Trung tâm KH&CN hạt nhân sẽ là Viện nghiên cứu hạt nhân hàng đầu khu vực

Ngày 10/4, Đại sứ CHLB Nga Andrey Grigorievich Kovtun đã đến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân (VNCHN) Đà Lạt và Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân (KTHN) trong công nghiệp thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử (NLNT) Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Viện NCHN, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó viện trưởng, đã giới thiệu với ngài Đại sứ CHLB Nga về một số thành tựu chính của Viện. Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của một viện non trẻ: thiếu thầy giỏi, thông tin, cơ sở vật chất nghèo nàn… tập thể lãnh đạo và đội ngũ lãnh đạo của Viện đã tự lực vươn lên theo phương châm làm để học và bắt chước sáng tạo Viện đã nhanh chóng trưởng thành hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ chính là quản lý vận hành và khai thác lò phản ứng (LPƯ), tiến hành nghiên cứu ứng dụng KTHN vào phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội của đất nước, tham gia nhân lực và cơ sở vật chất cho chương trình điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam, đảm bảo an toàn bức xạ, góp phần phát triển bền vững ngành hạt nhân của đất nước. Sau gần 30 năm hoạt động, tính đến tháng 3/2013, LPƯ công suất 500 kW đã hoạt động 36.500 giờ; sản xuất trên 4.500 Ci cung cấp cho 23 khoa y học hạt nhân trong cả nước; phân tích khoảng 65.000 mẫu phục vụ cho các ngành địa chất, dầu khí, bảo vệ môi trường, nông nghiệp; nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ cho sinh học và nông nghiệp (giống cây trồng, vì sinh vật và nấm); sản xuất thiết bị và các khối điện tử hạt nhân như máy kiểm soát suất liều khu vực, máy phân tích biên độ 4 cửa sổ dùng detector nhấp nháy; đào tạo tiến sĩ và hợp tác với các trường đại học đào tạo thạc sĩ các ngành vật lý lý thuyết và vật lý hạt nhân; công bố trên 60 công trình nghiên cứu ở các tạp chí quốc tế; tham gia lựa chọn công nghệ, địa điểm cho dự án ĐHN Ninh Thuận… Một trong những thành tựu nổi bật là từ tháng 4/2004 Viện đã tham gia chương trình giảm thiểu đe dọa hạt nhân toàn cầu gọi tắt là GTRI (Global Threat Reduction Initiative) hợp tác giữa Mỹ, CHLB Nga và IAEA, và đã tổ chức thực hiện thành công việc chuyển đổi nhiên liệu của LPƯ từ nhiên liệu giàu sang dùng nhiên liệu độ giàu thấp, đánh dấu một bước phát triển về trình độ nghiên cứu tính toán, thiết kết LPƯ của Viện. Từ tháng 3/2012 đến nay đã vận hành được 3 đợt chạy lò dài ngày phục vụ sản xuất đồng vị phóng xạ, không có khác biệt so với vùng hoạt có độ giàu cao và vùng hoạt hỗn hợp HEU-LEU trước đây.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình LPƯ hạt nhân Đà Lạt hiện nay có công suất thấp, khó đáp ứng được các yêu cầu của nghiên cứu và ứng dụng KTHN. Vì vậy việc hợp tác với CHLB Nga xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân (TTKHCNHN) với công suất ~ 15MW là điều hết sức cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu; đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Viện tham gia ngay vào quá trình thi công xây lắp, thử nghiệm- nghiệm thu công trình, từng bước làm chủ công nghệ đối với lò nghiên cứu và tiếp theo là lò năng lượng của nhà máy ĐHN.

Tại Trung tâm Ứng dụng KTHN trong công nghiệp – một đơn vị nghiên cứu triển khai hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được thành lập năm 2007 với chức năng ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất công nghiệp, và ứng dụng bức xạ tạo giống đột biến cho cây trồng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên, ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Trung tâm, đã giới thiệu với ngài Đại sứ một số thành tựu chính đã đạt được sau 6 năm hoạt động với định hướng ứng dụng KTHN truyền thống kết hợp với công nghệ cao phục vụ sản xuất. Đó là kỹ thuật đánh dấu cho công nghiệp dầu khí, môi trường thủy văn. Kỹ thuật này đã được ứng dụng ở tất cả các mỏ dầu ở Việt Nam và một số mỏ dầu ở Trung Đông trong khảo sát sự bơm ép nước để khai thác dầu; sử dụng tia bức xạ trong khảo sát, chẩn đoán quá trình lọc hóa dầu, và kỹ thuật phân tích tạo giống bức xạ; phát triển kỹ thuật hình ảnh hạt nhân để xác định những điểm hư hỏng của đường ống, tìm giải pháp sửa chữa… Gần đây khi được giao tham gia xây dựng TTKHCNHN, cụ thể là triển khai nghiên cứu xác định địa điểm LPƯ mới, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu 5 địa điểm (2 ở miền Bắc, 3 ở Đà Lạt), và Bộ KH&CN đã lựa chọn địa điểm thuộc Phường 12, TP Đà Lạt, nằm trong quy hoạch 107 ha đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng Trung tâm ứng dụng KTHN công nghệ cao. Địa điểm này cách ly hoàn toàn với các khu dân cư (khoảng cách đến khu dân cư khoảng 3,5km), xung quanh là rừng phòng hộ hoặc đất nông nghiệp. Địa điểm lựa chọn này đạt được hầu hết các tiêu chí để xây dựng TTKHCNHN với LPƯ hạt nhân nghiên cứu công suất 10-20 MWt với tính khả thi cao và có nhiều thuận lợi do khu vực này đang là rừng phòng hộ hoặc đất sản xuất nông nghiệp, không có dân cư nên chi phí giải phóng mặt bằng thấp; dự án có thể triển khai sớm. Việc đưa 2 dự án của ngành hạt nhân (dự án Trung tâm Ứng dụng KTHN công nghệ cao và dự án TTKHCNHN) vào một khu vực phù hợp với chủ trương chung của UBND tỉnh Lâm Đồng là tập trung các cơ sở nghiên cứu hạt nhân vào một số ít địa điểm, không bố trí nhiều cơ sở phân tán. Đặc biệt, việc đặt lò nghiên cứu mới tại Đà Lạt sẽ phát huy được nguồn nhân lực, kinh nghiệm hiện có và nhân rộng nguồn nhân lực KH&CN đã tích lũy được từ truyền thống trên 30 năm nghiên cứu, khai thác hiệu quả, vận hành an toàn LPW 500 kWt của VNCHN và Trung tâm Ứng dụng KTHN trong công nghiệp.

Ngài Đại sứ CHLB Nga Andrey Grigorievich Kovtun bày tỏ niềm vui trước những thành tựu đạt được của VNCHN và Trung tâm Ứng dụng KTHN trong công nghiệp và cho rằng việc hợp với Việt Nam để xây dựng TTKHCNHN – một cơ sở nghiên cứu về năng lượng hạt nhân hiện đại hàng đầu trong khu vực là một vinh dự đối với nền KH&CN hạt nhân của CHLB Nga. Ông hoàn toàn tin tưởng, với một đội ngũ khoa học có trình độ cao của Viện và Trung tâm cùng quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam và CHLB Nga, dự án TTKHCNHN sẽ được triển khai thành công. Ông cho biết trong buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh cũng đánh giá dự án TTKHCNHN trị giá 500 triệu USD là dự án lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh, khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội và giáo dục của tỉnh, vì vậy tỉnh sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để dự án sớm được triển khai. Vấn đề mà Bộ KH&CN cùng với công ty ROSATOM của Nga cần quan tâm là phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhận thức được các LPƯ nghiên cứu có độ an toàn rất cao, (ngay tại trung tâm Moskva đã có 4 LPƯ hoạt động từ nhiều năm nay), việc xây dựng Trung tâm với lò nghiên cứu tại Đà Lạt hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế-xã hội, du lịch của thành phố. Ngược lại, khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa thành phố Đà Lạt trở thành một trung tâm khoa học và đào tạo, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, thúc đẩy kinh tế tri thức, thực sự đóng góp cho dự phát triển kinh tế-xã hội của Đà Lạt và vùng Tây Nguyên.
PV ghi

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=4&News=6260&tabid=109