Trước Arevo, những startup Việt triệu USD nào phá sản?

Đều có những khởi đầu ấn tượng và số vốn đầu tư 'mơ ước' nhưng những startup Việt từng được kỳ vọng như dự án xe đạp in 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang, WeFit hay Propzy, The KAfe lại cùng chung cái kết thất bại.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 cho thấy, vốn đầu tư mạo hiểm năm 2022 vào startup ở Việt Nam giảm đến 56% so với năm trước, chỉ đạt 634 triệu USD, thông qua 134 thương vụ. Trong đó, đáng chú ý là các thương vụ từ 50 triệu USD giảm mạnh và năm 2023 xu hướng này vẫn chưa dừng lại.

Trước những biến động vĩ mô, nhiều startup gặp khó khăn về dòng tiền phải dừng hoạt động, những startup giai đoạn cuối phải dừng hoặc thậm chí hủy bỏ các kế hoạch IPO.

Arevo

Những ngày qua, sự thất bại của dự án sản xuất xe đạp 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Sonny Vũ đang trở thành điểm nóng trên nhiều diễn đàn. Arevo – công ty sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới, từng là tâm điểm của giới startup khi gọi vốn thành công 32 triệu USD từ cộng đồng và các nhà đầu tư trong thời gian ngắn.

Arevo sản xuất xe đạp in 3D với khung xe Superstrata nặng chưa tới 1,3kg nhưng có độ cứng gấp 61 lần thép và 15 lần titanium. Trước khi ngừng hoạt động, dự án đã sản xuất và giao hơn 3.301 chiếc xe đạp và xe đạp điện in 3D cho 2.858 khách hàng tại Việt Nam. Xe đạp do Arevo phát triển được bán ra với giá từ 2.800 USD – 3.500 USD. Tuy nhiên, sản phẩm xe đạp in 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang không nhận được đánh giá tích cực từ phía người mua do thời gian giao hàng quá lâu và chất lượng sản phẩm còn kém. Dự án Arevo chấm dứt hoạt động trong khi những "lùm xùm" đấu tố giữa người mua và bà Lê Diệp Kiều Trang vẫn chưa được giải quyết.

Sau gần 3 năm hoạt động, dự án xe đạp in 3D nguyên khối bằng carbon Superstrata của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang chính thức dừng hoạt động. Ảnh: Internet.

Công ty Arevo Việt Nam đã ngừng hoạt động theo hồ sơ xin ngừng hoạt động được gửi vào ngày 15/5/2023. Trước khi ngừng hoạt động, công ty đã chi hơn 165 tỷ đồng (chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư đăng ký) và còn nợ khoản vay 142,5 tỷ đồng từ Arevo Inc (Hoa Kỳ). Công ty cũng đối mặt với vấn đề nan giải về việc không thể sản xuất vật liệu sợi carbon, nguyên vật liệu chính trong công nghệ in 3D của họ.

Nguyên nhân dẫn đến việc ngừng hoạt động của Arevo Việt Nam bao gồm sự thiếu rõ ràng về quy định pháp luật về dịch vụ in 3D và khó khăn trong việc thu mua nguyên vật liệu từ bên thứ ba. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động và khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển của công ty.

Sau khi dự án kết thúc, công ty sẽ tiến hành thanh lý theo quy định pháp luật và các quy định về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế. Dự án Superstrata đã gặp nhiều khó khăn và không đạt được mục tiêu ban đầu của mình trong việc sản xuất và bán các sản phẩm in 3D.

Propzy

Không chỉ Arevo, nhiều startup Việt cũng sớm "chết yểu" dù gọi vốn được cả triệu USD. Propzy – startup tiên phong trong lĩnh vực protech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) được nhiều người biết đến tại Việt Nam, cũng ngậm ngùi đóng cửa sau 5 năm. Propzy do ông John Lê sáng lập từ năm 2015, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp nền tảng dịch vụ trọn gói với mong muốn giúp người dùng tiếp cận giao dịch nhà đất an toàn, hiệu quả. Propzy từng nhận được 25 triệu USD tiền đầu tư ở vòng Series A vào tháng 6/2020 và 37 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn.

Kể từ khi ra mắt, Propzy đã thực hiện số lượng giao dịch bất động sản trị giá hơn 1 tỷ USD và trở thành nền tảng giao dịch bất động sản ngoại tuyến và trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Thế nhưng vào tháng 6/2022, Propzy sa thải 50% nhân sự, đóng cửa toàn bộ trung tâm giao dịch và tái cấu trúc hoạt động. 3 tháng sau, CEO của Propzy chính thức thông báo đóng cửa và ngừng hoạt động.

Trong một email nội bộ gửi tới nhân viên, startup này thừa nhận việc phải kinh doanh trong bối cảnh đại dịch kéo dài cùng nền tài chính toàn cầu bất ổn do xung đột giữa Nga và Ukraine đã phát sinh những khoản lỗ lớn. Trong khi đó, công ty không thể phục hồi do tình trạng giãn cách xã hội liên tục ở Việt Nam.

WeFit

Tương tự, một startup công nghệ khác là WeFit cũng ngậm ngùi chịu chung số phận với Propzy. WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập gym, yoga, boxing… với khách hàng nhằm giúp họ có thể tập luyện ở mọi lúc, mọi nơi. Theo đó, khách hàng sẽ mua gói thành viên trong kỳ hạn từ 1 tháng đến 2 năm để được sử dụng dịch vụ của tất cả các phòng tập, cơ sở trong danh sách đối tác của WeFit với số lần không giới hạn.

WeFit từng được định vị là Uber của giới Fitness. Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD cho vòng đầu tư pre-series A từ các quỹ CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư hạt giống khác. Trong thời gian còn hoạt động, WeFit từng chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 40% mỗi tháng.

Cuối năm 2019, WeFit từng bị nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền và tuyên bố ngừng hợp tác. Đến tháng 3/2020, WeFit khiến nhiều khách hàng bức xúc sau khi thông báo thay đổi chính sách sử dụng, sau đó đã phải gửi thư xin lỗi khách hàng.

Do nhiều yếu tố, hoạt động của WeFit gặp nhiều khó khăn và vào tháng 5/2020, WeFit chính thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Startup từng được định vị là Uber của giới Fitness chính thức đi vào dĩ vãng.

The KAfe

The KAfe cũng là một startup triệu USD khác phải đóng cửa sau thời gian ngắn ngủi tăng trưởng nóng nhờ nguồn tiền huy động được từ các nhà đầu tư. Người đứng sau dự án này là Đào Chi Anh (sinh năm 1984), cũng là một cá nhân nổi bật trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam. KAfe Group ra đời vào năm 2013 và nhanh chóng trở thành chuỗi nhà hàng cà phê tiên phong trong việc mang đến những món ăn mới lạ, lai Âu Á với 4 thương hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.

Thương hiệu The KAfe biến mất sau khoảng 3 năm phát triển. Ảnh: The KAfe.

Thương hiệu The KAfe trở nên nổi tiếng khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong vào năm 2015. Tại thời điểm đó, KAfe Group cho biết khoản đầu tư này sẽ phục vụ kế hoạch mở rộng The KAfe trên toàn Việt Nam, dự kiến nâng tổng số nhà hàng trên cả nước lên con số 26 vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên không lâu sau, The KAfe liên tiếp vướng vào lùm xùm liên quan đến việc bị đối tác tố chây ì công nợ và chiếm dụng vốn kinh doanh lên đến hàng tỷ đồng. Kế hoạch sở hữu 26 cửa hàng vào năm 2016 cũng thất bại khi doanh nghiệp đã phải cắt giảm từ 16 cửa hàng trong năm 2015 xuống còn 14 cửa hàng tính đến tháng 9/2016.

Tháng 10/2016, nhà sáng lập Đào Chi Anh tiết lộ trên trang cá nhân cô không còn đảm nhiệm chức vụ CEO. Một thời gian sau, các cửa hàng của The KAfe cũng đóng cửa. Mặc dù đến giữa năm 2019, nhà sáng lập này có đặt mục tiêu kêu gọi 200.000 USD để xây dựng lại The KAfe nhưng đã không thành công khi chỉ huy động được 2.200 USD...

Liên Hà Thái (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/truoc-arevo-nhung-startup-viet-trieu-usd-nao-pha-san-1876295.html