Trung thu - ký ức của mùa trăng

Trải qua năm tháng, Trung thu đã không chỉ còn là ngày tết của mùa màng, sự đoàn viên hay dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng.

Cùng với sự vận động của đời sống hiện đại, dịp này còn trở thành ngày hội của mọi người. Mùa Trung thu cũng là dịp lật giở, tìm về những mùa trăng của ký ức.

Trong những ngày này, tại nhiều di tích, trung tâm văn hóa, các chương trình đặc biệt của mùa trung thu được chuẩn bị công phu đem đến những trải nghiệm chân thực, vừa để góp phần “thắp lửa” trung thu xưa, vừa nhằm bồi đắp, lan tỏa tình yêu và trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa trong các thế hệ.

Năm nay, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám lần đầu tổ chức chuỗi sự kiện tương tác, trải nghiệm giáo dục di sản Ký ức mùa trăng. Tại di sản Hoàng thành Thăng Long, từ rất sớm, một chương trình dành cho mùa trung thu đã được khởi động.

Ngoài các khu vực trưng bày mâm cỗ đón trăng, năm nay, dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như Henri Oger, Albert Kant; Bảo tàng Quai Branly (Pháp), các nghệ nhân đã phục dựng nhiều mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống như giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán, với các tạo hình đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ... đem tới cho người tham dự nhiều cảm xúc thú vị, bất ngờ.

Song hơn thế, chuỗi hoạt động này được tổ chức không chỉ đem tới không gian trải nghiệm thú vị mà còn là cách để nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu truyền.

Mùa Trung thu năm nay cũng ý nghĩa hơn khi lễ hội trung thu ở Hội An vừa được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tết Trung thu Hội An có sự đan xen kế thừa giữa giá trị truyền thống và hiện đại trong cả phần nghi thức tâm linh, các nghề thủ công truyền thống lẫn các nghệ thuật trình diễn dân gian sôi động và tri thức dân gian mang bản sắc Hội An, là kết quả của cả quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa sâu rộng với nhiều quốc gia từ trong lịch sử và còn truyền thừa tới ngày nay.

Việc lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An được tôn vinh, ghi nhận ở cấp quốc gia sẽ một lần nữa tiếp thêm động lực cho việc gìn giữ, lan tỏa, đưa tinh hoa văn hóa thấm sâu vào trong đời sống của cộng đồng.

Bên cạnh nhiều tín hiệu vui, mùa trăng năm nay cũng không hẳn không lo lắng khi không khí của ngày tết này dường như có phần phai nhạt dù đồ chơi trung thu cho trẻ em đẹp, đa dạng hơn, còn bánh trung thu được bán sớm hơn…

Điều đó có lẽ không quá bất ngờ khi trẻ em không còn háo hức, chờ đợi được sắm một hai thứ đồ chơi tỏa sáng đêm trăng rằm nữa, bởi chúng đâu được tụm năm tụm ba khắp đầu làng cuối phố để mà khoe, mà rước đèn. Người lớn cũng vì bận rộn mà không mấy nhà còn bận tâm cắt tỉa, bày biện một mâm cỗ với đủ quà bánh của mùa trung thu tạo không khí về đêm lễ hội đủ đầy… Thiếu cái rộn ràng, háo hức, thiếu đi tiếng trống bỏi, trống cơm tùng..., tùng... khắp phố kể cũng có hơi hụt hẫng, nên có lẽ điều quan trọng hơn cả vẫn là cố gắng giữ cho được giá trị tinh thần cốt lõi của Tết Trung thu.

Chậm lại một chút trong guồng quay hối hả của cuộc sống để nhìn thấy rõ hơn trung thu không chỉ là tết của con trẻ mà còn là tết của người lớn nữa. Có người lớn nào không từng là trẻ con? Một người lớn đúng nghĩa bao giờ cũng có một phần, một góc trẻ con trong mình. Không sai khi nhận định rằng trong thế giới hội nhập, để lũ trẻ có được niềm háo hức, hứng thú như thời xưa là rất khó.

Cơ hội để bầy cỗ trông trăng của trẻ em mỗi đêm trung thu cũng không còn nhiều lung linh bởi sự cao vời vợi của những chung cư đang mọc lên như nấm hay bởi ánh sáng rực rỡ của dãy đèn đường cao áp… Tuy vậy, Trung thu không vì thế mà biến mất, bởi chỉ cần có yêu thương, có sum vầy, sẻ chia, ắt sẽ có mùa trung thu trọn vẹn!

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trung-thu-ky-uc-cua-mua-trang-post706821.html