Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Trung tướng mê vườn

Không phải khi làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp và sau đó là Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng mới nổi danh toàn quân về sự đam mê cây cảnh mà cách đây hơn 30 năm khi còn là chỉ huy Sư đoàn 320B Tây Nguyên ông đã được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân tôn vinh 'Nhà sinh vật cảnh'.

Nhớ lại những ngày đó ông kể: Năm 1990, Bộ Quốc phòng phát động Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa trong các lực lượng vũ trang”. Nội dung cuộc vận động đã xác định: “Xây dựng các đơn vị có cảnh quan xanh-sạch-đẹp” là một nội dung quan trọng, lâu dài để góp phần xây dựng con người văn hóa, cuộc sống văn hóa. Chớp thời cơ, chúng tôi phát động toàn sư đoàn thi đua xây dựng vườn hoa, cây cảnh, xanh hóa doanh trại bằng cây ăn quả, cây bóng mát, cây hoa, cây cảnh nghệ thuật. Lực lượng chủ công, xung kích trong xây dựng đơn vị xanh là đoàn thanh niên.

Sau 3 năm bền bỉ, giữa một vùng đồi núi trắng trơn nham nhở hố đạn bom, doanh trại sư đoàn có hàng trăm bồn hoa, đường đi lối lại rợp mát cây xanh, trước sân đơn vị nào cũng có vườn hoa, cây cảnh. Tuổi trẻ sư đoàn đã sáng tạo nhiều loại ang, chậu đẹp và tạo nên hàng ngàn cây nghệ thuật có giá trị cao. Bộ trưởng Đoàn Khuê vào thăm thừa nhận: Doanh trại sư đoàn là một điểm sáng về môi trường xanh, sạch, đẹp.

 Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chăm sóc cây cảnh.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chăm sóc cây cảnh.

Từ những kinh nghiệm đó nên khi về làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, Tư lệnh Quân khu 4, ông đã dày công chỉ đạo xây dựng phong trào sinh vật cảnh trong đơn vị. Ngoài làm cho anh em hiểu rõ giá trị văn hóa giá trị kinh tế của sinh vật cảnh, ông thường nhắc anh em: Chống biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, vấn đề thời đại. Nếu như trồng rừng là “lính chủ lực” để tạo ra những lá phổi sinh học thanh lọc không khí, tạo môi sinh cho sự phát triển của con người, góp phần chống biến đổi khí hậu, thì sinh vật cảnh ở mỗi gia đình, cơ quan là “dân quân tự vệ”, thiên la địa võng “góp gió thành bão” để bảo vệ môi sinh, môi trường. Với chúng ta, đóng quân trong thành phố rõ nhất là chống bê tông hóa. Vậy nên mỗi góc sân, đường đi lối lại, ban công… đều là “đất” để phát triển cây cảnh.

Cây cảnh làm xanh hóa nơi ở, cây cảnh làm xanh mát đường đi lối lại trong doanh trại, đường tới thao trường, trận địa trực chiến. Không những thế, cây cảnh còn làm cho tâm hồn người lính thêm tràn đầy tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống, truyền bao cảm hứng mới lạ hướng tới cái đẹp hài hòa, vĩnh cửu của tự nhiên.

Ông thường nhắc anh em: Địa bàn khu 4 là nơi khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, gió phơn mùa hè gay gắt nhưng cũng là nơi thiên nhiên có tiềm năng sinh vật cảnh hết sức phong phú, đa dạng, chỉ cần có “con mắt sinh vật cảnh” là có thể khai thác được. Vẻ đẹp tự nhiên của cây cảnh tự nhiên bao giờ cũng kỳ thú hơn nhân tạo, quý hiếm hơn nhân tạo. “Độc”, “lạ” là những đặc trưng quý hiếm, giá trị của sinh vật cảnh.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt đó của ông nên doanh trại Bộ tư lệnh Quân khu 4 và các đơn vị trong quân khu sau mấy năm ông làm tư lệnh đều trở thành những khuôn viên rợp bóng cây xanh, cây cảnh nghệ thuật, hòn non bộ làm mê mẩn lòng người.

Năm 2009, trong bữa cơm chia tay đồng đội về nghỉ theo chế độ, ông tuyên bố "xanh rờn" với mọi người: “Tớ về vườn chứ không về hưu!” và đúng là ông không hề “nghỉ”, ông về với một mảnh vườn rộng gần 1.000m2 ở Nghi Ân (ngoại thành thành phố Vinh) để làm vườn cảnh.

Dẫu bận rộn với bao công việc khác như điều hành Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, bạn đồng đội Tăng thiết giáp… nhưng ông đã dành thời gian, công sức, tâm huyết để rồi sau hơn chục năm, một vùng đất bạc màu đã trở thành một vườn cây cảnh nghệ thuật độc đáo.

Là người đã từng ở trên nhiều miền quê đất nước nên vườn cây của ông là sự giao hòa giữa nhiều trường phái cây cảnh trong Nam, ngoài Bắc nhưng lại có nét riêng độc đáo.

Ông thường tâm sự: Cây là người, mà người mỗi vùng một sắc thái, một phong cách nên "chơi cây" phải biết thổi hồn vào cây để tạo nên phong cách đó. Phong cách cây xứ Nghệ mang hồn thiêng đất nước, con người xứ Nghệ là điều ông trăn trở, kiếm tìm và đã gặt hái nhiều thành công. Hàng ngàn cây trong vườn của ông không chỉ đáp ứng các tiêu chí “cỗ - kỷ - mỹ” mà còn có một phong cách riêng. Tâm hồn người lính đã qua bao trận mạc được ông gửi gắm vào các dáng cây thế “bạt phong”, “cây huyền”, “cây phong ba”.

Nghề “chơi cây” cũng lắm công phu! Để tạo được một đường nét mới cho thế cây phải dày công uốn lượn, chăm bẵm, tỉa cành, tỉa lá, bón gốc… Cây cũng có hồn như người nên khi đã thấm đẫm tình người cây trở nên gần gũi chia sẻ cùng ông.

 Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng với niềm đam mê chăm sóc cây cảnh.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng với niềm đam mê chăm sóc cây cảnh.

Là người thích “chơi” hoa lan tự nhiên, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tìm cách nhân giống và chăm bón cho các loại lan bản địa phát triển và nở hoa. Sự kết hợp độc đáo của ông khi cho lan bản địa ký sinh trên các thân cây gỗ đang sống bước đầu đã cho những kết quả bất ngờ: Hoa được nhiều ngày hơn, sắc hương độc, lạ hơn! Đặc biệt ông đã tạo ra được nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật từ việc đưa hoa lan từ giỏ cấy cộng sinh trên gỗ lũa (lỏi). Những gốc gỗ lũa trơ trụi, gầy guộc bén duyên cùng các giống lan rừng đã truyền một cảm hứng mới lạ cho người thưởng ngoạn.

Thăm vườn cây cảnh của ông, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Tất Diên đã trầm trồ: Phong cách cây cảnh của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng là phong cách cây nghệ thuật của người lính. Khỏe mạnh mà mềm mại, kiên hùng mà dịu dàng, dễ nhận, dễ cảm, gần gũi mà cao sang.

Vườn cảnh của ông đã trở thành địa chỉ để ông truyền dạy lại cách làm cây cảnh cho bạn bè, đồng đội, cựu chiến binh để anh em không chỉ chơi mà còn làm kinh tế sinh vật cảnh. Vườn của ông cũng là địa chỉ hội ngộ của bạn bè yêu mến âm nhạc, văn chương, cây nghệ thuật.

Trung tướng, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Đoàn Sinh Hưởng sinh ngày 20-8-1949 tại xã Bình Ngọc, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh. Nhập ngũ tháng 9-1966. Ông là người vinh dự được tham gia nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa quyết định cho chiến thắng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam và chiến trường Lào.

Năm 1966, trong Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, Đoàn Sinh Hưởng là Tiểu đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly (Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) đã trực tiếp chiến đấu 14 trận, đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 đại liên, tiêu diệt 15 lính Mỹ, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Ông được kết nạp Đảng tại trận địa khi tròn 19 tuổi.

Tháng 5-1974, trong trận tấn công cứ điểm Đắc Pét ở Bắc Tây Nguyên, Đại đội 9, Trung đoàn xe tăng 273 do ông chỉ huy đã yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiêu diệt địch. Chiếc xe tăng T54 (số hiệu 980) do ông lái đã san phẳng 10 lô cốt, ổ đề kháng, 1 khẩu pháo, bắt sống 10 tù binh.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên 3-1975, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng dẫn đầu đơn vị thọc sâu tiến công như vũ bão vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy giữa ban ngày, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt cứ điểm địch, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk. Xe tăng do ông trực tiếp lái đã tiêu diệt nhiều bộ binh, bắn cháy 2 xe bọc thép M113, 1 xe tăng M41, 5 xe quân sự địch. Tiếp đó, Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đơn vị đột kích vào căn cứ Cheo Reo, lấy xe tăng địch đánh địch, cùng bộ binh đánh tan tuyến phòng ngự đường số 7. Trong trận này, ông trực tiếp diệt 10 xe vận tải và 2 xe tăng.

Ngày 1-4-1975, Đại đội 9 xe tăng do ông chỉ huy tiến công như vũ bão vào giải phóng Tuy Hòa, thị Trấn Tuy An, sân bay Động Tác (Phú Yên). Với 4 quả đạn pháo, ông đã bắn tan 1 trận địa 105mm gồm 4 khẩu, bắn cháy 1 tàu chiến và 1 xuồng chiến đấu của địch ở cửa biển Tuy Hòa.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông chỉ huy đại đội 9 xe tăng trong đội hình đột kích, thọc sâu của Quân đoàn 3 tiến vào nội đô Sài Gòn. Sáng 29-4-1975, đội hình xe tăng 4 chiếc của ông gặp ngay 24 xe tăng, thiết giáp của địch. Địch kiên quyết chống trả, ông bình tĩnh và kiên quyết dũng cảm tiến công tiêu diệt địch. Bằng lối đánh táo bạo, chỉ sau ít phút chiến đấu, đại đội của ông đã tiêu diệt 12 xe tăng, 12 chiếc còn lại bị bắt sống, mở toang cửa mở để Quân đoàn 3 tiến vào tham gia giải phóng Sài Gòn.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 9-1975, Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân(1).

(1) Anh hùng LLVT nhân dân tập 4. Tr13. Nxb QĐND – H- 1996

Bài và ảnh: Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-doan-sinh-huong-trung-tuong-me-vuon-736902