Trung Quốc giảm phụ thuộc vào sắt nhập từ Australia và Brazil nhờ châu Phi?

Trung Quốc đang triển khai một số dự án quặng sắt ở châu Phi như một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm giảm phụ thuộc nguồn cung khoáng sản từ Australia và Brazil.

Sierra Leone, quốc gia nhỏ bé trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi, là một phần trong tham vọng lớn của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào Australia và Brazil đối với quặng sắt.

Hơn 80% quặng sắt của Trung Quốc đến từ Australia và Brazil nhưng Bắc Kinh muốn giảm thiểu rủi ro cho nguồn cung đó. Và quốc gia Tây Phi này, cùng với các quốc gia khác bao gồm Guinea, Liberia, Cameroon và Congo-Brazzaville, chính là chìa khóa để biến điều đó thành hiện thực.

Các nước châu Phi như Sierra Leone nắm giữ chìa khóa giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào Australia và Brazil về quặng sắt. (Ảnh: EPA-EFE)

Tại tỉnh phía bắc Sierra Leone, Công ty Kim loại Leone Rock (thuộc Tập đoàn năng lượng kim loại và khai thác Trung Quốc China Kingho) đang xây dựng một nhà máy chế biến quặng sắt 12 triệu tấn tại mỏ quặng sắt Tonkolili, với chi phí 230 triệu USD. Mỏ Tonkolili ước tính có 13,7 tỷ tấn quặng sắt.

Trong khi đó, ở nước láng giềng Guinea, sau 27 năm trì hoãn, các nhà đầu tư Trung Quốc cùng với "gã khổng lồ khai thác mỏ Anh - Australia" Rio Tinto đang trên đà thực hiện lô hàng đầu tiên từ mỏ quặng sắt Simandou vào năm tới. Simandou có trữ lượng quặng sắt chất lượng cao chưa được khai thác lớn nhất thế giới.

Điều này diễn ra sau khi Quốc hội Guinea, Hội đồng Chuyển đổi Quốc gia, bỏ phiếu thông qua các luật phê chuẩn thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD, bao gồm cả việc khai thác quặng sắt, xây dựng đường sắt và cảng biển. Các thực thể do nhà nước Trung Quốc sở hữu, bao gồm Tập đoàn sản xuất thép Baowu, cũng đã đồng ý đầu tư vào dự án khổng lồ có công suất sản xuất hàng năm là 120 triệu tấn này.

Các công ty Trung Quốc cũng đang đầu tư vào dự án Mbalam - Nabeba, dự án này sẽ khai thác các mỏ quặng sắt lớn nằm trên biên giới giữa Cameroon và Congo - Brazzaville ở Trung - Tây Phi.

Ngoài ra, ở Algeria, một liên hiệp các công ty Trung Quốc đang đầu tư vào mỏ quặng sắt Gara Djebilet nằm ở tỉnh Tindouf, phía tây Algeria. Trong khi tại Liberia, Baowu đã vận chuyển lô hàng sắt đầu tiên từ dự án Bomi hàng đầu của mình vào tháng 12/2023.

Đây chỉ là một trong số các dự án khai thác quặng ở châu Phi, mà các nhà quan sát cho rằng là một phần của "Kế hoạch nền tảng" quặng sắt của Trung Quốc, nhằm mục đích giải quyết lỗ hổng trong sự phụ thuộc vào Australia và Brazil đối với nguồn tài nguyên này.

Liz Gao, nhà phân tích cấp cao về quặng sắt tại Công ty tư vấn hàng hóa CRU Group, nhấn mạnh đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi nhằm mục đích đa dạng hóa các nhà cung cấp quặng sắt.

“Các khoản đầu tư khổng lồ ở nước ngoài là một phần trong mục tiêu lâu dài của Trung Quốc, nhằm nâng cao vị thế của mình trong thị trường quặng sắt toàn cầu bằng cách nắm giữ cổ phần lớn hơn trong nguồn cung quặng sắt ở nước ngoài”, Gao nói. "Hiện tại, chúng tôi ước tính rằng có khoảng 5% nguồn cung quặng sắt toàn cầu thuộc sở hữu của Trung Quốc".

Bà Liz Gao cho biết thêm, phần lớn vật liệu này là nguồn cung cấp có chi phí cao nhất trên thế giới. "Do đó, thật dễ hiểu khi các nhà máy thép Trung Quốc theo đuổi những tài sản có tính cạnh tranh hơn, chẳng hạn như Simandou".

Lauren Johnston, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney, đồng quan điểm rằng các khoản đầu tư vào châu Phi cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc giảm thiểu rủi ro cho nguồn cung quặng sắt.

"Đặc biệt, Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào Australia, nhà cung cấp lớn nhất của Bắc Kinh", bà Lauren Johnston nói.

Theo Johnston, mặc dù sự bùng nổ xây dựng bất động sản và cơ sở hạ tầng đại chúng của Trung Quốc đang giảm dần, nhưng nước này vẫn nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy sản xuất có giá trị gia tăng cao.

Bà nói: “Kế hoạch này sẽ được đáp ứng tốt bởi quặng sắt chất lượng cao nhất trên hành tinh, được tìm thấy ở mỏ Simandou của Guinea”.

Lễ khánh thành nhà máy chế biến quặng sắt tại mỏ Tonkolili của Tập đoàn Kim loại Leone Rock. (Ảnh: SCMP)

Gyude Moore, cựu bộ trưởng Liberia, hiện là nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington, cho biết Bắc Kinh không muốn từ bỏ vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới. “Rõ ràng Trung Quốc có ý định duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất thép và đây có thể là một phần trong cách Trung Quốc ứng phó với tình trạng tăng trưởng chậm lại”.

Moore cho rằng với sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc, nước này đang bù đặp bằng việc tăng gấp đôi hoạt động sản xuất.

Ông nói: "Việc tiếp cận khoáng sản và các đầu vào sản xuất khác có thể là một phần trong kế hoạch của họ".

Chuyên gia cũng lưu ý mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia. Mặc dù là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc nhưng Austraila cũng là đối tác an ninh của Mỹ. Do đó, việc đa dạng hóa nguồn cung cấp có cả yếu tố về kinh tế và an ninh quốc gia.

"Châu Phi tương đối thân thiện với Trung Quốc và có thể hình dung rằng các nguồn cung của châu Phi là sự thay thế hoặc dự phòng tốt cho nguồn cung của Australia", ông Moore cho hay.

Mối quan hệ của Trung Quốc với Australia trở nên xấu đi vào năm 2020 khi chính phủ cựu Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19. Còn Bắc Kinh áp thuế đối với một số sản phẩm của Australia bao gồm rượu vang, lúa mạch, hải sản và thịt.

Mối quan hệ dịu bớt phần nào sau khi Thủ tướng Anthony Albanese lên nắm quyền vào năm 2022.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-quoc-giam-phu-thuoc-vao-sat-nhap-tu-australia-va-brazil-nho-chau-phi-ar859247.html