Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Bắc cực

SGTT.VN - Cuối tuần này, thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ bắt đầu chuyến công du đến Iceland và Thụy Điển để tìm kiếm vai trò lớn hơn ở vùng Bắc cực.

Các nhà hoạt động môi trường kêu gọi bảo vệ môi trường Bắc Cực bên ngoài khách sạn nơi diễn ra cuộc họp kinh tế về dầu mỏ và khí đốt ở các vùng băng của Nga, ngày 17.04.2012. Ảnh: Reuters. Ảnh:

Theo Thứ trưởng ngoại giao Tống Đào, chuyến thăm đến Iceland và Thụy Điển nằm trong lịch trình công tác bốn nước châu Âu của thủ tướng Ôn Gia Bảo từ ngày 20 đến 27.4 “Chúng tôi hi vọng hợp tác với những quốc gia liên quan, gồm Iceland và Thụy Điển, để cùng đóng góp cho nền hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Bắc cực”.

Thụy Điển là nước thành viên của Hội đồng Bắc cực đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập tổ chức này với tư cách quan sát viên vĩnh viễn. Hội đồng Bắc cực là diễn đàn cấp cao liên chính phủ thúc đẩy sự hợp tác giữa tám quốc gia Bắc cực – gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland, Na Uy, Nga, Canada, Mỹ, Phần Lan - về vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chuyến thăm của ông Ôn cũng là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung Quốc đến Iceland trong vòng 40 năm qua.

Sự ủng hộ của Thụy Điển rất quan trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với một thành viên của Hội đồng Bắc cực là Na Uy trở nên căng thẳng từ cuối năm 2010, sau khi Ủy ban Nobel Hòa bình tuyên bố trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba. Cuối tháng 1.2012, tờ báo Aftenposten bán chạy nhất Na Uy đưa tin chính quyền Oslo đang tìm cách chặn cơ hội để Trung Quốc tham gia Hội đồng Bắc cực. Chính phủ cả hai quốc gia không xác nhận điều này.

Thứ trưởng Tống khẳng định Trung Quốc có lợi ích kinh tế và khoa học ở vùng Bắc cực. Ông Tống cho biết Trung Quốc muốn khám phá năng lượng địa nhiệt, nghiên cứu về cực bắc và Bắc cực quang. Từ năm 2004, Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu vĩnh viễn ở Na Uy, tiến hành bốn cuộc thám hiểm ở Bắc cực. Trung Quốc cũng công bố kế hoạch xây dựng tàu phá băng 8.000 tấn mới đến năm 2013 để gia nhập cùng tàu phá băng Tuyết Long hiện tại.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc rất hăm hở mở rộng vai trò ở Bắc cực. Theo tính toán của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, vùng Bắc cực có 13% trữ lượng dầu mỏ của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được khai phá. Do vậy, khi những khối băng ở đây tan dần do nóng ấm toàn cầu không chỉ giúp các tàu biển dễ dàng điều hướng tới các vùng giàu tài nguyên hơn mà còn mở ra một tuyến đường hàng hải dài như trong mơ. Các tuyến đường biển có thể mở cửa liên tục xuyên qua Bắc cực vào năm 2030 khi mực nhiệt độ tiếp tục dâng cao. Tuyến đường này giúp giảm tối đa thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu. Giới học giả Trung Quốc tin rằng Bắc cực có thể trở thành tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/quoc-te/163076/trung-quoc-tang-cuong-hien-dien-o-bac-cuc.html