Trung Quốc lo ngại giá thép tăng ảnh hưởng tới tái cân bằng tăng trưởng kinh tế

Giá thép của Trung Quốc đang gia tăng và Chính phủ nước này đang lo lắng về việc đạt được sự cân bằng trên thị trường.

Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa trong ngành thép, khi chính phủ tìm cách để tăng trưởng kinh tế không còn quá phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng và sản xuất. Sự cắt giảm sản lượng này cũng đến vào lúc Mỹ và châu Âu liên tục bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc bán thép thừa với giá thấp trên thị trường toàn cầu, làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở nơi khác.

Trung Quốc lo ngại giá thép tăng sẽ ảnh hưởng tới tái cân bằng tăng trưởng kinh tế

Vào tháng 3, chính phủ đã công bố kế hoạch cắt giảm 50 triệu tấn thép trong năm nay nhằm giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế dư thừa nguồn cung. Các chuyên gia nói rằng viễn cảnh về nguồn cung hạn chế đang đẩy giá lên cao, dẫn đến các nhà chức trách lo ngại về sự biến động của thị trường. Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ thép hàng đầu thế giới, vì vậy giá cao hơn sẽ tạo ra lợi nhuận tốt hơn cho ngành công nghiệp, nhưng cũng đồng nghĩa với chi phí gia tăng cho các ngành như xây dựng vốn sử dụng nhiều thép.

Chính phủ đang triệu tập các cuộc họp tuần này với các nhà quản lý và giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp thép khi giá thép đã tăng cao, theo Reuters, trích dẫn một nguồn tin từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, đây là một tình huống khó khăn: khắc phục tình trạng dư thừa thép, tái cân bằng tăng trưởng kinh tế, kiểm soát ô nhiễm môi trường và đồng thời quản lý sự biến động của thị trường - đặc biệt là trước sự xáo trộn trong giới lãnh đạo vào mùa thu này.

Theo số liệu của Reuters, tính đến thời điểm này, giá thanh cốt thép kỳ hạn đã tăng mạnh trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải - hợp đồng tháng 9 năm 2017 đã tăng 40% và hiện đang ở mức 4131 nhân dân tệ/tấn.

Ngay cả vào thứ 2, giá thép cán nóng, một sản phẩm thép quan trọng đã tăng 5% sau khi tỉnh Hà Bắc công bố các biện pháp mới nhằm cắt giảm sản xuất thép xuống còn một nửa công suất trong những tháng mùa đông, các chuyên gia phân tích của Nomura cho biết. Hà Bắc chiếm gần ¼ tổng sản lượng thép của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Về lâu dài, các nhà phân tích và các công ty dự báo giá thép cao sẽ được duy trì khi việc cắt giảm được tiếp tục. Uớc tính tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 5 đến 10%, theo Nomura. Xuất khẩu thép của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, sau khi đã giảm trong tháng 7, Charles Bradford, chuyên gia phân tích kim loại và chủ tịch của Bradford Research cho biết.

"Sản lượng thép của Trung Quốc đôi khi bị cắt giảm tạm thời để giải quyết vấn đề môi trường, nhưng chúng tôi cho rằng việc cắt giảm sản lượng bằng các biện pháp mới nhất sẽ là đáng kể so với các lần khác”, các chuyên gia phân tích của Nomura viết.

Đối với ngành thép, đó là tin tốt khi nói đến doanh thu cao hơn, đặc biệt là sau khi sự tăng trưởng kinh tế sút kém của Trung Quốc đã khiến ngành công nghiệp này phải cắt giảm vốn đầu tư và việc làm.

S&P Global cho biết họ mong đợi Tata Steel của Ấn Độ sẽ có lợi nhuận tốt trong những tháng còn lại của năm. Ngành thép của Nhật Bản cũng đang chứng kiến sự gia tăng về lợi nhuận xuất khẩu. Và ngành thép của Hàn Quốc cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ khi có ít thép xuất khẩu của Trung Quốc hơn - nước này là một thị trường xuất khẩu thép chính của Trung Quốc, và các công ty tại Hàn Quốc đã cạnh tranh rất quyết liệt với Trung Quốc.

Theo Cẩm Anh/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/trung-quoc-lo-ngai-gia-thep-tang-anh-huong-toi-tai-can-bang-tang-truong-kinh-te-212441/