Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến vào đội Hải giám

Trung Quốc vừa bàn giao thêm 2 tàu khu trục và 9 tàu hải quân mới nâng cấp cho hạm đội tuần dương của mình trong một nỗ lực mà nước này cho là để bảo vệ chủ quyền lãnh hải trong tranh chấp với Nhật Bản và một số quốc gia láng giềng khác.

-

Bắc Kinh đã nâng cấp các tàu hải quân trên và bàn giao chúng cho lực lượng tuần duơng nhằm “lấp đầy sự thiếu hụt tàu sử dụng để bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia”, Tờ Tencent viện dẫn các nguồn tin Trung Quốc cho hay.

Trung Quốc đang luẩn quẩn trong các cuộc tranh chấp lãnh hải xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản cũng như các mối căng thẳng trong tranh chấp trên Biển Đông với các quốc gia láng giềng khác.

Bắc Kinh đã cử nhiều tàu hải giám tới các vùng lãnh hải xung quan các quần đảo trên Biển Hoa Đông mà nước này gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkakukể từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo này hồi tháng 9 vừa qua.

Hai con tàu khu trục mới nâng cấp cho hạm đội hải giám Trung Quốc này, một chiếc sẽ được triển khai ở Biển Đông và một chiếc sẽ được triển khai ở biển Hoa Đông cùng với các tàu kéo, tàu phá băng và tàu tuần dương khác.

Tuy nhiên, không rõ đây có phải lần đầu tiên hạm đội hải giám Trung Quốc được trang bị tàu khu trục hay không.

Thông tin trên được đăng tải đầu tiên trên trang International Herald Leader, một tờ báo bằng tiếng Trung liên kết với hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã của nước này.

Tác giả bài báo trên – ông Yu Zhirong cho biết, từ năm 2000 đến nay, hạm đội tuần duyên của Trung Quốc, với nhiệm vụ “bảo vệ lợi ích quốc gia và thực thi các nhiệm vụ hành pháp” đã tiếp nhận tổng cộng 13 tàu mới.

Tác giả cho biết rằng, trước khi những tranh chấp lãnh hải “nóng lên”, hàng ngày hạm đội này chỉ sử dụng 6 con tàu để thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên, con số đó đến nay đã tăng lên 10. Ông cũng thêm rằng, chính quyền Trung Quốc dự kiến sẽ phát triển thêm 26 tàu giám sát hải quân trong năm 2015.

Ông viết: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ phát triển và sắm thêm nhiều tàu chiến và máy bay với những tính năng ưu việt và các thiết bị tối tân trong tương lai gần”.

Nhật Bản liên tiếp bắt giữ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải

Trong một diễn biến liên quan khác, hôm nay (31/12), hai tàu chính phủ của Trung Quốc thâm nhập vào vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, một trong hai con tàu này đã đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp giữa hai nước vào khoảng 12h32 trưa (giờ địa phương) ngày 31/12, còn con tàu thứ 2 bị bắt giữ sau đó 20 phút.

Hai con tàu này bị máybay của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang tuần tra trong khu vực trên phát hiện.

Tuy nhiên, thông tin trên chưa được chính phủ Nhật Bảnhay Trung Quốc chính thức xác nhận và bình luận.

Kể từ khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, các tàu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào các vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp này và đã nhiều lần bị lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ.

Trước đó, ngay hôm qua (30/12), Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin Kyodo News cho hay, cảnh sát biển Nhật Bản hôm 29/12 đã bắt 1 thuyền trưởng Trung Quốc vì đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản và đánh bắt trộm san hô.

Chiếc tàu cá có biển đăng ký tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc nặng 197 tấn, lúc 1 giờ chiều ngày 29/12 đã tiến vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần đảo Yakushima thuộc tỉnh Kaogshima.

Máy bay trinh sát của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản khi tuần tra đã phát hiện chiếc tàu cá Trung Quốc trên đã báo cho lực lượng tàu Cảnh sát biển đang tuần tra tới ngăn chặn và kiểm tra hiện trường.

Khoảng 9 giờ tối 29/12 giờ Tokyo, tàu Cảnh sát biển Nhật Bản đã ngăn chặn được chiếc tàu cá Trung Quốc. Sau khi lên tàu kiểm tra, cảnh sát biển Nhật Bản đã phát hiện 1,5 kg san hô, Lâm Thế Khâm, 44 tuổi, thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giữ về tội xâm phạm lãnh hải và đánh bắt trái phép.

Ngoài ra, trên tàu cá Trung Quốc còn 8 thuyền viên nữa, trong đó có một số là người Philippines . Lâm Thế Khâm thừa nhận tàu cá của mình đã đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản nhưng phủ nhận đánh bắt trộm san hô.

Trước đó, cách đây 2 tháng, cơ quan chức năng Nhật Bản cũng đã xử phạt một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, 48 tuổi, chỉ huy tàu cá 500 tấn vì xâm nhập và đánh bắt trái phép hải sản trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Nhật Bản hôm 26/10.
Xung đột lãnh thổ xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trở nên căng thẳng sau khi Tokyo công bố việc mua lại các hòn đảo từ các chủ tư nhân vào đầu tháng 9/2012 vừa qua. Tokyo đã mua lại chuỗi đảo này từ một gia đình sinh sống trên đảo này từ những năm 70.

Senkaku/Điếu Ngư là tâm điểm của tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu. Gần đây, tranh chấp này có những diễn biến mới. Căng thẳng càng lên cao sau vụ xe của đại sứ Nhật tại Trung Quốc bị một kẻ quá khích xé cờ ngay giữa đường phố Bắc Kinh. Tokyo cực lực lên án hành động này, trong khi Bắc Kinh tỏ ý tiếc vì vụ việc đã xảy ra.

Chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trên tuyến hàng hải quan trọng và được cho là gần những khu vực có trữ lượng khí đốt dồi dào.

Đan Khanh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=516895