét về doanh số, Statista dự đoán doanh số bán xe đạp tại Việt Nam vào năm 2027 sẽ đạt mức 2,49 triệu chiếc. Ngoài ra, doanh số bán xe đạp hàng năm tại Việt Nam, theo dự đoán của Statista, luôn duy trì ở mức trên 2 triệu chiếc mỗi năm và tăng trưởng đều qua từng năm trong giai đoạn 2023 – 2027.

Xe đạp Thống Nhất làm ăn thế nào?

Tháng 4/2023, sau 7 năm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Xe đạp Thống Nhất đã nhận bàn giao vốn, tài sản, đất đai, lao động từ công ty TNHH MTV Thống Nhất sang Công ty CP Thống Nhất Hà Nội.

Kể từ khi chuyển đổi mô hình sang cổ phần hóa, Thống Nhất đã có những bước thay đổi trong hoạt động bán hàng như tăng nhanh số lượng đại lý nhằm tăng độ phủ, cạnh tranh với các thương hiệu xe ngoại. Cụ thể sau khi nâng tổng số đại lý trên toàn quốc lên gần 400 cửa hàng năm 2020, Thống Nhất đã chuyển sang khai thác mảng khách hàng dự án.

Chẳng hạn, năm 2021, Thống Nhất đã bán hơn 40.000 xe đạp cho Vinamilk, chiếm 60% tổng doanh số bán hàng trong năm. Hay trước đó, Thống Nhất cũng đã bàn giao gần 2.000 xe đạp tuần tra cho Công an TP Hà Nội. Đây là những chiếc xe đạp chuyên dụng thuộc phân khúc xe địa hình của Thống Nhất.

Một mẫu xe đạp Thống Nhất (ảnh: Công ty CP Thống Nhất Hà Nội).

Tiếp đến năm 2022, công ty đã mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường miền Nam với việc hợp tác cùng các trung tâm thương mại AEON và Điện Máy Xanh. Trong năm này, Thống Nhất bán được hơn 100.000 xe đạp, doanh thu 142 tỷ đồng và 14 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 42% so với cùng kỳ. Đây cũng là doanh số bán xe cao nhất Thống Nhất đạt được kể từ thời điểm cổ phần hóa.

Tại xe đạp Thống Nhất, các dòng xe được phân chia làm ba phân khúc: Xe trẻ em (1,5 - 1,8 triệu đồng/chiếc), xe đạp phổ thông (2 - 2,2 triệu đồng/chiếc), xe đạp thể thao (2,8 - 3,2 triệu đồng/chiếc). Riêng thị trường phân khúc xe cao cấp có giá trên 10 triệu đồng.

Năm 2023, ban lãnh đạo Thống Nhất đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng, với doanh số 154.000 xe đạp bán ra, cho ra mắt 5 sản phẩm mới. Đồng thời thực hiện các chương trình marketing nhằm lan tỏa thương hiệu xe đạp Thống Nhất.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 7, Thống Nhất đã hợp tác với DC ra mắt phiên bản xe đạp giới hạn The Flash, lấy cảm hứng từ nhân vật siêu anh hùng trong bộ phim cùng tên. Theo thông tin trên website, chỉ có 200 xe được mở bán trong đợt này. Trong đó, Thống Nhất cho đặt xe từ 5 - 10/7, và dự kiến trả hàng từ 10/7. Mẫu xe đặc biệt có giá bán hơn 4 triệu đồng.

Thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc kinh doanh Xe đạp Thống Nhất cho biết thị trường Việt Nam hiện nay được đánh giá là rất tiềm năng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo khảo sát của xe đạp Thống Nhất, năm 2020, doanh số bán xe ngoài thị trường vào khoảng 3 triệu xe với doanh thu trên 6.000 tỷ đồng. Doanh thu về linh, phụ kiện và dịch vụ dao động khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Ước tính trong năm 2021 tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ”, ông Linh chia sẻ.

Theo Thống Nhất, giá xe đạp tăng khoảng từ 10 - 20%, xong nhiều người vẫn sẵn sàng chi khoảng vài triệu cho đến chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe đạp.

Liên Hà Thái (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/truoc-lum-xum-xe-dap-carbon-nhin-lai-thi-phan-kinh-doanh-xe-dap-thong-nhat-1878926.html