Trung Quốc sẽ có sự điều chỉnh chiến lược

Trong tháng này, Trung Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ 3 tại Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ra đời. Diễn đàn lần thứ ba được dự đoán sẽ tạo ra bầu không khí khác với diễn đàn lần thứ hai năm 2019 do Trung Quốc có sự thay đổi trong các ưu tiên.

Tập đoàn Cosco của Trung Quốc đầu tư vào cảng Piraeus của Hy Lạp từ năm 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sáng kiến BRI là chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cách đây một thập kỷ nhằm kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu thông qua các tuyến đường bộ và hàng hải. Sáng kiến là tổ hợp siêu dự án bao gồm mạng lưới các tuyến đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu, khí đốt, hệ thống cảng biển, cáp quang, mạng lưới viễn thông… kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. BRI bao gồm hai tuyến chính là “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” trên đất liền và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định, BRI là một sáng kiến thương mại kết nối kinh tế, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội, mang lại lợi ích cho tất cả.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Sáng kiến BRI kết nối hơn 3/4 quốc gia trên thế giới, đã tạo ra gần 1 nghìn tỷ USD đầu tư và tạo ra hơn 420.000 việc làm. Dự kiến, Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba sẽ có đại diện từ hơn 110 quốc gia tham dự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, lễ kỷ niệm 10 năm thiết lập sáng kiến BRI cũng là "một nền tảng quan trọng để tất cả các bên thảo luận và tăng cường hợp tác cho một Vành đai và Con đường chất lượng cao".

Diễn ra trong bối cảnh cả nền kinh tế thế giới và kinh tế Trung Quốc đang có những chuyển đổi, diễn đàn lần này được dự đoán sẽ có bầu không khí khác so với diễn đàn thứ hai năm 2019. Khi đó, Thông cáo chung của điễn đàn nhấn mạnh đến chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài và liên doanh. Ngoài ra, còn có sự ưu tiên đối với phát triển bền vững và thúc đẩy tăng trưởng xanh như một phần của Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững năm. Ngoài ra, tại diễn đàn 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình còn bày tỏ mong muốn các nước hội nhập tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự chuyển hướng ưu tiên

Kể từ đó, tình hình đã thay đổi đối với cả thế giới đang phát triển và Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, và giai đoạn phục hồi trở nên khó khăn hơn đối với các nước đang phát triển.

Nền kinh tế trong nước của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những cơn gió ngược. Do đó, các khoản đầu tư cho BRI đang giảm xuống. Tốc độ tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và thị trường bất động sản gặp khó khăn cũng là nguyên nhân khiến Bắc Kinh phải hạn chế các khoản vay dành cho các nước đang phát triển.

Có thể nhìn vào các dự án của Sáng kiến BRI ở châu Phi, số lượng và giá trị các khoản vay đã giảm sút. Theo Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, kể từ những năm trước đại dịch 2017 - 2019 đến giai đoạn hậu đại dịch 2020 - 2022, mức cho vay trung bình đã giảm 37% từ 213,03 triệu USD xuống còn 135,15 triệu USD. Về các khoản cho vay, con số này đã giảm từ 184 xuống còn 32 trong thời kỳ hậu đại dịch.

Hơn nữa, kể từ diễn đàn thứ hai, phương Tây đã tăng cường các nguồn lực để cạnh tranh với Sáng kiến BRI của Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu Phó Thông đã cố gắng xoa dịu những lo ngại của phương Tây khi trấn an rằng: “Trung Quốc không áp đặt bất kỳ dự án nào lên bất kỳ quốc gia nào. Luôn luôn là quốc gia đề xuất dự án và Trung Quốc sẽ hỗ trợ”. Ông khẳng định sáng kiến này không phải là một nỗ lực nhằm làm suy yếu phương Tây. Tuy nhiên, nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến phương Tây đã không phát huy hiệu quả. Hiện Italy - thành viên duy nhất của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển G7 tham gia BRI, đã phát tín hiệu cho thấy ý định sẽ rút lui khỏi BRI. Trong khi đó, phương Tây cũng đang thúc đẩy các sáng kiến thay thế như: “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” của Hoa Kỳ hay “Cửa ngõ toàn cầu” của châu Âu.

Ngoài ra còn có kế hoạch xây dựng Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu. Dự án này là sự hợp tác giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Pháp, Đức, Italy và Liên minh châu Âu. Sáng kiến này sẽ kết nối châu Âu, Trung Đông và châu Á thông qua các cảng biển và đường sắt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi xây dựng các dự án khác dọc hành lang.

Trung Quốc chắc chắn sẽ tránh thảo luận các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến kinh tế trong nước hay các dự án đầu tư mới tại diễn đàn năm nay. Thay vào đó, họ sẽ quảng bá nhiều hơn về những dự án đã thành công, chẳng hạn như dự án tàu cao tốc trị giá 7,3 tỷ USD ở Indonesia nối Jakarta với Bandung; hay sự kiện khai trương tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD do Trung Quốc xây dựng tại Lào nối giữa thủ đô Vientiane đến Côn Minh ở tỉnh Vân Nam vào tháng 12.2021. Các nước khác trong khu vực cũng đang hợp tác với Trung Quốc về xây dựng đường sắt. Trung Quốc đang xây dựng cảng nước sâu Kyaukphyu của Myanmar. Trong khi đó, Trung Quốc và Đông Timor cho biết họ sẽ hợp tác trong kế hoạch cùng thúc đẩy BRI.

Mặc dù Diễn đàn sắp tới có thể không thể hiện rõ sự thay đổi trong những ưu tiên và chiến lược của Trung Quốc, nhưng thực tế là mục tiêu của Trung Quốc đối với sáng kiến của mình đang thay đổi. Nước này đã trở nên chọn lọc hơn trong các dự án theo đuổi và giờ đây sẽ tập trung vào các quốc gia có tầm quan trọng hơn về mặt địa chính trị, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Những khoản đầu tư “nhỏ mà đẹp”

Cụm từ “nhỏ mà đẹp” đã xuất hiện như một “tính từ mới miêu tả các khoản đầu tư mới của Trung Quốc, ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ tập trung vào các dự án nhỏ hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn. Nhiều dự án trong số đó có khả năng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, lĩnh vực chiếm 33% nguồn tài chính cam kết kể từ năm 2018.

Hai tuần trước, Bắc Kinh đã công bố Sách Trắng có tựa đề “Cộng đồng toàn cầu chia sẻ tương lai chung: các đề xuất và hành động của Trung Quốc”. Tài liệu này cung cấp cái nhìn sâu sắc về các chủ đề tiềm năng của Diễn đàn sắp tới, có thể bao gồm cảng Piraeus ở Hy Lạp, phát triển xanh, các dự án đường sắt ở Đông Nam Á và tuyến đường sắt Angren-Pap ở Uzbekistan. Diễn đàn thứ ba có thể sẽ được sử dụng để tối đa hóa “sức mạnh tổng hợp nhằm thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao” và nhấn mạnh việc tăng cường kết nối giữa sáu hành lang của sáng kiến.

Các quốc gia đang phát triển có nhiều khả năng phải chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc. Theo thông tin từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, các nước đang phát triển đang phải đối mặt với thâm hụt đầu tư hàng năm ngày càng gia tăng trong bối cảnh họ nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Khoảng cách hiện nay là 4 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc chiếm khoảng 40% tăng trưởng toàn cầu, vì vậy ngay cả khi Sáng kiến Vành đai và Con đường đang chậm lại, miền Nam bán cầu vẫn sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để cố gắng giành được sự ủng hộ của Bắc Kinh.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trung-quoc-se-co-su-dieu-chinh-chien-luoc-i346123/