Trước giờ tuyên án: Bất ngờ 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành được doanh nghiệp khắc phục hậu quả

Theo dự kiến, chiều 3-4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm đối với 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành (40 tuổi, trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 12 bị cáo khác (trong số 26 bị cáo) trong vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.

Phiên tòa bắt đầu muộn hơn 30 phút so với kế hoạch tuyên án. Trong khi các bị cáo, các bị hại và người dự phiên tòa chờ hội đồng xét xử đọc bản án phúc thẩm thì chủ tọa phiên tòa thông báo, do xuất hiện một số tình tiết mới liên quan tới vụ án, nên quay lại phần xét hỏi.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành khai về các mã đồng sở hữu với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại một số ngân hàng. Trong phiên tòa chiều nay, xuất hiện tình tiết mới là một nhà đầu tư mong muốn mua lại 26% cổ phần của Nguyễn Thị Hà Thành tại Công ty MHD để bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án cho bị cáo Hà Thành.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành chiều ngày 3-4. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Hội đồng xét xử cho biết, nhà đầu tư kinh doanh nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản nên không công bố danh tính, do thuộc bí mật kinh doanh. Do bị cáo Hà Thành muốn trao đổi lại với nhà đầu tư để thống nhất phương án mua lại số cổ phần này, tòa cho nghỉ 5 phút, dành thời gian cho bị cáo Thành và nhà đầu tư trao đổi tại chỗ.

Tại tòa, doanh nghiệp này cho biết là đơn vị đầu tư, kinh doanh bất động sản, có nhiều kinh nghiệm và khẳng định có khả năng khắc phục và kịp thời gian khắc phục nên mong hội đồng xét xử tạo điều kiện để họ thực hiện các thủ tục. Chủ tọa nhắc nhở doanh nghiệp nếu chấp nhận mua lại cổ phần của "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và dùng tiền đó khắc phục cho Thành phải khắc phục thực chất bằng tiền vào Cục Thi hành án TP Hà Nội.

Trong khi đó, hội đồng xét xử cho biết, giá trị 26% cổ phần tại Công ty MHD năm 2018 được xác định 75 tỷ đồng. Việc chia lợi tức và giá trị thời điểm hiện tại, tòa không can dự vì là việc tự nguyện đôi bên. Chủ tọa cho biết, mục đích cuối cùng, chủ trương lớn nhất là khắc phục hậu quả vụ án, còn bản án như thế nào đã có pháp luật.

Sau khi các luật sư, bị cáo, đại diện viện kiểm sát đều đồng ý về việc hoãn phiên tòa để bị cáo và nhà đầu tư làm việc, khắc phục hậu quả vụ án một cách tốt nhất, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên xét xử. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau.

Trước đó, tại phần xét hỏi, Nguyễn Thị Hà Thành khai năm 2018 có 7,3 triệu cổ phiếu, chiếm 26% cổ phần tại Công ty MHD. Số cổ phần này bị cáo Hà Thành nhờ Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark), là người cùng làm ăn lâu năm, đứng tên mua hộ.

Bản án sơ thẩm ngày 24-3-2023 xác định, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành được 17 cựu cán bộ ngân hàng của 3 ngân hàng trên tiếp tay trong việc lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với nhiều đại gia, hứa trả lãi suất cao. Bị cáo Hà Thành sau đó giả mạo chữ ký của các đại gia để cầm cố sổ, vay tiền 3 ngân hàng.

Hành vi của các bị cáo khiến NCB thiệt hại 47,5 tỷ đồng, PVB 49,4 tỷ đồng, VAB hơn 273 tỷ đồng; 4 cá nhân bị rút 63 tỷ đồng, tổng cộng 433 tỷ đồng.

Tại tòa sơ thẩm, NCB, PVB, VAB muốn giữ các sổ tiết kiệm trăm tỷ đồng của khách, trách nhiệm bồi thường phải do bị cáo Hà Thành chịu, song với yêu cầu này, Viện kiểm sát đã bác bỏ và cho rằng sai phạm có lỗi rất lớn từ ngân hàng.

Trong vụ lừa 433 tỷ đồng, 3 ngân hàng cho rằng Nguyễn Thị Hà Thành gian dối để chiếm đoạt tiền, do đó phải tự bồi thường cho các đại gia là khách hàng của ngân hàng.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/truoc-gio-tuyen-an-bat-ngo-sieu-lua-nguyen-thi-ha-thanh-duoc-doanh-nghiep-khac-phuc-hau-qua-post733674.html