Trung Quốc chế tạo mô hình tàu chiến Mỹ trên sa mạc để làm gì?

Ở sa mạc Taklamakan, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, những tàu chiến giả của Mỹ xuất hiện trên cát. Những mô hình này sẽ rất thiết thực trong bối cảnh Trung Quốc phát triển và cải tiến tên lửa, nhưng chúng cũng gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ.

Các hình ảnh vệ tinh mới, do Planet Labs cung cấp, được chụp vào đầu năm 2024 cho thấy trên sa mạc Taklamakan ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc xuất hiện mô hình giống tàu sân bay Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ

Trung Quốc thường thử tên lửa trên sa mạc và đây có thể là mục tiêu mới nhất được xây dựng trong khu vực này.

Trước đó vào tháng 10-2021, các vệ tinh cũng đã phát hiện các mục tiêu hình tàu sân bay và tàu khu trục của Mỹ, trong đó có tàu khu trục lớp Arleigh Burke

Mô hình tàu sân bay Gerald R. Ford khá rõ ràng, dài hơn 300m. Bốn đường ray của máy phóng được đánh dấu trên boong của mô hình, khớp với con tàu trên thực tế.

Vào tháng 7-2023, cũng tại khu vực này, các hình ảnh vệ tinh chụp được 2 mục tiêu tàu sân bay nhỏ hơn và hình dáng của một mục tiêu lớn hơn. Đến nay, mô hình tàu sân bay Gerald R. Ford Ford mới hoàn thành.

USS Gerald R. Ford là siêu tàu sân bay mới nhất và hiện đại nhất của Hải quân Mỹ. Nó đã được đưa vào vận hành hơn 5 năm, nhưng gặp phải sự chậm trễ trong giao hàng và các vấn đề về tích hợp công nghệ

Cả hai yếu tố đó đã đẩy chi phí của siêu tàu sân bay lên tới con số khổng lồ 13 tỷ USD, vượt xa dự toán vào thời điểm nó chính thức triển khai vào tháng 5-2023.

Ông Tom Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm của Hải quân Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mới của Mỹ cho rằng, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc phát triển một mô hình tàu sân bay mới

Nếu xảy ra xung đột, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với con tàu này. Giống như các mô hình trước đó, mục tiêu có thể là cơ hội để Trung Quốc thử nghiệm tên lửa cùng công nghệ của họ.

Một chức năng của mô hình là kiểm tra và cải tiến các thiết bị tìm kiếm có khả năng nhận dạng hình ảnh, từ đó giúp tên lửa nhắm vào mục tiêu chính xác, thậm chí vào bộ phận cụ thể để gây sát thương lớn nhất.

Ông Bryan Clark, chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson cho rằng, mục đích chính là “để đánh giá xem khả năng nhận dạng mục tiêu của tên lửa có thể phân biệt giữa tàu sân bay và các mục tiêu quan tâm khác hay không”.

Tuy nhiên, việc làm này cũng có hạn chế. Hạn chế lớn nhất, đây không phải là những con tàu thật, di chuyển và phản ứng theo thời gian thực

Cựu chỉ huy tàu ngầm Tom Shugart lưu ý rằng, bất kỳ sự khác biệt nào giữa các tàu sân bay và tàu khu trục thực sự trên thực tế với thử nghiệm sẽ dẫn đến mức độ suy giảm tính chân thực

Dù thế nào, các mô hình này cũng gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, rằng tên lửa của Trung Quốc có khả năng tấn công tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ thế nào.

Điều này phù hợp với học thuyết quân sự của Trung Quốc, nổi bật ở tính răn đe và cưỡng chế, ngăn chặn kẻ thù trước một mối đe dọa cụ thể

Cần nói thêm, Trung Quốc từ lâu đã đề cao lực lượng tên lửa là một thành phần đáng gờm của quân đội nước này

DF-26, tên lửa đạn đạo tầm trung có biệt danh là “Sát thủ Guam” của Trung Quốc đã tăng từ 300 tổ hợp vào năm 2021 lên 500 tổ hợp trong năm tiếp theo.

Loại vũ khí này còn được gọi là “sát thủ tàu sân bay” do có vai trò chống hạm, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau.

Với kho dự trữ tên lửa DF-26 được tăng cường, Trung Quốc có đủ tên lửa để những “sát thủ tàu sân bay” này đơn giản trở thành "sát thủ đủ loại tàu”.

“Thực tế là chúng tôi đã hơn một lần nhìn thấy các mô hình tàu khu trục, cho thấy rất có thể những vũ khí này đang được phát triển không chỉ để tấn công tàu sân bay mà còn để tấn công các tàu khác”, ông Shugart nói

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-quoc-che-tao-mo-hinh-tau-chien-my-tren-sa-mac-de-lam-gi-post564362.antd