Trung Quốc: Lý do nhiều cha mẹ 'cậy nhờ' ứng dụng hẹn hò

Khi tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm, ngành công nghiệp ứng dụng hẹn hò của Trung Quốc đánh vào sự lo lắng ngày càng tăng của các bậc cha mẹ.

Các cặp đôi đến thăm Triển lãm cưới Thâm Quyến vào tháng 3 năm 2023

Các bậc cha mẹ Trung Quốc đang chuyển sang một loạt các dịch vụ mai mối trực tuyến mới, nơi họ có thể tạo hồ sơ hẹn hò và thiết lập những cuộc hẹn hò đầu tiên cho những đứa con chưa lập gia đình của họ.

Hơn 1,5 năm qua, bà Wang Xiangmei, một công nhân đã nghỉ hưu ở Chiết Giang, Trung Quốc, đã sử dụng ba ứng dụng hẹn hò khác nhau để tìm kiếm một người chồng hoàn hảo - không phải cho bản thân mà cho cô con gái 28 tuổi của mình. Trên các ứng dụng, bà Wang, 52 tuổi, đặt ra những tiêu chí cho chàng rể tương lai như: có bằng cử nhân, cao ít nhất 1m73, dưới 33 tuổi, gia đình khá giả, nhân thân tốt, gia đình có truyền thống thương yêu đùm bọc nhau...

Bà Wang tin rằng con gái mình cần gấp một người bạn trai trước khi tất cả những người đàn ông tốt đều bị phụ nữ khác chộp lấy. Cũng theo bà Wang, cô con gái cũng phải sinh con khi bà đủ khỏe để giúp nuôi nấng những đứa trẻ. Tuy nhiên, đến nay, cô con gái FA của bà chưa có động tĩnh gì khiến bà quyết định tự mình giải quyết vấn đề.

Các bậc cha mẹ tuyệt vọng ở Trung Quốc như Wang đang chuyển sang một loạt các nền tảng mai mối trực tuyến mới như Vợ chồng rể hoàn hảo, Mai mối xây dựng gia đình và Mai mối cho cha mẹ, qua đó, các phụ huỳnh tạo hồ sơ để quảng cáo con cái của họ với những người cầu hôn tiềm năng — đôi khi không có sự đồng ý của con cái họ. Sau khi đã mai mối, bố mẹ sẽ làm quen với nhau trước.

Trên các ứng dụng mai mối, các bậc cha mẹ quảng cáo những đứa con chưa lập gia đình của mình cho các bậc cha mẹ khác bằng cách liệt kê tuổi, chiều cao và thu nhập của những đứa trẻ.

Mặc dù các cuộc hôn nhân sắp đặt đã trở nên hiếm hơn ở Trung Quốc, các bậc cha mẹ ở quốc gia này vẫn sắp đặt cho con cái họ những người bạn đời tiềm năng — thường thông qua những người mai mối chuyên nghiệp hoặc tại các chợ hôn nhân. Những năm gần đây, khi tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm, các bậc cha mẹ lo lắng ngày càng gây áp lực cho con cái của họ - thường là con một do chính sách một con trước đây của Trung Quốc - kết hôn, sinh con và nối dõi tông đường.

Ngành công nghiệp ứng dụng hẹn hò của Trung Quốc đã đánh vào sự lo lắng ngày càng tăng của các bậc cha mẹ bằng cách cung cấp dịch vụ mai mối trực tuyến. Nhiều phụ huynh đã tìm ra các ứng dụng mai mối thông qua quảng cáo trên ứng dụng Douyin - một sản phẩm anh em với TikTok. Người dùng phải trả phí đăng ký để xem hồ sơ và mở khóa thông tin liên hệ. Ví dụ, một gói đăng ký cơ bản trên ứng dụng Perfect In-Laws có mức giá trọn đời 1.299 nhân dân tệ Trung Quốc (181 USD).

Theo thống kê, không rõ có bao nhiêu phụ huynh đang sử dụng các ứng dụng mai mối. Ứng dụng mai mối của công ty trò chơi Perfect World tuyên bố có hơn 2 triệu người dùng và đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 53.000 cuộc hôn nhân kể từ khi ra mắt vào năm 2020. Còn ứng dụng của gã khổng lồ hẹn hò trực tuyến Zhenai.com cũng tự hào có hàng triệu người dùng.

So với các ứng dụng hẹn hò nhắm đến giới trẻ, như Tinder hay Momo, nền tảng hẹn hò lớn nhất Trung Quốc, các ứng dụng mai mối dành cho phụ huynh mới chú trọng nhiều hơn đến vấn đề tài chính của người dùng. Thông tin như mức lương, quyền sở hữu xe hơi và tài sản, và nơi làm việc (khu vực nhà nước hoặc tư nhân) được hiển thị nổi bật trên hồ sơ người dùng.

Nền tảng Mai mối cho phụ huynh cũng tổ chức các buổi phát trực tiếp hàng ngày, nơi các bậc cha mẹ gọi điện để thảo luận về hồ sơ của con cái họ với một người mai mối chuyên nghiệp.

Sybil Wu không chia sẻ sự nhiệt tình của mẹ cô đối với quá trình mai mối. Mẹ cô, tuổi 50 và đến từ tỉnh Chiết Giang, đã trả 299 nhân dân tệ (42 USD) cho gói đăng ký một năm trên Parent Matchmaking. Lúc đầu, bà ấy chỉ chơi ứng dụng cho vui, nhưng sớm nhận ra thực sự có thể tìm được ai đó cho cô con gái đang học cao học ở Bắc Kinh. Tiêu chuẩn của mẹ Sybill Wu rất khắt khe: phải đẹp trai, cao ít nhất 175 cm, sinh trước năm 1999, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ và sở hữu một căn hộ.

Sau khi tìm được đối tác tương lai, mẹ của Wu và nhà bạn trai kia đang thảo luận về kế hoạch nghề nghiệp của các con và trao đổi ảnh của chúng trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Một số phụ huynh đã hỏi mẹ cô liệu Wu có từng học tại các trường trung học hàng đầu hay không. Những người khác nói họ chỉ muốn những cô gái còn trinh - một yêu cầu mà mẹ cô không chấp nhận.

Wu cho biết đã nhắn tin trò chuyện với người đàn ông mà mẹ cô ấy tìm thấy thông qua ứng dụng, nhưng mối quan hệ không thành. Theo Wu, “Không đời nào thành công. Đó hoàn toàn là việc cha mẹ lựa chọn bố mẹ chồng yêu thích của họ.”

Mâu thuẫn về các ứng dụng mai mối này cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa cách nhìn của những người trẻ tuổi và cha mẹ của họ về hôn nhân. Kailing Xie, trợ lý giáo sư tại Đại học Birmingham, người nghiên cứu về hôn nhân và giới tính ở Trung Quốc, cho biết vì giới trẻ Trung Quốc thường dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ để mua tài sản và nuôi dạy con cái nên cha mẹ muốn đảm bảo con cái họ kết hôn để phục vụ lợi ích tốt nhất của gia đình. Với chính sách một con trước đây của Trung Quốc, nhiều cha mẹ ngày càng thêm lo lắng. “Việc của con cái cũng là việc của cha mẹ vì chúng thường được coi là niềm hy vọng duy nhất của gia đình,” Xie nói.

Nhưng cha mẹ và con cái đôi khi có những kỳ vọng khác nhau về những điều mà hôn nhân nên mang lại. “Các bậc cha mẹ đang cố gắng kiểm soát quá trình lựa chọn dựa trên các tiêu chuẩn vật chất,” Xie nói, “trong khi thế hệ trẻ có thể quan tâm nhiều hơn đến sự thân mật với người khác.”

Trái ngược với thế hệ cha mẹ của họ, những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ sinh vào những năm 1990 và 2000, ngày càng chọn kết hôn muộn hơn. Năm nay, tỷ lệ kết hôn giảm xuống mức thấp nhất chưa từng có trong hơn ba thập kỷ. Theo một cuộc khảo sát thực hiện vào năm 2021, khoảng 44% phụ nữ trẻ thành thị ở Trung Quốc được hỏi cho biết không có kế hoạch kết hôn, trong đó nhiều người lo lắng về chi phí tài chính để nuôi nấng gia đình.

Elaine Yang, con gái của Wang Xiangmei, hiện là giáo viên ở thành phố Hàng Châu, cho biết đôi khi cô tranh cãi với mẹ qua điện thoại vì bà không ngừng gây áp lực buộc cô phải kết hôn sớm. Yang nói rằng mặc dù cô đồng cảm với áp lực xã hội mà mẹ cô phải chịu đựng khi có một cô con gái chưa chồng, nhưng hiện tại, cô hạnh phúc với cuộc sống độc thân.

Bất chấp sự phản đối của Yang, mẹ cô đang lên kế hoạch đăng ký các ứng dụng mai mối và sắp xếp cho những người mai mối trực tuyến sắp xếp ngày cho cô. “Tôi không biết những người trẻ tuổi ngày nay có vấn đề gì,” Wang nói. “Tôi đã có con khi tôi 25 tuổi.”

(Theo RoW)

Tuấn Hùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-ly-do-nhieu-cha-me-cay-nho-ung-dung-hen-ho-238103.html