Trung Quốc và “ván bài lật ngửa”

Năm 2012, Trung Quốc đã chơi một “canh bạc lớn” với ba điểm nóng liên tiếp là vụ bãi cạn Scarborough, sự kiện “TP Tam Sa” và tranh chấp tại Senkaku. Liệu sau “ván bài lật ngửa” này, Trung Quốc sẽ lại “chơi chiêu” gì mới?

Năm 2012 nhiều biến động của Trung Quốc kết thúc, để lại một cục diện hoàn toàn mới trong trật tự Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã chơi một “canh bạc lớn” nhằm mục đích thăm dò vòng kìm kẹp của Hoa Kỳ, với ba điểm nóng liên tiếp là vụ bãi cạn Scarborough (Trung Quốc - Philippines), sự kiện “TP Tam Sa” (Trung Quốc - Việt Nam) và tranh chấp tại Senkaku (Trung Quốc - Nhật Bản).

Vậy tương lai của Trung Quốc trong các vùng biển này sẽ như thế nào? Liệu những điểm nóng trên sẽ tiếp tục leo thang và trở thành những xung đột nghiêm trọng hơn nữa?

Điểm nóng gia tăng tại Hoa Đông

Thái Bình Dương bốn tháng cuối năm 2012 trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi lần lượt Bộ trưởng Quốc phòng Leo Panetta, Ngoại trưởng Hillary Clinton và cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có hàng loạt chuyến công du đến các quốc gia đồng minh và các đối tác, cả truyền thống lẫn tiềm năng, tại khu vực này. Chuyến viếng thăm lịch sử của ông Obama tại Myanmar là một minh chứng không thể phủ nhận cho chiến lược “trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Washington. Rõ ràng trong năm 2013, Nhật Bản sẽ không hề cô độc tại Hoa Đông.

Cũng cần lưu ý rằng chính phủ mới đắc cử tại Nhật Bản của ông Shinzo Abe mang thiên hướng bảo thủ và có phần “cánh tả”. Sau khi từ chức thủ tướng vào năm 2010, ông Abe vẫn luôn thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Tân thủ tướng Nhật Bản là một trong nhiều chính khách có khuynh hướng bảo thủ cứng rắn, ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp Nhật Bản, trong đó nổi bật nhất là việc đòi hỏi quốc gia này thoát ra khỏi những thỏa thuận hòa bình 1945, nâng cấp lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành một lực lượng quân đội chuyên nghiệp. Thái độ của ông Abe trong các vấn đề Senkaku cũng như các chuyến thăm đền Yasukuni mặc cho làn sóng phản đối từ Trung Quốc, đã báo trước một chính quyền Nhật Bản sẵn sàng đáp trả một cách mạnh mẽ nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy sự việc đi quá xa.

Cảnh sát biển Nhật Bản phun vòi rồng vào tàu cá Trung Quốc hồi tháng 1-2013. Ảnh: npr.org

Một điều quan trọng khác cần lưu ý, Nhật Bản là quốc gia có lực lượng hải quân hùng hậu đứng thứ tư thế giới. Không dừng ở đó, vừa qua Tokyo còn quyết định tăng chi đầu tư quốc phòng thêm 1,1 tỉ USD nhằm chủ yếu để đối phó với các hành động gần đây của Bắc Kinh ở Senkaku. Chưa nói đến việc Nhật Bản có một mối quan hệ hợp tác quân sự rất tốt với Ấn Độ, Úc và đặc biệt là Hoa Kỳ.

Nói cách khác, nước Nhật có đủ thế và lực để đương đầu với một Trung Quốc đang thèm khát khẳng định vị thế cường quốc thế giới. Và theo một lẽ tất nhiên, đối với những nhà nghiên cứu về quản lý xung đột, khi hai quyền lực ngang ngửa nhau thì rủi ro tranh chấp “nóng lên” và trở thành xung đột là điều rất dễ xảy ra. Kết quả của “phép thử” Senkaku cuối 2012, với những phản ứng đáp trả mạnh mẽ từ cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ, đã báo hiệu cho một viễn cảnh nhiều khả năng xảy ra xung đột Hoa Đông.

Biển Đông thay đổi

Sau một loạt các động thái căng thẳng của Trung Quốc tại cả Hoa Đông và biển Đông trong năm 2012, có thể thấy phản ứng của chính quyền Hoa Kỳ tại Đông Nam Á có thể nói là “yếu ớt” và “không rõ ràng” nhất. Nếu hình dung ba điểm nóng đã đề cập như ba phép thử của Trung Quốc nhằm thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ, cũng như sự chặt chẽ trong hệ thống mà Washington đã xây dựng nên nhằm bao bọc và kìm hãm Bắc Kinh, thì rõ ràng Đông Nam Á đang bộc lộ những dấu hiệu trở thành mắt xích lỏng lẻo bật nhất của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2013 sẽ là Brunei. Với thực tế rằng Brunei là quốc gia có tiềm lực quân sự, cũng như vị thế chính trị gần như là thấp nhất trong khối ASEAN, thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục áp đặt được ảnh hưởng của mình lên tổ chức các quốc gia Đông Nam Á. Một ASEAN 2012 chia rẽ, dưới khung thời gian chủ trì của Campuchia, đã gây nên rất nhiều khó khăn cho các nước Đông Nam Á trong việc tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề biển Đông. Một ASEAN 2013 (nếu) tiếp tục thiếu đoàn kết dưới sự chủ trì của Brunei sẽ chắc chắn một lần nữa đẩy vấn đề biển Đông ra xa khỏi bàn nghị sự. Đây sẽ lại là điều kiện để Trung Quốc sử dụng con bài “chia để trị” và “gặm nhấm từng phần”, biến khu vực không tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, lấn chiếm dần dần biển Đông bằng nhiều hình thức quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Giàn khoan khủng Ocean Oil 981 vừa được Trung Quốc đưa ra biển Đông. Ảnh: takungpao.com.hk

Vẫn còn đó kịch bản xấu nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc đặt những lợi ích cùng chia sẻ của họ lên trên lợi ích của khu vực và của các nước nhỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự trở lại mạnh mẽ của Washington tại Thái Bình Dương, cùng với việc ông Obama giờ đây đã thoát khỏi gánh nặng vận động tranh cử, một tương lai Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề biển Đông vẫn là khả dĩ. Chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng Brunei sẽ rút được những kinh nghiệm quý báu từ người tiền nhiệm Campuchia, khi cần phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích nhất thời và cục bộ quốc gia. Một dấu hiệu lạc quan đầu năm khi chính quyền Brunei vừa qua đã tuyên bố sẽ đặt vấn đề “tranh chấp biển Đông là ưu tiên hàng đầu” với tư cách là chủ tịch ASEAN.

Bên cạnh đó, ngày 5-1-2013, ASEAN cũng vừa hoan nghênh chào mừng tổng thư ký mới của mình - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Lương Minh. Đây là một lợi thế vô cùng to lớn cho Việt Nam trong việc tìm kiếm một tiếng nói chung tại ASEAN đối với các tranh chấp liên quan đến biển Đông và Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có tận dụng được lợi thế này, có lách qua được “khe cửa hẹp” và phát huy, cũng như đẩy mạnh hơn nữa các kế sách của mình ở biển Đông một cách hiệu quả trong năm 2013 hay không? Rõ ràng với sự lựa chọn chiến lược của các bên, ván bài đang dần dần lật ngửa.

Các nước khó mà ngồi im được

Có thể nói rằng Trung Quốc đang chơi bài ngửa, không giấu giếm ý đồ gì nữa của họ với tham vọng trên biển Đông. Trước đây Trung Quốc có nói đến chuyện “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Sách lược này của Trung Quốc được họ nói nhiều lần nhưng “tranh chấp” theo cách hiểu của họ lại khác với tranh chấp quy định theo luật quốc tế, theo công ước Luật Biển. “Tranh chấp” mà Trung Quốc muốn đây là “đường lưỡi bò” - điều không ai chấp nhận được. Trung Quốc cố tạo hiệu lực của đường biên giới đó. Họ ngoài mặt tỏ ra thiện chí nhưng nay thì đã lộ rõ bản chất.

(…) Để nhận định chuẩn xác về diễn biến trên biển Đông sắp tới thì chắc không ai dám. Bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phụ thuộc vào ứng xử của các bên.

Tuy nhiên, những biến cố trong thời gian qua có thể rút ra vài điểm. Cách làm của Trung Quốc, tham vọng hợp thức hóa “đường lưỡi bò” không còn là ý tưởng trên giấy tờ nữa. Nguy cơ lợi ích của các bên bị xâm phạm quyền chủ quyền thật sự hiện hữu. Và khi Trung Quốc tiếp tục lấn tới, động chạm tới cái “dạ dày” của các nước ASEAN, ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế thì tôi nghĩ các nước khó mà ngồi im được. Bản năng tự vệ của các nước có quyền lợi, lợi ích bị xâm phạm sẽ khiến họ không thể ngồi yên. Nếu không cẩn thận thì sẽ dẫn đến xung đột.

TS TRẦN CÔNG TRỤC, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ (Theo Vne)

LÊ THÀNH

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130218094120914p0c1112/trung-quoc-va-van-bai-lat-ngua.htm