Trung Quốc cam kết tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ngày 24/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định Bắc Kinh sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đạt mức thấp vào năm 2023.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ngày 24/3/2024. Ảnh: AFP

Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên tại Bắc Kinh năm 2000, diễn đàn thường niên này là một nền tảng tương tác cấp cao dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. Diễn đàn Phát triển Trung Quốc năm 2024 diễn ra từ ngày 24/3 và kết thúc vào ngày 25/3.

Có 110 đại biểu đại diện cho các công ty đa quốc gia, tổ chức quốc tế và học giả tham dự sự kiện trong năm nay. Những gương mặt nổi tiếng nhất có thể kể tới giám đốc điều hành Apple Tim Cook, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á Masatsugu Asakawa và chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Craig Allen.

Trong khuôn khổ bài phát biểu 30 phút khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết Bắc Kinh sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư toàn cầu thông qua chính sách kinh tế vĩ mô, đô thị hóa, nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Hãng tin Straits Times dẫn lời ông cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh các công ty từ tất cả các quốc gia đầu tư và tăng cường chỗ đứng tại Trung Quốc”.

Tuyên bố của ông Lý Cường được đưa ra khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đạt mức thấp vào năm 2023 và niềm tin kinh doanh suy giảm trong đại dịch Covid-19. Dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc vào tháng 2 vừa qua cho thấy khoản nợ đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong cán cân thanh toán – thước đo đầu tư nước ngoài mới vào nước này – là 33 tỷ USD vào năm 2023. Biện pháp nhằm theo dõi dòng tiền liên kết với các thực thể thuộc sở hữu nước ngoài ở Trung Quốc này đã giảm 82% vào năm 2023 so với năm 2022 và đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Ông cũng thừa nhận rằng các công ty đã nêu lên mối lo ngại về sự sụt giảm trong lĩnh vực thị trường bất động sản của Trung Quốc và các khoản nợ cao mà chính quyền địa phương đang phải đối mặt. Tuy nhiên, ông khẳng định những khó khăn và vấn đề không nghiêm trọng như mọi người nghĩ và các biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế rủi ro đã có hiệu quả.

Ngoài các vấn đề trên, ông cho biết Bắc Kinh cũng đang nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề mà các công ty nước ngoài ở Trung Quốc nêu ra, chẳng hạn như luồng dữ liệu xuyên biên giới và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế.

Các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty từ Mỹ và Châu Âu, đang lo ngại về việc các điều luật liên quan tới chống gián điệp và chuyển giao thông tin của Trung Quốc, cũng như luật bảo mật dữ liệu năm 2017, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Để giải quyết lo ngại của các nhà đầu tư, ông cho biết chính phủ sẽ ban hành các quy định mới trong khi tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho các lo ngại vẫn chưa được giải quyết. Một ví dụ có thể kể đến là việc Trung Quốc bắt đầu nới lỏng một số hạn chế truyền dữ liệu từ ngày 22/3 để giúp các công ty thực hiện mua sắm, vận chuyển xuyên biên giới, thanh toán cùng các hoạt động khác dễ dàng hơn.

Các biện pháp khác được ông cam kết thực hiện nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao gồm việc phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất sinh học và phát triển “lực lượng sản xuất có chất lượng” – thuật ngữ được đặt ra bởi Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9/2023.

Hãng tin SCMP dẫn lời ông cho biết Bắc Kinh sẽ làm cho các dịch vụ của chính phủ hiệu quả hơn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi loại hình doanh nghiệp. Ông khẳng định: “Chúng tôi tin rằng một Trung Quốc cởi mở hơn sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác cùng có lợi cho thế giới”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-cam-ket-tao-dieu-kien-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-post32975.html