Trung Quốc khẳng định nền kinh tế 'kiên cường', bác bỏ lo ngại của phương Tây

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết nền kinh tế nước này vẫn kiên cường và chưa sụp đổ, bác bỏ tuyên bố từ phương Tây rằng kinh tế đang suy thoái và có thể gây ra nhiều vấn đề lớn hơn.

Các quan chức từ các nước trong đó có Australia và Mỹ đã công khai bày tỏ quan ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi tình hình kinh tế của Trung Quốc là một “cuộc khủng hoảng”, trong khi Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại có thể gây áp lực lên đất nước chuột túi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning tham dự cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26 tháng 7 năm 2023. Ảnh: Reuters.

Mao Ning, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Có vẻ như thỉnh thoảng sẽ có nhiều giả thuyết khác nhau về tình hình kinh tế Trung Quốc. Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa sụp đổ".

Bà cho biết nền kinh tế thứ hai thế giới có tiềm năng lớn và các nguyên tắc cơ bản của sự cải thiện lâu dài không thay đổi.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau ba năm chịu áp lực vì Covid-19 đã mất đà sau khởi đầu nhanh chóng trong quý đầu tiên, do chi tiêu tiêu dùng yếu và suy thoái tài sản ngày càng trầm trọng.

Các nhà phân tích được Reuters thăm dò cho biết nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,0% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo 5,5% trong cuộc khảo sát tháng 7.

Ngày 17/7, báo Nikkei đưa tin tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 của nền kinh tế Trung Quốc đạt 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo 7,3% được đưa ra trước đó.

Động lực chính cho mức tăng trưởng này của Trung Quốc là du lịch nội địa. Người dân thành thị đã chi tới 280 tỷ USD trong nửa đầu năm để đi du lịch, trong khi chi tiêu du lịch người dân nông thôn cũng tăng 40%. Một điểm sáng khác là sản xuất công nghiệp đang phục hồi dần. Tuy nhiên, tiêu dùng và xuất khẩu đang ghi nhận những dấu hiệu không mấy tích cực.

Trong khi đó, bán lẻ tháng 6 chỉ tăng 3,1%, giảm mạnh so với con số 12,7% của tháng 5. Sức cầu tiêu dùng yếu đang gây lo ngại về nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế khi lạm phát của nước này đang tiến sát 0%. Trong khi xuất khẩu Trung Quốc giảm sâu nhất 3 năm.

Cuối cùng là con số thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 24 tiếp tục tăng cao kỷ lục, đạt 21,3%.

Các chuyên gia cho rằng, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại, trong bối cảnh Bắc Kinh đến nay vẫn do dự về phương án đưa ra gói kích thích quy mô lớn hơn.

Khánh Vy (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-khang-dinh-nen-kinh-te-kien-cuong-bac-bo-lo-ngai-cua-phuong-tay-post264421.html