Trung Quốc tìm cách đục nước béo cò trong khủng hoảng Rohingya

Hình ảnh ASEAN bị bôi xấu; bà Suu Kyi bị phê phán và tẩy chay.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo và sắc tộc người Rohingya, bang Rakhine, phía bắc Myanmar, đang gây sự chú ý của dư luận quốc tế, tác động đến một số quan hệ châu Á, trong đó liên quan lập trường của ASEAN.

Tuyên bố Chủ tịch ASEAN (Philippines) ngày 24/9 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại của các ngoại trưởng ASEAN “liên quan đến diễn biến gần đây ở bang Rakhine ở Myanmar”. Tuyên bố đã lên án “tất cả các hành động bạo lực khiến dân thường thiệt mạng, phá hủy nhà cửa và khiến một lượng lớn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn”.

Mặc dù tuyên bố ASEAN đã tránh phê phán trực tiếp quân đội Myanmar thực hiện chiến dịch thanh tẩy sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi, nhưng Malaysia, là nước có cộng đồng Hồi giáo khá lớn, vẫn không nhất trí. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman trong một tuyên bố riêng rẽ, đã khẳng định Malaysia cảm thấy tuyên bố của ASEAN “không phản ánh thực tế tình hình”, cho rằng “tuyên bố cũng bỏ qua những người Rohingya theo đạo Hồi như một cộng đồng bị ảnh hưởng”; “tuyên bố Chủ tịch đã không dựa trên sự đồng thuận”.

Tuyên bố mạnh mẽ của Malaysia cho thấy một sự rạn nứt trong truyền thống của ASEAN, vốn coi trọng sự đồng thuận của các thành viên và không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nhau.

Nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp

Tính đến năm 2013, khoảng 1,23 triệu người Rohingya sống ở Myanmar, cư trú chủ yếu ở các thị trấn phía bắc bang Rakhine. Người Rohingya được mô tả là nhóm dân thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới. Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, tổ tiên của người Rohingya di cư từ Bangladesh đến khu vực Rakhine của Myanmar, nhưng đa phần di cư đến đây từ thời thực dân Anh.

Quân đội Myanmar luôn kỳ thị và coi người Rohingya là những kẻ ngoại lai, nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Chính phủ Myanmar chưa từng công nhận tư cách công dân hay công nhận người Rohingya là một dân tộc thiểu số của Myanmar. Người Rohingya Phật giáo và Hindu ở bang Rakhine cũng có mâu thuẫn lâu đời.

Một cuộc xung đột lớn ở Rakhine giữa người Phật giáo Rakhine với người Rohingya diễn ra năm 2012 khiến 200 người chết, 140.000 người mất nhà cửa. Năm 2015, diễn ra một cuộc khủng hoảng tị nạn, khi hàng vạn người Rohingya tìm cách lánh nạn tại Bangladesh và các nước Đông Nam Á có cộng đồng Hồi giáo.

Ngày 9/10/2016, Quân đội Cứu thế Rohingya Arakan (ARSA), từng được biết với cái tên Harakah al-Yaqin (Phong trào Niềm tin), tiến hành các cuộc tấn công vào 3 trạm cảnh sát biên phòng phía bắc bang Rakhine, giết chết 9 cảnh sát. ARSA tuyên bố chiến đấu nhân danh người Rohingya bị phủ nhận các quyền cơ bản, kể cả tư cách công dân. Sau đó, quân đội Myanmar tiến hành cuộc đàn áp lớn ở các làng mạc phía bắc bang Rakhine.

Ngày 25/8/2017, ARSA tấn công nhiều đồn cảnh sát, khiến 13 nhân viên an ninh thiệt mạng dẫn đến sự đáp trả mạnh mẽ của quân đội.

Đến nay, đã có khoảng 700.000 người Rohingya phải chạy nạn. Chỉ tính riêng sau sự kiện ngày 25/8, hơn 400.000 người chạy nạn sang Bangladesh. Các cuộc đàn áp của quân đội khiến ít nhất 1.000 người chết, Bangladesh ước tính con số này là 3.000 người.

Giới lãnh đạo quân sự Myanmar không muốn người Hồi giáo Rohingya co cụm thành một cộng đồng sắc tộc tại nước này. Các chính sách đàn áp từ trước đến nay là làm tan rã cộng đồng Hồi giáo và đẩy họ ra khỏi Myanmar càng nhiều càng tốt. Các chiến dịch trấn áp tại Rakhine đốt sạch, phá sạch để những người tỵ nạn nếu có trở về cũng không có chốn dung thân.

Bà Suu Kyi ở thế kẹt

Bà Aung Sann Suu Kyi là nhà lãnh đạo dân sự trên thực tế của Myanmar, dù vì những ràng buộc Hiến pháp, bà không thể trở thành nguyên thủ quốc gia, mà chỉ làm bộ trưởng cao cấp. Nhưng Suu Kyi không kiểm soát quân đội.

Bà Suu Kyi bị chỉ trích mạnh mẽ vì không lên tiếng bảo vệ người Rohingya. Mặt khác, bà Suu Kyi cũng không công nhận người Rohingya mà chỉ gọi họ là “những người Hồi giáo ở bang Rakhine”. Đến tháng 8/2017, bà Suu Kyi lên tiếng bảo vệ các hành động của chính phủ là trấn áp các lực lượng khủng bố, phủ nhận các hành động bạo lực có hệ thống đối với người Rohingya.

Hơn 400.000 người trên thế giới đã ký vào kiến nghị trên Change.org đòi rút lại giải Nobel hòa bình năm 1991 của bà Aung San Suu Kyi. 20.000 người muốn chính phủ Canada tước tư cách công dân danh dự đã trao cho bà Suu Kyi năm 2007. Bà Suu Kyi từng được hoan nghênh tại phương Tây, nhưng hiện nay, đã không thể xuất hiện tại thủ đô các nước này.

Quốc tế tế phản ứng

Thủ tướng Malaysia Nazib Razak gọi hành động của quân đội Myanmar là cuộc “diệt chủng”.

Ngày 13/9/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án bạo lực chống lại người Rohingya và sẽ tổ chức nghe báo cáo về tình hình. Chính quyền Myanmar đã vận động Moscow và Bắc Kinh phủ quyết mọi nghị quyết mang tính ràng buộc chống lại hành động ở Rakhine.

Trung Quốc, vốn ủng hộ giới quân sự ở Myanmar, lên tiếng ủng hộ các hành động của quân đội Myanmar.

Trung Quốc có một số cơ sở kinh tế tại Rakhine. Tuần trước đây, Bắc Kinh đã mở một cơ quan lãnh sự tại bang này. Khi phương Tây phê phán Myanmar, Bắc Kinh càng cần ủng hộ để lôi kéo Myanmar.

Mục tiêu của Bắc Kinh là tăng cường hiện diện tại Myanmar, để củng cố lối ra từ Vân Nam đến bờ Ấn Độ Dương, gia cố “chuỗi ngọc trai” mà Myanmar là một mắt xích chiến lược. Thủ tướng Modi của Ấn Độ khi thăm Myanmar gần đây cũng không thể làm gì hơn là bày tỏ “thông cảm” với chính quyền Myanmar về những gì xẩy ra tại Rakhine./.

Hoài Nam

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/trung-quoc-tim-cach-duc-nuoc-beo-co-trong-khung-hoang-rohingya-256839.html