Trung tâm thiết kế vi mạch TP.HCM được định giá gần 300 tỉ đồng

Đây là nền tảng để Trung tâm đào tạo, thiết kế vi mạch, ĐH Quốc gia TP.HCM (ICDREC) tiếp tục nghiên cứu những công nghệ cao hơn góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.

Sáng 07/06, tại Saigon Innovation Hub, đại diện Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao chứng nhận định giá tài sản trí tuệ ở mức 290 tỉ đồng cho ICDREC.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC (thứ 3 từ trái sang) nhận chứng nhận định giá của Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Phạm Hồng Bách, đại diện Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ cho biết, quá trình định giá cho ICDREC, đơn vị này đã mời 4 chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch phối hợp với Cục quản lý giá, Bộ Tài chính thực hiện. Việc định giá được thực hiện khách quan, độ chính xác tương đối cao (sai số không quá 10%).

Sau quá trình định giá, Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ đã công bố, tài sản sở hữu trí tuệ của ICDREC khoảng 290 tỉ đồng, giá trị hoạt động chuyển giao công nghệ là 68,8 tỉ đồng, giá trị sản xuất và cung ứng thiết bị đạt khoảng 30,9 tỉ đồng.

Ghi nhận những thành tựu mà ICDREC đã đạt được trong thời gian qua, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển vi mạch thành phố, cho rằng: “Những sản phẩm công nghệ muốn phát triển bắt buộc phải có thị trường, phải thương mại hóa. Vì thế, tôi mong rằng ICDREC phải đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa để tái đầu tư từ lợi nhuận thu được. Như vậy ngành vi mạch mới có thể phát triển bền vững”.

Đề xuất nâng cấp chip vi điều khiển lên công nghệ SOTB

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, hiện nay các lõi IP vi mạch do đơn vị này thiết kế đang sử dụng công nghệ thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm chip vi điều khiển sử dụng công nghệ cao hơn.

“Ưu điểm của SOTB là công suất tiêu thụ thấp, khi nâng cấp lên SOTB thì không làm thay đổi nhiều kết cấu của các transistor trong mạch điện tử. Vì thế, công nghệ SOTB hiện nay được nhiều doanh nghiệp công nghệ quan tâm và ứng dụng” - ông Hoàng phân tích.

Ông Hoàng đề xuất UBND TP.HCM tiếp tục hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi một số lõi IP vi mạch có sẵn sang công nghệ mới SOTB nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm chip vi điều khiển cho ICDREC nghiên cứu và phát triển.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trung-tam-thiet-ke-vi-mach-tphcm-duoc-dinh-gia-gan-300-ti-dong-c7a535793.html