Trung Quốc điều tra chống bán phá giá nhựa đối với Mỹ, EU, Nhật Bản và Đài Loan

Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây thông báo quyết định mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một loại nhựa có tên polyformaldehyde (POM) được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Đài Loan...

Ảnh minh họa: Getty Images

Ảnh minh họa: Getty Images

Được công bố hôm Chủ nhật (19/5), quyết định này khiến các bên liên quan tới nhựa POM hoang mang về lý do vật liệu này trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra chống bán phá giá, trong số nhiều mặt hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc. Và một câu hỏi quan trọng nữa là tại sao cuộc điều tra lại được thực hiện ở thời điểm này.

NHỰA POM LÀ GÌ VÀ ĐƯỢC DÙNG LÀM GÌ?

Còn được biết đến với nhiều tên gọi như polyoxymethylene, acetal và polyacetal, nhựa POM là một loại nhựa kỹ thuật dẻo, có độ bền cao, có khả năng chịu nhiệt tốt hơn so với nhựa thông thường. Do đó, trong sản xuất, loại nhựa này phù hợp để thay thế cho nhiều kim loại như kẽm, đồng, nhôm và thép. Nhựa PO có thể được dùng để làm các bộ phận chính xác của nhiều sản phẩm cơ khí và kỹ thuật, như ô tô, đồ gia dụng điện tử, máy công nghiệp, thiết bị y tế…

Những đặc tính này khiến nhựa POM trở thành một vật liệu đặc biệt quan trọng đối với các ngành sản xuất. Đây cũng là lý do Trung Quốc đang thúc đẩy sản xuất vật liệu này ở trong nước.

VÌ SAO BẮC KINH MỞ CUỘC ĐIỀU TRA LÚC NÀY?

Theo thông báo chính thức, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đang thực hiện các quy trình pháp lý theo Quy định của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về chống bán phá giá có hiệu lực từ năm 2002.

Cuộc điều tra chống bán phá giá nhựa POM được thực hiện dựa trên yêu cầu của một số doanh nghiệp trong nước. Nhóm này trước đó đã gửi hồ sơ về những thiệt hại được cho là do hành động bán phá giá. Theo quy định, Bộ Thương mại Trung Quốc có 60 ngày để đánh giá xem có cần thiết mở cuộc điều tra hay không.

“Dựa trên kết quả kiểm tra, Bộ Thương mại ngày 19/5 quyết định bắt đầu cuộc điều tra chống bán phá giá. Cuộc điều tra dự kiến hoàn tất trong vòng 1 năm nhưng có thể gia hạn thêm 6 tháng”, thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Trước đó, vào năm 2017, Bộ này cũng tiến hành điều tra nhựa POM nhập khẩu từ Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan, sau đó áp thuế chống bán phá giá có hiệu lực đến nay.

Theo tờ báo Nikkei Asia, không dễ để biết lý do và ý định thực sự đằng sau quyết định này, nhưng một điều đáng chú ý là đơn yêu cầu điều tra đã được 6 công ty Trung Quốc gửi lên Bộ Thương mại vào ngày 22/4. Với 60 ngày xem xét theo quy định, Bộ này lẽ ra có thể chờ tới ngày 20/6 mới phải thông báo về quyết định có mở cuộc điều tra hay không.

Giới phân tích cho rằng quyết định thông báo sớm cuộc điều tra có liên quan tới sự kiện nhà lãnh đạo mới của Đài Loan nhậm chức, tuyên bố tăng thuế với hàng Trung Quốc gần đây của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc của EU.

“Trung Quốc có đầy đủ các biện pháp để trả đũa áp lực đang gia tăng chưa từng thấy từ châu Âu dưới danh nghĩa các cuộc điều tra chống trợ cấp. Nếu châu Âu tiếp tục hành động, rất có thể Bắc Kinh sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra một loạt biện pháp trả đũa”, tài khoản mạng xã hội có tên Yuyuan Tantian liên kết với tài khoản của đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, viết trong một đăng tải hôm thứ Bảy (19/5).

NHỮNG CÔNG TY NÀO BỊ ẢNH HƯỞNG?

Cuộc điều tra của Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ nhắm vào các công ty gồm Celanese của Mỹ; Polyplastics, Asahi Kasei và Mitsubishi Gas Chemical (MGC) của Nhật; Formosa Plastics của Đài Loan. Trong đó, Celanese cũng xuất khẩu nhựa POM từ chi nhánh ở EU sang Trung Quốc.

“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu các biện pháp chống bán phá giá được thực hiện”, người phát ngôn của MGC nói với Nikkei Asia.

Theo kế hoạch chiến lược 3 năm được MGC công bố đầu tháng này, nhựa POM hiện là một trong 8 mảng kinh doanh cốt lõi của công ty và thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, MGC có thể hạn chế được phần nào tác động của các biện pháp chống bán phá giá bởi công ty này hiện có nhà máy sản xuất nhựa POM tại thành phố Nam Thông, Trung Quốc.

Trong khi đó, người phát ngôn của Daicel, công ty mẹ của Polyplastics, nhận định tác động của thuế chống bán phá giá – nếu có – sẽ khá hạn chế bởi kế hoạch mở rộng sản xuất sắp tới của công ty tại Trung Quốc sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tại quốc gia này.

Với những tập đoàn lớn hơn như Asahi Kasei, Formosa Plastics, tác động có thể không đáng kể. Asahi Kasei hiện cũng có nhà máy ở Trung Quốc.

Văn phòng chủ tịch của Formosa Plastics nói rằng công ty sẽ hợp tác với cơ quan điều tra, đồng thời cho biết nhựa POM chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu quý 1.

NHỮNG CÔNG TY TRUNG QUỐC NÀO SẼ HƯỞNG LỢI?

6 công ty Trung Quốc đã nộp đơn yêu cầu thực hiện cuộc điều tra trên là Yunnan Yuntianhua, CHN Energy Ningxia Coal Industry, Kaifeng Longyu Chemicals, Yankuang Lunan Chemicals, Tangshan Zhonghao Chemicals và PetroChina New Materials (Nội Mông). Trong đó, CHN và PetroChina là hai công ty thuộc các tập đoàn nhà nước, còn lại là các công ty vừa và nhỏ.

Giá cổ phiếu của Yunnan Yuntianhua – công ty duy nhất trong nhóm trên đang niêm yết – tăng 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. Trong khi đó, giá cổ phiếu Kailuan Energy Chemical – công ty mẹ của Tangshan Zhonghao – tăng 6% cùng phiên.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-nhua-doi-voi-my-eu-nhat-ban-va-dai-loan.htm