'Trung Quốc mang tới cho Nga lối thoát nhưng không thể bù đắp được lỗ hổng châu Âu'

Tiến sĩ Michal Meidan, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết Trung Quốc khó có thể thay thế châu Âu như một thị trường xuất khẩu khí đốt có lợi nhuận cao của Nga.

Lỗ ròng lần đầu tiên sau 25 năm

“Ông lớn” năng lượng Gazprom, từng là công ty sinh lời nhiều nhất của Nga, có thể phải đối mặt với một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả khi phải vật lộn để lấp đầy khoảng trống doanh số bán khí đốt bị mất ở châu Âu bằng thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Công ty gần đây đã công bố khoản lỗ ròng hàng năm lần đầu tiên kể từ năm 1999 là 7 tỷ USD, sau sự sụt giảm mạnh trong thương mại với châu Âu.

Gazprom lỗ ròng gần 7 tỷ USD năm ngoái, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khí đốt với châu Âu lao dốc.

Gazprom lỗ ròng gần 7 tỷ USD năm ngoái, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khí đốt với châu Âu lao dốc.

Những rắc rối của Gazprom phản ánh tác động sâu sắc của các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với ngành khí đốt của Nga. Moscow đã dễ dàng ứng phó tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với xuất khẩu dầu vì Nga đã có thể chuyển hướng xuất khẩu dầu bằng đường biển sang các khách hàng khác nhưng với khí đốt thì không dễ dàng như vậy.

Châu Âu là thị trường nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga cho đến năm 2022, thời điểm trước khi chiến sự Ukraine nổ ra khiến EU công bố lệnh cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Gazprom.

Theo dữ liệu của Gazprom và tính toán của Reuters, Nga đã cung cấp tổng cộng khoảng 63,8 tỷ mét khối (bcm) khí đốt cho châu Âu bằng nhiều tuyến đường khác nhau vào năm 2022. Khối lượng tiếp tục giảm 55,6% xuống 28,3bcm vào năm ngoái.

Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với mức đỉnh 200,8bcm mà Gazprom bơm sang EU và các quốc gia khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2018.

Vụ nổ bí ẩn tại đường ống dẫn khí đốt dưới biển Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga đến Đức vào tháng 9/2022 cũng làm suy yếu đáng kể hoạt động buôn bán khí đốt của Nga với châu Âu.

Nga đã chuyển hướng dòng chảy khí đốt sang Trung Quốc khi tìm cách tăng doanh số bán khí đốt qua đường ống lên 100bcm/năm vào năm 2030. Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt qua đường ống cho Trung Quốc thông qua Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia) vào cuối năm 2019.

Hai bên có kế hoạch đạt công suất 38bcm/năm qua Sức mạnh của Siberia vào cuối năm nay, trong khi Moscow và Bắc Kinh năm 2022 cũng đặt ra kế hoạch về xuất khẩu 10bcm/năm từ đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương.

Hy vọng lớn nhất của Nga là đường ống Power of Siberia 2 đi qua Mông Cổ, dự kiến xuất khẩu 50bcm/năm. Nhưng điều đó đã gặp phải một số trở ngại do thiếu sự thống nhất về giá cả và các vấn đề khác.

Cho đến nay, Nga cũng đang gặp khó khăn trong việc thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, ý tưởng này được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra lần đầu tiên vào tháng 10/2022. Kể từ đó, không có tiến triển đáng kể nào được báo cáo.

Trung Quốc khó thay thế châu Âu

Bà Kateryna Filippenko, giám đốc nghiên cứu về khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Wood Mackenzie, cho biết: “Mặc dù Gazprom sẽ thấy một số doanh thu xuất khẩu bổ sung khi tất cả các đường ống đó đi vào hoạt động, nhưng họ sẽ không bao giờ có thể bù đắp hoàn toàn cho hoạt động kinh doanh đã mất vào tay châu Âu”.

Các chuyên gia nhận định rằng ngay cả khi Gazprom có thể vận hành đường ống cung cấp khí đốt sang Trung Quốc thì doanh thu bán hàng sẽ thấp hơn nhiều so với từ châu Âu.

Theo công ty môi giới BCS có trụ sở tại Moscow, doanh thu của Gazprom từ việc bán khí đốt sang châu Âu trong năm 2015-2019 đạt trung bình 3,3 tỷ USD mỗi tháng nhờ nguồn cung hàng tháng là 15,5bcm.

Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt qua đường ống cho Trung Quốc thông qua Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia) vào cuối năm 2019.

Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt qua đường ống cho Trung Quốc thông qua Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia) vào cuối năm 2019.

Nếu tính đến mức giá 286,9 USD/1.000m3, theo báo cáo của Bộ kinh tế Nga, và lượng xuất khẩu khí đốt của Gazprom là 22,7bcm vào năm ngoái, tổng giá trị khí đốt của công ty này bán cho Trung Quốc có thể đạt 6,5 tỷ USD trong cả năm 2023. .

Gazprom không tiết lộ riêng doanh thu bán hàng sang châu Âu hoặc Trung Quốc vào năm 2023.

Tiến sĩ Michal Meidan, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết Trung Quốc khó có thể thay thế châu Âu bằng Nga như một thị trường xuất khẩu khí đốt có lợi nhuận cao.

“Trung Quốc mang lại cho Nga một lối thoát nhưng với mức giá và doanh thu thấp hơn nhiều so với châu Âu”, bà Meidan cho hay.

Vào năm 2023, khí đốt qua đường ống của Nga được bán với giá 6,6 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) sang Trung Quốc và thấp hơn một chút so với quý I/2024 ở mức 6,4 USD/mmBtu.

Con số này được so sánh với mức giá trung bình của khí đốt Nga ở châu Âu là 12,9 USD/mmBtu vào năm ngoái.

Theo một tài liệu mà Reuters xem được vào tháng trước, Nga dự kiến giá khí đốt của họ bán cho Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm dần trong 4 năm tới, trong khi kịch bản xấu nhất không loại trừ khả năng giảm 45% xuống còn 156,7 USD/1.000m3 (khoảng 4,4 USD/1.000m3) vào năm 2027 so với năm 2023.

Họ không nói rõ điều gì có thể khiến giá giảm, nhưng Nga đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp khí đốt qua đường ống khác sang Trung Quốc, như Turkmenistan, cũng như khí tự nhiên hóa lỏng vận chuyển bằng đường biển.

Báo cáo tài chính của Gazprom, bao gồm cả các đơn vị dầu và điện, cho thấy doanh thu từ kinh doanh khí đốt tự nhiên đã giảm hơn một nửa vào năm ngoái, chỉ còn hơn 3,1 nghìn tỷ rúp, trong khi doanh số bán khí ngưng tụ từ dầu và khí đốt lên tới 4,1 nghìn tỷ rúp, tăng 4,3%, theo công ty môi giới BCS.

Ông Alexei Belogoriyev thuộc Viện Năng lượng và Tài chính có trụ sở tại Moscow cho biết Gazprom sẽ không thể khôi phục lợi nhuận nếu chỉ dựa vào hoạt động kinh doanh khí đốt của mình.

Ông cho biết việc chuyển đổi chiến lược sang sản xuất và xuất khẩu amoniac, metanol và các sản phẩm xử lý khí khác cho Gazprom là có thể, nhưng nó sẽ không mang lại lợi nhuận nhanh chóng.

Ông nói: “Đồng thời, triển vọng của Power of Siberia 2 vẫn còn mơ hồ: Trung Quốc rất có thể sẽ không cần nhập khẩu thêm nhiều như vậy vào những năm 2030 do tốc độ tăng trưởng nhu cầu có thể chậm lại và tỷ lệ sản xuất khí đốt trong nước cao”.

Vy Ba

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-mang-toi-cho-nga-loi-thoat-nhung-khong-the-bu-dap-duoc-lo-hong-chau-au-d110675.html