Trung Quốc phát triển công nghiệp văn hóa: Không chỉ làm giàu, mà hướng tới hạnh phúc nhân dân

Chú trọng nội dung tốt, không ngừng đổi mới và thúc đẩy hội nhập, đó là những yếu tố cốt lõi để mang đến cho người dân những sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố gần đây, các doanh nghiệp về văn hóa và các ngành nghề liên quan của Trung Quốc có doanh số tăng ấn tượng.

Kết quả đó đến từ sự linh hoạt trong ứng dụng công nghệ số trên lĩnh vực này để từ đó mang đến cho người dân Trung Quốc những cảm nhận ngày càng phong phú, chân thực về các sản phẩm văn hóa.

Từ một cuốn sách mới xuất bản, một bộ phim xúc động, một màn trình diễn sân khấu đầy màu sắc, đến một sản phẩm văn hóa sáng tạo mới lạ và vui nhộn, một cuốn tiểu thuyết trực tuyến hấp dẫn, một tuyến du lịch độc đáo… Tất cả những điều đó đều rất gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa của người dân.

Phát triển công nghiệp văn hóa là nền tảng quan trọng để thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng, chất lượng cao của người dân, đồng thời cũng là yêu cầu tất yếu để khơi dậy sức sống sáng tạo văn hóa, thúc đẩy xây dựng đất nước giàu mạnh về văn hóa. Khi người dân đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc cung cấp các sản phẩm văn hóa tinh thần, thì ngành công nghiệp văn hóa có rất nhiều việc phải làm để nâng cao cảm giác hài lòng và hạnh phúc của người dân.

Cảnh đẹp Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: image.baidu.com

Nội dung của một sản phẩm văn hóa chính là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Cần xây dựng định hướng sáng tác một cách vững chắc trong đó lấy con người làm trung tâm, lấy giá trị quan xã hội chủ nghĩa làm cốt lõi, nêu bật nội hàm tư tưởng, phát huy tính tỉ mỉ chau chuốt, cho ra đời những sản phẩm văn hóa chất lượng cao, có tư duy sâu sắc, nghệ thuật tinh tế, giàu sức sống.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của Trung Quốc ngày càng phong phú, người ta không còn phải lo đến nguồn cung có đủ hay không mà là vấn đề chất lượng có tốt hay không. Đã có một thời gian, trong lĩnh vực giải trí xuất hiện các vấn đề về doanh thu phòng vé, lượng phát hành, lượng người xem và lượng truy cập… đòi hỏi những người làm công tác văn hóa phải hiểu đầy đủ về sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế. Theo đó, cần phải đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu. Nắm vững định hướng đúng đắn, đổi mới và phát triển, không ngừng mở rộng cung cấp các sản phẩm văn hóa chất lượng cao.

Đổi mới chính là mạch nguồn cho dòng chảy của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc. Cần lấy sự đổi mới để định hướng cho sự phát triển, thực hiện chiến lược kỹ thuật số của ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy tích hợp trực tuyến và trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và theo chiều sâu giữa văn hóa và kỹ thuật số.

Trong những năm gần đây, các hình thức trải nghiệm văn hóa mới thông qua điện toán đám mây như: Triển lãm, biểu diễn, hiệu sách, du lịch… đã thay đổi nhận thức của mọi người về triển lãm, biểu diễn, bán lẻ sách và du lịch. Nhờ chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số mà những tài nguyên văn hóa đặc sắc đã được “sống lại”. Đối với các mô hình văn hóa truyền thống như biểu diễn nghệ thuật, giải trí, mỹ thuật công nghệ, triển lãm văn hóa… thì rất cần tăng cường vai trò định hướng của đổi mới khoa học công nghệ, để ngày càng nhiều môn nghệ thuật truyền thống hay những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như kịch, nghệ thuật hát nói, nhạc dân gian… có thể thông qua các phương tiện công nghệ mới “bước vào” đời sống của mỗi người dân.

Đối với sản phẩm văn hóa mới như studio trực tuyến, sáng tạo số, nghệ thuật số, giải trí số… cần phải ứng dụng sâu các công nghệ 5G, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường, Ultra HD… để thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp văn hóa số, tạo ra các thương hiệu văn hóa số có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Cảnh đẹp Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: meipian.cn

Quá trình hội nhập đã tạo ra một không gian rộng lớn cho ngành công nghiệp văn hóa. Lấy văn hóa để định hình du lịch và sử dụng du lịch để quảng bá văn hóa, sử dụng văn hóa để nâng cao nội hàm của du lịch, sử dụng du lịch để thúc đẩy truyền bá văn hóa, thực hiện sự hội nhập hai chiều giữa công nghiệp văn hóa và công nghiệp du lịch. Văn hóa và du lịch luôn là hai mảng không thể tách rời. Ví dụ như Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã thu hút vô số khách du lịch vì đó là quê hương của Lỗ Tấn. Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc vì có động đá mà thu hút nhiều khách du lịch biết tới phong cảnh nơi đây. Hải Nam đã trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nhờ có những rặng dừa đu đưa trong gió…. Rất nhiều những ví dụ từ thực tế đã cho thấy du lịch chính là đòn bẩy nâng cao vị thế văn hóa, thúc đẩy truyền bá văn hóa.

Để đạt được sự hội nhập của ngành công nghiệp văn hóa và ngành du lịch, cần phải tập trung vào việc phát triển một số hình thức kinh doanh chủ đạo, thúc đẩy nâng cấp hoạt động du lịch như du lịch di sản văn hóa, du lịch nghiên cứu, công viên giải trí, khách sạn và các hình thức kinh doanh khác, đồng thời tiếp tục tích hợp các hình thức kinh doanh mới. Đồng thời, thúc đẩy hội nhập của công nghiệp văn hóa và các lĩnh vực liên quan của nền kinh tế theo chiều sâu, mở rộng hơn nữa không gian phát triển của công nghiệp văn hóa, lấy văn hóa làm động lực để phát triển kinh tế.

Công nghiệp văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế quốc dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế, đáp ứng kỳ vọng mới của đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời nâng cao ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và sức mạnh mềm của nền văn hóa quốc gia. Và như vậy, tương lai, người dân Trung Quốc sẽ được tiếp cận ngày càng nhiều hơn những sản phẩm văn hóa chất lượng cao.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/trung-quoc-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-khong-chi-lam-giau-ma-huong-toi-hanh-phuc-nhan-dan-754866

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/629826-trung-quoc-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-khong-chi-lam-giau-ma-huong-toi-hanh-phuc-nhan-dan.html