Trung Quốc đắc chí làm càn

<strong>(Quốc phòng)- Vài ngày sau sự kiện các bộ trưởng ngoại giao ASEAN không thể ra một tuyên bố chung tại hội nghị ở Campuchia, Trung Quốc liên tiếp có những phát biểu với vẻ bề ngoài rất mang tính xây dựng. Tuy nhiên, ẩn sau những ngôn từ “thiện chí” này là một thái độ ngông cuồng, tự đắc.</strong>

Đắc chí và ngông cuồng

Ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ quá trình xây dựng cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ông Hồng Lỗi cho rằng những hội nghị gần đây của các ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia đã mang lại các kết quả tích cực, thể hiện nguyện vọng tăng cường hợp tác khu vực và phát triển chung của các nước.

Theo ông Hồng Lỗi, dù không đưa ra được tuyên bố chung song các thành viên ASEAN đã đạt được đồng thuận sâu sắc về việc đẩy nhanh quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

Theo đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy toàn diện sự hợp tác thiết thực với ASEAN trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho mỗi bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi

Trước đó, ngày 14/7, tức một ngày sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 bế mạc tại Campuchia mà không ra được tuyên bố chung, Trung Quốc đã lên tiếng ca ngợi hội nghị diễn ra thành công.

Giới phân tích đều có chung nhận định kết quả này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên, nhất là về chủ đề Biển Đông. Thế nhưng, Tân Hoa Xã đưa tin tổng kết hội nghị đã đánh giá các hoạt động của ASEAN tại Phnôm Pênh lần này diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp.

Hãng tin Trung Quốc cũng dẫn lời Ngoại trưởng của họ là Dương Khiế̉t Trì cho rằng hội nghị ngoại trưởng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đạt được nhiều thành quả.

Tân Hoa Xã cũng cho rằng nhận xét và lập trường của Trung Quốc về các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực đã nhận được sự cảm thông và ủng hộ của nhiều nước tham dự hội nghị.

Nhiều nhà quan sát cho rằng việc ASEAN chia rẽ về Biển Đông, tới độ không tìm được câu chữ chung, chính là thắng lợi của Trung Quốc.

Không ít ý kiến cáo buộc Bắc Kinh đã gây sức ép buộc Phnôm Pênh kiên quyết bác bỏ yêu cầu của một số quốc gia thành viên ASEAN trong việc đề cập tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vào văn bản tuyên bố chung.

Ngoại trưởng Hor Namhong của Campuchia, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, bị mô tả là có thái độ thù địch tại hội nghị, tới mức ông này "đã thu dọn giấy tờ và rời phòng họp" khi bị dồn ép phải nhượng bộ về văn bản tuyên bố chung.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia tại phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 13/7

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, một nhà nghiên cứu các vấn đề Việt Nam và khu vực, đã gọi Campuchia là "con ngựa mồi" của Trung Quốc và phá vỡ sự đoàn kết trong ASEAN.

Nếu thực tế quả thực như những bình luận của Giáo sư Carl Thayer thì rõ ràng Trung Quốc đang thể hiện thái độ đắc chí và hợm hĩnh. Thái độ này núp dưới vỏ bọc của những ngôn từ đầy hoa mỹ và thông cảm.

Cách hành xử của Trung Quốc cho thấy quốc gia này chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ xứng đáng với vai trò của một nước được coi là “cường quốc”. Nó càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc cậy thế muốn “phát huy” thắng lợi trên mặt trận ngoại giao bằng hành động trên thực địa.

Đi ngược lại những phát biểu mang tính “xây dựng” và thể hiện thái độ “hợp tác”, Trung Quốc liên tiếp có những hành động làm gia tăng căng thẳng liên quan tới những tranh chấp trên Biển Đông.

Tân Hoa Xã công khai đưa tin một đội gồm 30 tàu đánh cá đến từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc bắt đầu hoạt động đánh bắt cá tại khu vực gần Bãi đá Chữ thập của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) từ đêm 16/7.

Đội tàu này nằm trong đợt triển khai tàu đánh bắt cá rầm rộ chưa từng thấy của Trung Quốc. Trong thành phần đội tàu này, có một tàu hậu cần 3.000 tấn và một tàu ngư chính bảo vệ đi cùng. Theo kế hoạch, đội tàu 30 chiếc này sẽ tổ chức “vơ vét” trong vòng 5-10 ngày xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Vừa ăn cướp, vừa la làng

Trong khi chính Trung Quốc đang có những hành động leo thang làm gia tăng cẳng thẳng trên Biển Đông thì giới học giả nước này lại lên tiếng chỉ trích một số quốc gia Đông Nam Á và Mỹ gây phức tạp thêm tình hình.

Theo giới nghiên cứu Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã tăng cường các hành động khiêu khích kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố hôm 2/6 ở Singapore rằng Hải quân Mỹ sẽ bố trí 60% lực lượng ở Thái Bình Dương cho tới năm 2020.

Đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đang "hoành hành" trên Biển Đông

Một học giả có tên là Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh đã theo dõi sát sao các chuyến thăm của ông Panetta tới Việt Nam và của Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tới Philippines ngay sau tuyên bố của ông Panetta.

Phát biểu trong một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh, ông Ngô Sĩ Tồn nói: “Các chuyến thăm cấp cao như vậy đã gửi đến các nước liên quan một thông điệp ngầm rằng họ có thể thách thức Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.

Một nhân vật khác là Thiếu tướng về hưu La Viện, Phó Trưởng phòng nghiên cứu quân sự thế giới thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh không muốn các nước khác thách thức “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.

Ông này biện minh: “Không phải Trung Quốc đang khiêu khích lợi ích quốc gia của các nước khác, mà chính các nước láng giềng đang đẩy chính sách của Trung Quốc xuống tận đáy”.

Ông cho rằng việc có hay không cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông là phụ thuộc vào các nước láng giềng.

Tàu ngư chính 310 của Trung Quốc đi theo bảo vệ đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đang đánh bắt trái phép xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Nhiều ý kiến ở Trung Quốc cũng chỉ trích chính sách của Mỹ đã gây nên sóng gió ở Biển Đông, không giúp gì cho sự phát triển của khu vực cũng như cho quyền lợi của Mỹ.

Tân Hoa Xã mới đây cho rằng những lời lẽ khó chịu nhắm vào Bắc Kinh mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN cũng như thái độ ủng hộ một số nước ASEAN đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc chỉ tạo thêm khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Hãng tin này cũng lớn tiếng cho rằng cây (Trung Quốc) muốn lặng mà gió (Mỹ và một số nước ASEAN?) chẳng đừng, đồng thời cáo buộc sự can dự của Mỹ đã tạo cơ hội cho một số nước có thái độ thách thức với Trung Quốc.

Nhưng xem ra, những phát biểu của Trung Quốc không phản ánh đúng thực tế những gì đang diễn ra. Không nói ai cũng biết kẻ thách thức, gây chia rẽ trong khu vực và tạo nguy cơ xung đột chính là Trung Quốc.

<

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/quoc-phong/201207/Trung-Quoc-dac-chi-lam-can-2171762/