Trung Quốc lập cơ quan hỗ trợ khu vực tư nhân

Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ thành lập một cơ quan mới để hỗ trợ khu vực tư nhân. Đây là động thái nhằm củng cố niềm tin đang lung lay của các doanh nhân trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt hàng loạt khó khăn do nhu cầu trong và ngoài nước ảm đạm.

Người tìm việc tham gia một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, Trung Quốc hồi tháng 4. Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra phần lớn việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: Getty

Người tìm việc tham gia một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, Trung Quốc hồi tháng 4. Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra phần lớn việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: Getty

Hôm 4-9, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo thành lập một văn phòng để điều phối các chính sách giữa các cơ quan chính phủ khác nhau nhằm giúp phát triển khu vực tư nhân, nơi tạo ra hầu hết việc làm mới và sự năng động kinh tế.

Zhang Shixin, một quan chức cấp cao của NDRC, cho biết văn phòng mới sẽ được giao nhiệm vụ giám sát nền kinh tế tư nhân của đất nước và thiết lập các kênh liên lạc thường xuyên với các doanh nghiệp tư nhân.

Một loạt gói chính sách tung ra kể từ tháng 7 cho thấy Bắc Kinh đang cấp bách hỗ trợ những doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn của Trung Quốc và ngăn chặn những rủi ro mang tính hệ thống trong nền kinh tế.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm kéo dài trên thị trường chứng khoán, các cơ quan quản lý quyết định giảm một nửa thuế trước bạ đối với giao dịch chứng khoán, đồng thời hạn chế các cổ đông lớn bán cổ phần. Họ cũng nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà. Trong khi đó, các ngân hàng của Trung Quốc cắt giảm lãi suất tiền gửi để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.

Một số nhà kinh tế cho rằng, Bắc Kinh vẫn chưa hành động đủ mạnh để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và cần có gói biện pháp kích thích lớn hơn, rộng hơn để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Đầu tư của khu vực tư nhân Trung Quốc giảm 0,5% trong 7 tháng đầu năm, mạnh hơn mức giảm 0,2% trong nửa đầu năm.

“Rất hiếm khi chính phủ Trung Quốc thành lập cơ quan chuyên trách về một lĩnh vực nào đó” Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và là nhà kinh tế trưởng của Jones Lang LaSalle, nói.

Tuy nhiên, không giống như văn phòng dữ liệu quốc gia mới thành lập gần đây, cũng nằm dưới sự giám sát của NDRC, văn phòng mới sẽ không có quan chức nào ngang hàm thứ trưởng. Điều này cho thấy văn phòng này khó có thể trở thành một cơ quan có ảnh hưởng lớn về chính sách trong bộ máy hành chính rộng lớn của chính phủ Trung Quốc từ lâu dành sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nhà nước hùng mạnh của đất nước.

Zerlina Zeng, nhà phân tích cấp cao về nợ doanh nghiệp Trung Quốc của CreditSights, cho biết, ông không rõ liệu văn phòng mới có thể tác động đến chương trình nghị sự của các cơ quan chính phủ khác hay không vì họ có những ưu tiên khác nhau.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, nhận định văn phòng mới không đủ vực dậy niềm tin ở khu vực tư nhân.

“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải thực hiện các hành động cụ thể trên hai mặt trận: gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn tới các công ty tư nhân và làm cho quá trình phục hồi ở thời kỳ hậu Covid của Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và bền vững hơn”, ông nói.

Bắc Kinh đang báo hiệu lập trường chính sách ủng hộ doanh nghiệp hơn, khi các quan chức liên tục nhấn mạnh, cả khu vực tư nhân và nhà nước, đều đóng góp vai trò quan trọng không thể thiếu đối với nền kinh tế, giống như đôi cánh của một con chim.

Thông điệp đó được đưa ra sau một chiến dịch siết chặt quản lý kéo dài hai năm, chủ yếu nhắm vào các công ty internet tiêu dùng, lĩnh vực gia sư và bất động sản, cũng như các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát Covid-19, khiến đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.

Bắc Kinh dường như cũng đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư, một đòn bẩy chính sách được đánh giá cao từ lâu. Cơ quan quản lý ở nhiều tỉnh và khu vực đã hạ thấp rào cản xét duyệt và triển khai các khoản trợ cấp để thu hút đầu tư mới.

Cong Liang, Phó Chủ tịch NDRC, cho biết, một số chính quyền địa phương cũng đã thu hẹp quy mô thực thi quy định quản lý cũng như tìm cách thiết lập hệ thống quản lý “thận trọng” đối với giới doanh nghiệp.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ khối tư nhân trong các ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với nhà nước, như sản xuất trang thiết bị cao cấp, năng lượng tái tạo và nông nghiệp.

“Những tuyên bố mạnh mẽ về việc tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân là điều đáng khích lệ. Nhưng Bắc Kinh cần đưa các biện pháp cụ thể và khung pháp lý dễ dự đoán, dựa trên quy tắc và được truyền đạt tốt hơn, trước khi doanh nghiệp tư lấy lại niềm tin để vay tiền và đầu tư”, Zerlina Zeng, nhà phân tích của CreditSights, nói.

Theo WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-lap-co-quan-ho-tro-khu-vuc-tu-nhan/