Trung Quốc thu hoạch 'rau vũ trụ'

Nhóm 3 phi hành gia Trung Quốc đang làm việc trong sứ mệnh thứ 17 của tàu vũ trụ Thần Châu vừa thu hoạch lứa rau trồng thành công đầu tiên bằng cấu trúc trồng cây thế hệ mới trong môi trường vũ trụ do chính nước này phát triển và nâng cấp.

Nhóm phi hành gia của sứ mệnh Thần Châu-17 vừa thu hoạch lứa rau trồng bằng hệ thống trồng rau trong vũ trụ thế hệ thứ hai do Trung Quốc phát triển. Ảnh: CGTN

Trước đây, cấu trúc “vườn không gian” thế hệ đầu tiên được sử dụng trong những sứ mệnh như Thần Châu 11 vào năm 2016 và Thần Châu 14 vào năm 2022. Khi đó, các phi hành gia có thể thu hoạch xà lách, lúa mì, gạo và rau cải ở trạm vũ trụ Thiên Cung. Tuy nhiên, với “vườn không gian” thế hệ thứ hai, các thiết kế của hệ thống trồng cây đặc biệt này được nâng cấp đáng kể nhằm vươn tới tham vọng có thể nhân rộng quy mô trồng trọt trong vũ trụ trong thời gian tới.

Công nghệ mới

Nhóm phi hành gia này chính là những người cùng tàu vũ trụ Thần Châu lên làm việc tại trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc vào ngày 26-10 trong sứ mệnh thứ 17 của con tàu. Lứa rau họ vừa thu hoạch được trồng trong “vườn không gian”, tên gọi để chỉ hệ thống thiết bị giúp trồng rau trong vũ trụ thế hệ mới do các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phi hành gia của Trung Quốc thiết kế.
“Vườn không gian” gồm bộ phận có thể tháo rời và có cấu trúc mở giúp dễ dàng vận hành và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, lượng ô-xy và carbon dioxide nhằm tạo môi trường lý tưởng nhất để cây có thể phát triển trong không gian. Với cấu trúc mở đó, các phi hành gia cũng có thể linh hoạt chăm sóc vườn rau của mình vào bất cứ lúc nào, theo Reuters.

Được triển khai tại trạm Thiên Cung kể từ sứ mệnh Thần Châu-16, “vườn không gian” được lắp đặt theo đảo ngược. Các cây trồng cũng sẽ được tưới nước theo hướng ngược với chiều tưới trên mặt đất. Cấu trúc trồng cây này là một thiết bị có thể tái chế thuộc thế hệ thứ hai được thiết kế mới, giúp đưa nước và dinh dưỡng đến rễ cây trực tiếp mà không cần phải sử dụng chất nền (substrate), loại chất cần thiết để tạo phản ứng hóa học cho cây.

Tính năng quan trọng và đáng chú ý nhất của hệ thống “vườn không gian” thế hệ thứ hai là khả năng hỗ trợ các chu kỳ trồng cây nhiều lần sau đó. Nói cách khác, nó sẽ thiết lập các điều kiện sẵn sàng cho trồng trọt quy mô lớn hơn trong tương lai ở ngoài không gian. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang phát triển kỹ thuật canh tác mới để giảm thiểu chất thải và tăng tỷ lệ tái chế.

Tham vọng chinh phục vũ trụ

Ở sứ mệnh Thần Châu-16, sứ mệnh thứ năm đưa người lên trạm vũ trụ từ năm 2021 của Trung Quốc, các phi hành gia cũng đã thu hoạch được một ít xà lách trong tháng 6-2022, ít cà chua bi và hành trong tháng 8-2022. Nỗ lực nghiên cứu, tìm cách trồng rau trong không gian là một phần trong chương trình khám phá không gian nhiều tham vọng của Trung Quốc.

Để làm được điều này, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phi hành gia Trung Quốc đã thiết lập các môi trường giả lập của vũ trụ trên mặt đất, giúp nhóm nghiên cứu có thể so sánh các kết quả và phân tích chính xác hơn những khác biệt giữa trồng rau trong không gian với trên mặt đất.

Trong cuộc phỏng vấn với CCTV vào tháng 10-2023, nhà nghiên cứu Yang Renze thuộc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phi hành gia Trung Quốc cho biết, hệ thống thiết bị dùng để trồng rau là phần trọng yếu trong Hệ thống hỗ trợ sự sống và kiểm soát môi trường (ECLSS). Và hệ thống đó đang được sử dụng trong không gian để kiểm chứng các công nghệ liên quan. Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc sẽ là tập trung giải pháp để canh tác rau quy mô lớn và nhanh chóng trong vũ trụ.

“Hệ thống này có thể được áp dụng ở những môi trường khám phá vũ trụ sâu hơn, bao gồm các sứ mệnh đưa người đổ bộ Mặt Trăng và Sao Hỏa. Như một phần chủ chốt của ECLSS, các cây được trồng trong cấu trúc “vườn không gian” có khả năng hấp thụ CO2 trong không khí để thải ra oxy thông qua quang hợp, và rồi phát triển và làm sạch nước qua quá trình bốc hơi nước”, chuyên gia này phân tích.
Trung Quốc vẫn đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đưa hai phi hành gia lên mặt trăng trước năm 2030. Quốc gia này cũng dự kiến xây dựng cơ sở trên mặt trăng, gọi là Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế (ILRS), trong thập niên tới. Mặc dù cuộc đổ bộ lên sao Hỏa vẫn còn là mục tiêu xa hơn nữa, song “hành tinh đỏ” vẫn luôn được nhấn mạnh như một điểm đến trong tương lai của tàu vũ trụ Trung Quốc, theo trang Space.

Các phi hành gia trẻ nhất từ trước đến nay ở Thiên Cung
Sứ mệnh Thần Châu-17 gồm nhóm 3 phi hành gia: Tang Hongbo (48 tuổi) và hai cựu phi công lái máy bay chiến đấu là Tang Shengjie (34 tuổi) và Jiang Xinlin (35 tuổi). Họ là nhóm phi hành gia trẻ nhất từ trước đến nay từng lên làm việc tại trạm Thiên Cung. Trạm vũ trụ này bắt đầu hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất từ tháng 4-2021. Các phi hành gia của Thần Châu-17 sẽ làm việc trong không gian 6 tháng nữa để thực hiện nhiều thí nghiệm khác và cả nhiệm vụ bảo trì.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202312/trung-quoc-thu-hoach-rau-vu-tru-3961385/