Trùng tu di tích văn hóa: 'Áo rách khéo vá hơn lành vụng may'

Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trên cả nước hiện có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó, có hơn 4.000 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia, 124 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, một số di tích đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới… Thời gian qua, công tác trùng tu, bảo tồn di tích tại một số địa phương đang nổi lên nhiều vấn đề, có nguy cơ làm biến dạng di tích hoặc phá vỡ cảnh quan của cụm di tích văn hóa.

Văn Miếu Quốc Tử Giám mất đi nét đẹp cổ kính trầm mặc khi “khoác chiếc áo” vôi ve sáng màu. Ảnh: Lê Phương

Văn Miếu Quốc Tử Giám mất đi nét đẹp cổ kính trầm mặc khi “khoác chiếc áo” vôi ve sáng màu. Ảnh: Lê Phương

“May áo màu hồng cổ bèo cho cụ già”

Khi nhắc đến tên ngôi chùa Trăm Gian (thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội), các nhà quản lý, bảo tồn văn hóa vẫn chưa quên vụ việc xảy ra năm 2012 khi ngôi chùa này bị người dân địa phương tự ý hạ giải, trùng tu, làm phá hỏng một công trình kiến trúc văn hóa, nghệ thuật có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Chùa Trăm Gian có từ thời nhà Lý (niên đại 1176-1210). Ngôi chùa bề thế với 104 gian, được xây dựng trên một quả đồi cao khoảng 50m. Chùa có 3 cụm kiến trúc chính, trong đó, cụm 1 có “quán” đánh cờ người, có nhà Giá Ngự nhìn ra hồ sen - nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước. Cụm 2 có tòa gác chuông 2 tầng mái với một quả chuông lớn đời Cảnh Thịnh. Cụm 3 là chùa chính gồm nhà bái đường, tòa thiêu hương và thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà tổ, có lầu treo một cái trống lớn và 153 pho tượng bằng gỗ và đất nung.

Ngôi chùa đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích văn hóa cấp quốc gia từ hơn 40 năm nay. Tuy nhiên, di tích này nhiều lần bị chính quyền địa phương tự ý trùng tu theo kiểu chắp vá, làm mất đi giá trị vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa. Đó là việc sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng xi măng, gạch ốp lát công nghiệp xanh, đỏ, tím, vàng; xây mới các dãy hành lang đánh bóng cột kèo bằng véc ni...

“Đỉnh điểm” của sự xâm hại di tích là việc phá nhà tổ, gác khánh cổ kính ngàn năm của ngôi chùa để xây mới lại hoàn toàn vào tháng 8-2012. Khi được báo chí phát hiện, dư luận sôi sùng sục, cơ quan chức năng mới vội vàng đến kiểm tra thì... mọi sự đã rồi. Ngôi chùa đành phải khoác chiếc áo trùng tu theo kiểu “áo sơ mi, cổ com lê”.

Không chỉ xảy ra ở chùa Trăm Gian, nhiều di tích văn hóa dù đã được Nhà nước xếp hạng nhưng cũng bị “xâm hại” nặng nề vì sự thiếu hiểu biết kiến thức về văn hóa, lịch sử. Đơn cử như đền Và thờ thần núi Tản Viên ở thôn Vân Gia, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội bị người dân tự ý dỡ bỏ để xây mới vào năm 2009; đền cổ Ngu Nhuế (thuộc xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) bị san phẳng để thay thế hoàn toàn bằng một ngôi chùa mới vào năm 2012; đền Mẫu ở Phố Hiến, Hưng Yên bị phá vỡ cảnh quan bởi những công trình phụ cận; chùa cổ Vĩnh Khánh (Vĩnh Phúc) bị “nép” sau lưng một ngôi chùa mới xây cao lênh khênh nằm chình ình trước mặt với vài ba pho tượng mới, sơn xanh, đỏ lòe loẹt, đèn màu nhấp nháy không mang một chút nào giá trị thẩm mỹ.

Năm 2017, cụm di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) được “khoác” lên một lớp sơn mới khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, các nhiếp ảnh gia và du khách đến tham quan đều... ngỡ ngàng. Có người còn ví von việc quét vôi cho Văn Miếu giống cụ già mặc chiếc áo cổ bèo màu hồng - trông rất kệch cỡm, phản cảm... Mới đây nhất (tháng 3-2022), trong quá trình trùng tu, tôn tạo lại Di tích quốc gia Tháp Chăm Bánh Ít (Bình Định), đơn vị thi công đã mang máy cơ giới vào khu vực chân tháp đào bới, san gạt ồ ạt, nguy cơ xâm hại đến di tích khiến cho người dân và những người có chuyên môn vô cùng bức xúc...

“Áo rách” thì phải “khéo vá”

Bình luận về việc ứng xử với di sản và di tích văn hóa ở Việt Nam hiện nay, trong đó, có nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra, Phó Giáo sư Trần Lâm Biền phân tích 3 điểm chính: “Điều thứ nhất, chúng ta không hiểu biết, không lấy trí tuệ để ứng xử với di sản và di tích. Điều thứ hai, chúng ta không giáo dục những người tu bổ di tích. Điều thứ ba, những người làm về trùng tu, tu bổ di sản và di tích lại không hiểu di tích một cách thấu đáo”.

Trong quá trình thi công Tháp Chăm Bánh Ít (Bình Định), đơn vị thi công đã sử dụng máy móc ồ ạt san ủi, làm xâm hại đến di tích. Ảnh: Lê Phương

Trong quá trình thi công Tháp Chăm Bánh Ít (Bình Định), đơn vị thi công đã sử dụng máy móc ồ ạt san ủi, làm xâm hại đến di tích. Ảnh: Lê Phương

Phó Giáo sư Biền chia sẻ rằng, nhiều khi người ta nhìn thấy di sản văn hóa là những công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. “Còn con mắt chúng tôi nhìn di sản văn hóa thì tôn giáo, tín ngưỡng chỉ là một thuộc tính, một phần thôi. Cái lớn hơn của nó là vấn đề văn hóa, vấn đề lịch sử và vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là vấn đề nghệ thuật. Cứ đẩy cao tôn giáo, tín ngưỡng lên để làm nhòe đi giá trị của di sản. Phải hiểu nó. Còn tu bổ mà không hiểu biết gì thì đồng nhất với sự phá hoại...”.

Theo góc nhìn của họa sĩ Lê Thiết Cương thì trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích là một quá trình lâu dài, cần được tiến hành một cách cẩn thận, bài bản và khoa học. Trước hết, phải có quan niệm đúng về bảo tồn, trùng tu. Muốn vậy, chúng ta phải học quan niệm về bảo tồn, trùng tu của các nước trên thế giới và áp dụng ở Việt Nam sao cho phù hợp. Bảo tồn, trùng tu cần đảm bảo nguyên trạng công trình đã có, hạn chế tối thiểu mức độ sai lệch so với nguyên bản.

Bên cạnh đó, cần phải mở các lớp học về phục chế và mời nghệ nhân ở các làng nghề về dạy (tập trung vào nghề mộc, nghề gốm và nghề về sơn). 2 năm đầu, các học viên học các môn đại cương về lịch sử mỹ thuật, hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử, các kiến trúc điển hình qua các triều đại, trang trí họa tiết của các di tích trong từng thời kỳ... 2 năm sau, các học viên đi vào chuyên ngành cụ thể, học và thực hành, nghiên cứu gỗ, gốm, gạch ngói, sơn mài, sơn quang dầu; học cách thếp lại một pho tượng hay làm câu đối chất liệu sơn mài trên gỗ; cách làm con kìm, con nghê, họa tiết tranh trên bờ nóc các công trình...

Còn Nghệ nhân Ưu tú chuyên về điêu khắc gỗ Trần Đức Lăng thì chia sẻ, nguyên tắc trong trùng tu di tích là không được phá vỡ về hình khối. Trước khi trùng tu, phải tiến hành khảo sát cẩn thận để có phương án “vá” sao cho khéo. Khi trùng tu, cấu kiện nào đã bị hư hỏng thì thay, phần nào chưa hỏng thì phải giữ lại. Trùng tu cũng như việc vá áo, khi đắp vào một mảnh vải khác cũng đồng màu, đồng hoa văn, đường kim mũi chỉ cũng phải khâu sao cho khéo để người khác nhìn vào không phát hiện ra áo rách, đó mới chính là bảo tồn đúng cách.

Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trung-tu-di-tich-van-hoa-ao-rach-kheo-va-hon-lanh-vung-may-post449374.html