Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Hằng Nga lên 'vùng tối' Mặt trăng

Trung Quốc hôm thứ Sáu (3/5) đã phóng thành công tàu vũ trụ Hằng Nga-6 để thu thập mẫu vật ở 'vùng tối' bí ẩn của Mặt trăng - nỗ lực đầu tiên thuộc loại này trong lịch sử thám hiểm không gian của con người.

Tên lửa Trường Chinh-5, mang theo tàu vũ trụ Hằng Nga-6, đã phóng từ bệ phóng tại Bãi phóng Không gian Văn Xương trên bờ biển tỉnh đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc vào lúc 5:27 chiều (giờ Bắc Kinh).

Khoảng 37 phút sau khi cất cánh, tàu vũ trụ Hằng Nga-6 tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo theo kế hoạch. Theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), vụ phóng tàu vũ trụ Hằng Nga đã thành công hoàn toàn.

Vì chu kỳ quay của Mặt trăng giống với chu kỳ quay của Trái đất, nên một mặt của nó luôn hướng về Trái đất. Mặt còn lại, hầu hết không thể nhìn thấy từ Trái đất, được gọi là phía xa hay "vùng tối" của Mặt trăng.

Tên lửa Trường Chinh-5, mang theo tàu vũ trụ Hằng Nga-6, phóng tại Bãi phóng Không gian Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 3 tháng 5 năm 2024. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực trở thành cường quốc không gian với kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030 và xây dựng cơ sở nghiên cứu ở cực nam Mặt trăng.

Theo kế hoạch, tàu đổ bộ Hằng Nga-6 sẽ hạ cánh xuống một miệng núi lửa ở vùng tối của Mặt trăng, nơi không bao giờ quay mặt về phía Trái đất, trong vòng 53 ngày.

Bất kỳ mẫu vật nào ở đó được tàu Hằng Nga 6 thu về có thể giúp các nhà khoa học nhìn lại quá trình tiến hóa của Mặt trăng và hệ Mặt trời, đồng thời cung cấp dữ liệu quan trọng để thúc đẩy tham vọng Mặt trăng của Trung Quốc.

"Hằng Nga-6 nhằm đạt được những đột phá trong thiết kế và công nghệ điều khiển quỹ đạo lùi của Mặt trăng, công nghệ lấy mẫu, cất cánh và trả lại mẫu tự động ở phía xa Mặt trăng", ông Ge Ping, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Vũ trụ và Thám hiểm Mặt trăng của CNSA cho biết.

Hình ảnh tên lửa Trường Chinh-5 và tàu vũ trụ Hằng Nga-6 trước khi phóng. Ảnh: Tân Văn Xã

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có những tiến bộ không gian đáng kể. Với chương trình Hằng Nga được triển khai từ năm 2007, Trung Quốc vào năm 2013 đã trở thành quốc gia đầu tiên thành công trong việc hạ cánh bằng robot lên Mặt trăng trong gần 4 thập kỷ.

Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất hạ cánh xuống vùng tối Mặt trăng trong sứ mệnh Hằng Nga 4. Năm 2022, Trung Quốc hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung của riêng mình.

Thách thức của Hằng Nga 6 là phải vượt qua kỷ lục trong lần hạ cánh ở phía xa Mặt trăng năm 2019 của Hằng Nga-4 và mang các mẫu vật về Trái đất. Lần này, để liên lạc với Trái đất từ phía xa Mặt trăng, Hằng Nga 6 phải dựa vào vệ tinh Queqiao-2, được phóng lên quỹ đạo Mặt trăng hồi tháng 3.

Đông đảo người dân Trung Quốc đã đến xem vụ phóng lịch sử này, bất chấp điều kiện thời tiết không tốt. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung Quốc có kế hoạch thực hiện thêm hai sứ mệnh nữa trong sứ mệnh Hằng Nga để tiến gần đến mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030. Sứ mệnh Hằng Nga-7, dự kiến vào năm 2026, sẽ nhằm mục đích tìm kiếm tài nguyên trên cực nam Mặt trăng, trong khi Hằng Nga-8 khoảng hai năm sau có thể xem xét cách sử dụng vật liệu Mặt trăng để chuẩn bị xây dựng cơ sở nghiên cứu.

Sứ mệnh Hằng Nga-6 diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng cường các chương trình Mặt trăng để tập trung khả năng tiếp cận tài nguyên và thám hiểm không gian sâu hơn.

Từ lâu, Trung Quốc bày tỏ ủng hộ việc sử dụng không gian một cách hòa bình, thiện chí quốc tế. Lần này, Trung Quốc cho biết sứ mệnh Hằng Nga-6 sẽ mang theo các thiết bị khoa học từ Pháp, Ý, Pakistan và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Hoài Phương (theo Tân Hoa Xã, Tân Văn Xã, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-phong-thanh-cong-tau-vu-tru-hang-nga-len-vung-toi-mat-trang-post294047.html