Trung Quốc muốn thành 'đại siêu thị' thế giới, Âu - Mỹ chặn những mối nguy

Theo Bloomberg, ước tính khoảng 45% sản lượng sản xuất của Trung Quốc đang được xuất khẩu do nguồn cung ngày càng tăng như xe điện, tàu thủy và đồ gia dụng.... đã vượt quá nhu cầu tiêu dùng của 1,4 tỷ dân nước này.

Tham vọng thành "Amazon của các quốc gia"

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đổ tiền vào sản xuất khi hoạt động liên quan đến bất động sản, vốn từng thúc đẩy khoảng 1/5 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đã trở thành lực cản cho tăng trưởng vào năm 2022.

Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải.

Trọng tâm của kế hoạch này là cái mà họ gọi là “ba động lực tăng trưởng mới” của xe điện (EV), pin và năng lượng tái tạo, hỗ trợ thúc đẩy quá trình khử cacbon của thế giới và thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng như đồng và lithium.

Cho đến nay, chiến lược này đang giúp Trung Quốc tránh được cuộc suy thoái xảy ra với Nhật Bản vào những năm 1990 và Mỹ năm 2008 khi thị trường nhà ở của các nước này suy thoái.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bloomberg, nó cũng đang thúc đẩy sự mất cân bằng, tạo tiền đề cho những căng thẳng thương mại toàn cầu mới giữa Trung Quốc và các nước phát triển, cũng như các nền kinh tế mới nổi đang cố gắng đạt đến các bậc thấp hơn của thang công nghiệp hóa.

Ông Damien Ma thuộc tổ chức nghiên cứu Macropolo của Mỹ, người đã gặp các nhà hoạch định chính sách cấp cao ở Bắc Kinh vào năm ngoái, cho biết: “Trung Quốc muốn trở thành Amazon của các quốc gia. Amazon là đại siêu thị bán mọi thứ và Trung Quốc muốn trở thành quốc gia ‘làm ra mọi thứ’ để tạo ra một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh".

Hiện thặng dư hàng hóa sản xuất của Trung Quốc so với tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu ở mức khoảng 2%. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 45% sản lượng sản xuất của Trung Quốc đang được xuất khẩu do nguồn cung ngày càng tăng như xe điện, tàu thủy và đồ gia dụng.... đã vượt quá nhu cầu tiêu dùng của 1,4 tỷ dân nước này.

Trọng tâm mới của Trung Quốc vào "nâng cấp công nghiệp" có nghĩa là đẩy mạnh vào các lĩnh vực hiện do các quốc gia giàu có nhất thống trị. Điều đó dẫn đến giảm nhập khẩu từ các quốc gia như Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc tập trung vào mọi ngành sản xuất, từ việc tăng các khoản vay ngân hàng cho lĩnh vực công nghiệp đến bùng nổ đầu tư vào các khu công nghiệp và tăng xuất khẩu mọi thứ từ ô tô, máy xúc đến máy giặt.

Việc Mỹ hạn chế sản xuất chip cao cấp cũng đã thúc đẩy Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực nhằm đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ tiên tiến như một ưu tiên an ninh quốc gia cấp bách.

Thành công rõ ràng nhất của Trung Quốc là ba sản phẩm mới. Theo thống kê chính thức, giá trị xuất khẩu ô tô điện, pin và tấm pin mặt trời tăng 42% so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023.

Những lực cản

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã tăng cường cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.

Châu Âu đã khởi xướng một loạt cuộc điều tra thương mại, điều này khiến Trung Quốc vào tuần trước tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm rượu của EU như rượu mạnh, một động thái mà các nhà phân tích coi là nhằm vào Pháp, nước ủng hộ chính cho hành động của khối này đối với trợ cấp xe điện của Trung Quốc.

Trọng tâm mới của Trung Quốc vào "nâng cấp công nghiệp" có nghĩa là đẩy mạnh vào các lĩnh vực hiện do các quốc gia giàu có nhất thống trị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thắt chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, và cuộc bầu cử sắp tới có thể có sự góp mặt của cựu Tổng thống Donald Trump có thể khiến các chính sách bảo hộ còn gia tăng hơn nữa.

Các quốc gia khác đang tìm cách thu hút các ngành công nghiệp phức tạp hơn, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, đang gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nhắm vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng 11 đã cảnh báo rằng tình trạng dư cung “có thể phát sinh trong tương lai ở các ngành mà Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều”.

Các khoản trợ cấp có chọn lọc trong Đạo luật giảm lạm phát của ông Biden nhằm mục đích loại bỏ công nghệ xanh do Trung Quốc sản xuất ra khỏi thị trường Mỹ trong khi việc tăng cường đều đặn các hạn chế đối với việc bán chip công nghệ cao nhằm làm chậm sự đi lên của Trung Quốc.

Ủy ban châu Âu cũng đã trực tiếp tiến hành một cuộc điều tra về xe điện của Trung Quốc. Vào tháng 11, giám đốc ủy ban Ursula von der Leyen nói rằng “sự dư thừa năng lực trong các ngành công nghiệp được bảo hộ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường toàn cầu và có thể làm suy yếu cơ sở công nghiệp của chúng ta”.

Các quan chức cho biết Bắc Kinh đã cố gắng xoa dịu căng thẳng với Washington và những nước khác bằng cách chỉ ra rằng các công ty nước ngoài đều được chào đón. Ví dụ, hãng xe điện Tesla đã được hoan nghênh sản xuất tại Trung Quốc để bán trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, các công ty khác phàn nàn rằng thị trường Trung Quốc đang trở nên ít cởi mở hơn đối với hàng hóa do các công ty nước ngoài sản xuất, ngay cả khi việc sản xuất được thực hiện tại địa phương. Họ cho biết, một số lĩnh vực vẫn bị cấm đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở một góc độ khác, theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group, sự tăng trưởng nhanh chóng của ba ngành công nghiệp mới sẽ không thể bù đắp được sự sụt giảm của bất động sản và sản lượng ô tô chạy bằng khí đốt của Trung Quốc.

Những nhà kinh tế này cho rằng điều đó sẽ dẫn đến việc cắt giảm tăng trưởng kinh tế 0,5 điểm phần trăm mỗi năm từ năm 2023-2027 và ảnh hưởng đến việc làm ở thành thị.

Đăng Phạm

Theo Bloomberg

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-muon-thanh-dai-sieu-thi-the-gioi-au-my-chan-nhung-moi-nguy-20180504224293907.htm