Trung Quốc ngày càng cạnh tranh quyết liệt với Mỹ ở Mỹ Latinh

Dưới đây là nhận định của các chuyên gia Nga về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở 'sân sau' của Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jamaica Kamina Johnson Smith, tại Kingston, Jamaica, ngày 20/1/2024. Ảnh: THX

Theo báo Nezavisimaya Gazeta của Nga ngày 23/1, chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Jamaica và Brazil là dấu hiệu cho thấy việc triển khai thực tế chiến lược của Bắc Kinh nhằm mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ Latinh và tăng cường ảnh hưởng chính trị trong khu vực.

Jamaica là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Phi và Mỹ Latinh kéo dài 10 ngày của ông Vương Nghị. Chuyến đi bắt đầu ở Ai Cập vào ngày 13/1, ngoài ra còn có Tunisia, Togo, Bờ Biển Ngà và Brazil.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc luôn thăm châu Phi vào đầu năm. Lần này, Brazil và Jamaica đã được thêm vào hành trình của ông Vương Nghị. Theo Nezavisimaya Gazeta, các chuyên gia Mỹ bực bội chỉ ra rằng hoạt động ngoại giao của Bắc Kinh nhằm mục đích làm suy yếu vị thế của Washington ở Nam Mỹ, nơi họ từng tuyên bố quyền bá chủ theo Học thuyết Monroe, trong đó xác định rằng các nước thuộc “Thế giới thứ ba” không được can thiệp vào vị thế của Washington ở Mỹ Latinh, vốn được coi là "sân sau" của Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc chắc chắn không phải là một quốc gia thuộc "Thế giới thứ ba", nhưng nước này đã phát triển hùng mạnh đến mức sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực đang trở nên nguy hiểm đối với lợi ích của Mỹ.

Andrey Karneyev, hiệu trưởng Trường Nghiên cứu châu Á tại Trường Kinh tế Cao cấp Moskva (Đại học HSE), lưu ý rằng trong chính sách của mình, Trung Quốc rất chú ý đến các quốc gia ở "Nam toàn cầu”.

Trung Quốc cho rằng nước này có thể dựa vào họ trong trường hợp căng thẳng gia tăng với Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Đây là một biện pháp quan trọng để củng cố vị thế của Bắc Kinh về chính sách đối ngoại và thương mại. Đặc biệt vì phương Tây đang tụt hậu rất xa so với Trung Quốc liên quan đến quy mô đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở "Thế giới thứ ba". Điều này cũng đúng với Mỹ Latinh.

Đáng chú ý, Tổng thống Argentina Javier Milei, người thân Mỹ, ban đầu dự định cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng sau đó đã thay đổi lập trường của mình, chuyên gia Karneyev giải thích.

Về phần mình, Alexander Lukin, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói rằng Trung Quốc đang đặt cược vào các đối thủ nặng ký về kinh tế ở Nam Mỹ như Brazil.

Về ảnh hưởng chính trị, Bắc Kinh luôn khẳng định không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Không giống như Mỹ, Trung Quốc không có chương trình “bảo vệ nền dân chủ”, điều này cũng khiến nước này trở thành đối tác ưa thích của hầu hết các nước ở Mỹ Latinh.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trung-quoc-ngay-cang-canh-tranh-quyet-liet-voi-my-o-my-latinh-20240123192019447.htm