Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt và bộ khí tài 6005

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân hiện nay đã ở tuổi 90 nhưng còn khỏe mạnh và rất minh mẫn.

Tại nhà riêng ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, ông đã chia sẻ với chúng tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời mình. Nhất là những ngày hào hùng cùng đồng đội chiến đấu và chiến thắng pháo đài bay B-52 của Mỹ tháng 12-1972.

Câu chuyện về bộ khí tài số hiệu 6005

Cuối năm 1965, đồng chí Nguyễn Văn Phiệt (chiến sĩ thuộc biên chế Trung đoàn 278, Quân chủng Phòng không-Không quân) được cử sang học tập ở Trung tâm Huấn luyện ở sa mạc Karakum. Sau đó, ông học thực hành xạ kích và bắt máy bay thật Baku (Azerbaijan). Tại đây, ông và đồng đội được làm quen với bộ khí tài tên lửa mới mà bạn đã triển khai và làm tham số sơ bộ.

 Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể: “Trong khi làm tham số, đồng chí Zaxpon-sĩ quan điều khiển, thầy giáo của tôi cho biết sau khi chúng tôi bắn xong, bộ khí tài sẽ đưa thẳng sang Việt Nam để chiến đấu. Chính vì vậy, ngay khi nhận bộ khí tài số hiệu 6005 để thực hành, tôi đã đánh dấu ghi chữ P trong khối U32 tủ sĩ quan điều khiển”.

Đầu tháng 9-1966, cùng đồng đội, Nguyễn Văn Phiệt hành quân về nước bằng tàu hỏa. Đơn vị đóng quân ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ngày 9-10-1966, đơn vị nhận khí tài đưa về khu vực làm định kỳ, tham số. Nguyễn Văn Phiệt cùng trợ lý kỹ thuật Lê Quang Thừa được giao nhiệm vụ làm công tác kiểm tra ban đầu. Ông đã rất bất ngờ và vui sướng khi thấy bộ khí tài số hiệu 6005, ở khối U32 có chữ P mà mình đã đánh dấu.

Trong trận mở màn diễn ra ngày 22-10-1966 của Tiểu đoàn 93, Trung đoàn 278, bằng bộ khí tài số hiệu 6005, tại trận địa Mãn Đức, Cao Phong, Hòa Bình, Nguyễn Văn Phiệt và đồng đội đã phóng 2 quả đạn có điều khiển tốt, bắn rơi tại chỗ một chiếc F105. “Đó là chiến công đầu của tôi trên cương vị là một sĩ quan điều khiển. Tiếp tục chiến đấu từ tháng 10-1966 đến tháng 5-1968, đơn vị tôi đã hành quân trên các tỉnh, thành phố, chiến đấu 46 trận, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái; bị địch đánh vào trận địa 4 lần, có 3 lần hỏng khí tài phải sửa chữa”-ông kể.

 Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (bên phải) trao đổi với kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 sau trận đánh cuối tháng 12-1972.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (bên phải) trao đổi với kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 sau trận đánh cuối tháng 12-1972.

Tháng 6-1972, Nguyễn Văn Phiệt được điều động về làm quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân thay đồng chí Trần Khắc Cần, Tiểu đoàn trưởng đi nhận nhiệm vụ mới. Khi bắt đầu nắm đơn vị, nghiên cứu phương án chiến đấu, kiểm tra khí tài, ông lại thấy bộ khí tài số hiệu 6005. Hỏi cán bộ đơn vị ông được biết, bộ khí tài này tiểu đoàn nhận tháng 4-1972. Nhận bộ khí tài này, đơn vị chiến đấu một số trận không bắn rơi máy bay nên bộ đội cho rằng nguyên nhân là do khí tài. Từ kinh nghiệm nhiều lần tác chiến cũng như sau tìm hiểu, trao đổi với cán bộ kỹ thuật đều nhận được khẳng định khí tài tốt, tham số ổn định, Tiểu đoàn trường Nguyễn Văn Phiệt quyết định trực tiếp luyện tập với kíp chiến đấu. Ông kể: “Tôi với kíp chiến đấu họp bàn, giải quyết tư tưởng, đặt lòng tin vào bộ khí tài, đi sâu rút kinh nghiệm luyện tập. Ngày 27-6-1972, địch vào vùng hỏa lực, đơn vị phóng 2 quả đạn, diệt tại chỗ chiếc F-4C. Máy bay rơi tại xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (Hà Nội), ta bắt sống giặc lái. Chiến công này khẳng định khí tài tốt".

Trận đánh nở hoa tên lửa

Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 diễn ra. Trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu với máy bay B52, bộ khí tài số hiệu 6005 càng tỏ rõ sức bền vật liệu không có hỏng hóc, địch vào đều chiến đấu được ngay. Đơn vị của đồng chí Nguyễn Văn Phiệt đã đánh 19 trận, tiêu diệt 4 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Đặc biệt có trận chỉ trong 10 phút, Tiểu đoàn 57 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy đã bắn rơi 2 chiếc B-52, 1 chiếc rơi tại chỗ chỉ với 2 quả đạn. Đây là trận đánh có hiệu suất cao, tiết kiệm đạn nhất đã được vinh danh trong trang sử vàng thành tích của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.

 Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt tại Bảo tàng Phòng không - Không quân năm 2022.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt tại Bảo tàng Phòng không - Không quân năm 2022.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhớ lại: “Hồi đó, ban đầu Tiểu đoàn 57 chúng tôi đóng quân tại Tó, Đông Anh (Hà Nội) sau đó di chuyển đến khu vực Đại Đồng cũng thuộc địa phận huyện Đông Anh. Chiều tối 15-12-1972, Tiểu đoàn nhận được lệnh tổ chức trận địa chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Khi nghe dự báo của trên về tình hình những ngày sắp tới sẽ bước vào chiến dịch đặc biệt, có ý nghĩa quyết định về khả năng thay đổi cục diện chiến trường, ai cũng phấn khởi, tin tưởng đợt chiến đấu mới chắc chắn sẽ giành thắng lợi...

Đúng như dự đoán của trên, đêm 18-12-1972, địch sử dụng máy bay B-52 cùng hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân và hải quân, tổ chức đánh vào Hà Nội-Hải Phòng-Thái Nguyên. Sau 3 ngày địch đánh phá, việc vận chuyển đạn cho các đơn vị chiến đấu bị ùn tắc. Nhiều đơn vị không chiến đấu liên tục được do đạn không đến kịp, có đơn vị số đạn còn lại ở dưới mức quy định tối thiểu. Nhưng không vì vậy mà các thành phần tham gia chiến đấu nao núng tinh thần. Chúng tôi vẫn bám trận địa, bám khí tài, sẵn sàng bắt mục tiêu khi thời cơ đến.

 Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (thứ hai, từ trái sang) trong một lần gặp mặt đồng đội.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (thứ hai, từ trái sang) trong một lần gặp mặt đồng đội.

Sáng 21-12, tiểu đoàn chúng tôi chỉ còn 3 quả đạn trên bệ phóng để bước vào trận đánh. Bắt được mục tiêu, tôi hạ lệnh phóng quả đạn thứ nhất vào tốp máy bay địch đang tiến vào từ hướng Tây Bắc-Bắc, đạn hỏng không đi. Tôi lệnh bắn tiếp quả thứ hai thì diệt được một chiếc lúc 5 giờ 9 phút. Ngay sau đó, Tiểu đoàn 77 ở trận địa bạn còn hai quả đạn, cũng phóng một quả vào tốp máy bay này. "Hai máy bay B-52 đã bị tiêu diệt"-tin từ sở chỉ huy chiến dịch báo về làm nức lòng bộ đội. Mười phút sau, lúc 5 giờ 19 phút, Tiểu đoàn 57 chúng tôi phóng tiếp quả đạn cuối cùng còn lại trên bệ phóng vào tốp B-52. Một chiếc trong tốp này bốc cháy sáng rực cả góc trời, rồi sau đó đâm đầu xuống khu vực núi Đôi. Đúng là một đêm đánh "nở hoa tên lửa" trên bầu trời Hà Nội. 7 chiếc máy bay chiến lược B-52 của Mỹ đã bị bắn rơi, trong đó 5 chiếc rơi tại chỗ, ta bắt sống 12 tên giặc lái”.

Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, thì điều đặc biệt hơn đối với ông là các trận chiến thắng đó đều có phần đóng góp của bộ khí tài số hiệu 6005. Bộ đội ta luôn “giữ tốt, dùng bền”, sử dụng và phát huy hiệu của khí tài trong biên chế. Bộ khí tài 6005 đã cùng ông chiến đấu, bắn rơi 20 máy bay, trong đó có 4 máy bay B-52. Tuy nhiên, đến trận đánh ngày 28-12-1972, khí tài bị hỏng. Đơn vị đã phải kéo về khu vực chợ Yên của Kim Anh (nay là Đông Anh, Hà Nội) để sửa chữa. Còn Nguyễn Văn Phiệt sau đó cùng kíp chiến đấu vào chiến trường Khu 4 và tiếp tục cùng đồng đội lập nhiều chiến công.

Giờ đây, chiến tranh đi qua, trên mình những vết thương còn đau âm ỉ mỗi khi trái gió, trở trời nhưng vị tướng già vẫn chưa một ngày ngừng cống hiến. Hơn 10 năm nay, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đã trích tiền tiết kiệm của mình, vận động đồng đội ủng hộ thêm, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm giúp sức thành lập Trung tâm nhân đạo Hồng Đức. Vất vả xây dựng từ con số 0, đến nay Trung tâm nhân đạo Hồng Đức đã có trụ sở riêng ở Hà Nội và trở thành ngôi nhà chung cưu mang, hỗ trợ, giúp trẻ em tật nguyền, mồ côi, con em thương binh, đặc biệt là trẻ em nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin…, giúp các em tự tin đứng lên trong cuộc sống.

SONG THANH - BẢO LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-nguyen-van-phiet-va-bo-khi-tai-6005-738498