Trung Quốc sản xuất gạo giả vì mục đích gì?

Một số nhà sản xuất Trung Quốc cho rằng, số gạo giả mà hải quan Nigeria thu giữ vừa qua có thể được làm từ polyvinyl clorua (nhựa PVC), loại gạo này chỉ để làm mẫu tại các nhà hàng chứ không phải để ăn và phải được đóng mác “gạo nhân tạo” trước khi bán ra thị trường.

Số gạo giả mà hải quan thành phố Lagos thu giữ trước đó. Ảnh: EPA

Trước đó, hải quan Lagos (thành phố cảng của Nigeria) đã tịch thu 2,5 tấn gạo giả mà không biết được chúng được làm từ gì. Họ chỉ biết rằng, sau khi nấu lên thì chúng biến thành một mớ hỗn dộn và dính chặt vào nhau. Cuối cùng, các mẫu gạo này đã được gửi đến các phòng thí nghiệm để xác định thành phần hóa học của nó.

Haruna Mamudu, Trưởng hải quan Lagos cho biết, số gạo này được nhập lậu để bán vào dịp mua sắm những ngày lễ hội cuối năm sắp tới, nhưng không biết chúng xuất xứ từ đâu.

“Chỉ có Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người ăn sản phẩm này” - ông Haruna Mamudu nói trên BBC.

Tuy vậy, theo nhiều nguồn tin thì rất có thể số gạo trên được sản xuất tại Trung Quốc, thị trường sản xuất gần như tất cả các loại gạo nhân tạo trên thế giới hiện nay.

Anh Zhou Tao, quản lý bán hàng tại một nhà sản xuất thực phẩm nhân tạo ở huyện Yiwu (Nghĩa Ô), tỉnh Chiết Giang cho biết, gạo nhân tạo được chỉ định chỉ để sử dụng trong nhà hàng hay cửa hàng với mục đích trưng bày.

Các sản phẩm thực phẩm nhân tạo rất phổ biến ở các nhà hàng để giúp hiển thị menu lựa chọn do có màu sắc đẹp và không bao giờ bị thối rữa. Gạo nhân tạo được làm bằng nhựa PVC, có màu trắng và giòn; chúng được bảo quản ở nhiệt độ phòng, vì vậy nếu gặp nền nhiệt trên 70°C gạo nhân tạo sẽ bị tan chảy.

“Họ không nên đặt nó trên bếp. Nó không phải là thực phẩm” - Zhou nói.

Anh Zhou chia sẻ là mình không hiểu tại sao người ta buôn lậu gạo nhân tạo để bán như gạo thật ở châu Phi, vì sản phẩm này có giá không hề rẻ. Anh cho biết, giá gạo nhân tạo của công ty mình là 70 tệ (khoảng 10 USD) cho mỗi kg, gấp 10 lần giá gạo thật tại Trung Quốc. Trong khi đó, tại châu Phi giá gạo nhân tạo sẽ tăng cao hơn nữa do phí vận chuyển và nhiều chi phí khác.

Một gian trình bày các món ăn nhân tạo ở Bảo tàng ẩm thực Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Còn Xiong Heping, người quản lý của một nhà máy sản xuất tại Thâm Quyến cho biết, gạo sẽ được dán nhãn “nhân tạo” trước khi tung ra thị trường, dù là ở Trung Quốc hay ở nước ngoài.

Ông Xiong cho biết thêm, hiện tại chính phủ Trung Quốc lại chưa ban hành quy định nào về kinh doanh thực phẩm nhân tạo để ngăn ngừa các tai nạn không may có thể xảy ra.

Tuy vậy, ông này cũng nhận định: “Nhưng tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ quá phức tạp bởi vì ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nhận biết gạo nhân tạo dựa vào trọng lượng và cảm nhận”.

Được biết, sản phẩm thực phẩm nhân tạo được sản xuất tại Trung Quốc là khá phong phú, bao gồm: Mì, sushi, bánh pizza và bánh ngọt. Sản phẩm nào được làm ra giống với sản phẩm thật nhất thì sẽ có giá trị cao hơn.

Các sản phẩm nhân tạo này được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả thị trường Hồng Kông, Mỹ và châu Âu.

Hà Lý (Theo South China Morning Post)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/trung-quoc-san-xuat-gao-gia-vi-muc-dich-gi-d52247.html