Trung Quốc dùng kinh tế ở Malaysia: Đá cản đường

Nhiều lo ngại về việc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật kinh tế đặc biệt dùng cho các nước Đông Nám Á để hiện thực tham vọng Biển Đông.

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad - người có công trong việc đưa Malaysia trở thành một con hổ kinh tế ở Đông Nam Á lo ngại về những đồng tiền Trung Quốc trong các khoản vay sẽ kéo tụt kinh tế nước này.

Theo ông Mohamad, "củ cà rốt" kinh tế của Trung Quốc sẽ đẩy Malaysia nói riêng và nhiều quốc gia ASEAN nói chung ngày càng xa rời các giá trị truyền thống của mình - sự độc lập tự chủ và đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN về các vấn đề liên quan tới quốc gia thành viên và cả tổ chức là đại diện trong khu vực.

“Chúng ta tạo ra ASEAN là để giải quyết những xung đột trong khu vực. Nhưng nếu chúng ta không xem xét đến ý kiến của những nước xung quanh, những mâu thuẫn trong việc giải quyết vấn đề này sẽ ngày càng phát sinh”- ông nói.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ảnh: Wall Street Journal

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ảnh: Wall Street Journal

Ông Mahathir chỉ rõ rằng Trung Quốc đang cố chia rẽ nội khối, làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực.

Đây rõ ràng là toan tính tách rời từng “chiếc đũa” khỏi “bó đũa” ASEAN.

Bởi Bắc Kinh muốn giải quyết vấn đề về yêu sách chủ quyền vô lý của nước này trên Biển Đông theo cách riêng rẽ giữa họ và các nước liên quan hơn là ASEAN với tư cách là tổ chức đại diện của khu vực.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới đã tạo điều kiện cho Trung Quốc dư dả tiền bạc để tung ra những dự án tài trợ “khó cưỡng” với không ít quốc gia ASEAN.

Một trong những hậu họa nguy hiểm nhất như cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir lên tiếng cảnh báo là sự lệ thuộc, mà một khi đã lệ thuộc thì thật khó để có tiếng nói và quan điểm thể hiện độc lập, tự chủ của quốc gia.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad hiện đang giữ chức Chủ tịch Đảng Parti Pribumi Bersatu Malaysia (PPBM) đã bày tỏ lo lắng sự lệ thuộc của nước này trong cuộc họp ban lãnh đạo đảng diễn ra 1 ngày sau chuyến thăm của đương kim Thủ tướng Malaysia sang Trung Quốc và nhận lại các thỏa thuận kinh tế trị giá lên tới 34,4 tỷ USD.

Không chỉ cựu Thủ tướng Malaysia mà Lãnh đạo đảng Hành động Dân chủ đối lập Ong Kian Ming mặc dù tin rằng, chuyến thăm Trung Quốc của ông Najib không nên xem là chuyện khác thường, nhưng ông vẫn lo ngại:

"Các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến kinh phí, chẳng hạn như các khoản vay để xây dựng tuyến đường sắt ven biển phía Đông có thể đi kèm điều kiện buộc Malaysia ủng hộ Trung Quốc nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông.

Mặt khác, tôi đang lo các khoản vay sẽ đi kèm với những điều kiện như ưu tiên nhà thầu Trung Quốc, trong khi đấu thầu công khai thực hiện các công việc của dự án này mới phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi."

Theo nhận định của nhà kinh tế học PK Basu nhận định, Malaysia đang cố gắng thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, điều này là tốt cho cả hai song về lâu dài Kuala Lumpur có thể bị buộc đứng về một phía trong các vấn đề chung của ASEAN.

“Malaysia có thể thử chơi bài lưỡng lự với Mỹ và Trung Quốc để đạt được những lợi ích khả dĩ, nhưng nếu Malaysia nghiêng hẳn về một bên, quốc gia này sẽ phải đối mặt với những nước còn lại”, ông Basu nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - ASEAN.

Trong khi đó, không phải chỉ có Malaysia mà cả Philippines hay Campuchia cũng đang có các dấu hiệu tách khỏi tập thể ASEAN trong giải quyết các vấn đề chung.

Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để ngỏ chính sách “xoay trục” rời bỏ quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ để chuyển sang tăng cường hợp tác với Trung Quốc được cho là có tác động rất lớn từ lý do kinh tế, thể hiện qua chuyến công du “bội thu” của ông Duterte đến Bắc Kinh với các hợp đồng kinh tế tới 13,5 tỷ USD.

Trước đó, Campuchia cũng đưa ra các quyết định khó hiểu trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng cách không đồng ý với tuyên bố chung của ASEAN với Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi đầu năm nay.

Việc có quá nhiều các cảnh báo về việc Trung Quốc "bỏ kẹo trong túi" và đi vòng quanh Đông Nam Á để chia rẽ nội khối gây tác động tới chủ quyền Biển Đông khiến cho nhiều người tin rằng, Trung Quốc không dễ mà thực hiện tiếp chiêu thức này.

Đặc biệt, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chững lại và gặp nhiều vấn đề nội tại phải giải quyết do chính sách tái cơ cấu cũng cần rất nhiều tài chính.

Vì thế, ngày càng rõ ràng hơn, đằng sau những thỏa thuận cho vay hoành tráng rất có thể là những công nghệ lạc hậu và ô nhiễm, những doanh nghiệp tìm cách chây ỳ và tăng giá, kéo theo lao động Trung Quốc tràn sang lập làng, lập phố.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-dung-kinh-te-o-malaysia-da-can-duong-3322319/