Trung - Mỹ thu hẹp khác biệt

Trung Quốc và Mỹ phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác và đối thoại cấp cao nhằm giải quyết hợp lý khác biệt trong quan hệ song phương, đồng thời tìm cách tham gia tích cực hơn vào các vấn đề nổi lên toàn cầu trong vai trò là các cường quốc hàng đầu.

Trong thông điệp gửi dạ tiệc thường niên Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày 25/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá, việc Bắc Kinh và Washington có thể duy trì hợp tác "đúng đắn" có vai trò quan trọng với toàn thế giới, Tân Hoa xã đưa tin.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh thêm, theo 3 nguyên tắc "tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi", Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để giải quyết hợp lý những khác biệt trong quan hệ song phương và thúc đẩy nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả các thách thức toàn cầu, đóng góp cho sự tiến bộ và thịnh vượng chung của nhân loại với vị thế là hai cường quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ tại Bali tháng 11/2022. Ảnh: GettyImages

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ tại Bali tháng 11/2022. Ảnh: GettyImages

Tuyên bố cởi mở của ông Tập được đưa ra ngay trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khởi động chuyến công du kéo dài 3 ngày từ 26 đến 28/10 tới Mỹ, nơi ông dự kiến có các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cùng ngày thông tin, trong chuyến thăm, ông Vương Nghị sẽ "trao đổi sâu về quan hệ Trung-Mỹ cùng các vấn đề quốc tế và khu vực khác với các quan chức Mỹ cấp cao", đồng thời tái khẳng định lập trường nguyên tắc cũng như các quan ngại chính đáng của Trung Quốc nhằm giữ quan hệ song phương trên quỹ đạo phát triển ổn định.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ghi nhận những khác biệt trải dài trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hai nước thời gian qua cố gắng vượt qua bất đồng và tiến hành đàm phán ở cấp cao. Tháng 6/2023, ông Antony Blinken đã thực hiện chuyến công du đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh trong vòng 5 năm và được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp. Vài tuần sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen xuất hiện ở Bắc Kinh trong cuộc đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. Kết quả chuyến đi của bà Yellen dẫn đến sự hình thành của Nhóm công tác Kinh tế Trung-Mỹ và cơ quan này vừa nhóm họp trực tuyến lần đầu tiên ngày 23/10, sự kiện được Bộ Tài chính Trung Quốc đánh giá là "sâu sắc, thẳng thắn, mang tính xây dựng". Trong diễn biến khác cho thấy quan hệ hai bên trên đà được cải thiện, Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ ngày 24/10 tuyên bố, một phái đoàn các nhà nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đã vừa ký loạt thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD mua nông sản, chủ yếu là đậu nành của Mỹ. Đây là thỏa thuận nhập khẩu đậu nành lớn đầu tiên mà doanh nghiệp Trung Quốc đạt được với doanh nghiệp Mỹ kể từ năm 2017.

Theo giới truyền thông quốc tế, nếu chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra tốt đẹp, nó có thể mở đường để tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2023. Trung Quốc hiện chưa xác nhận liệu ông Tập có dự Hội nghị APEC hay không. Lần gần nhất lãnh đạo Trung-Mỹ gặp thượng đỉnh là khi hai ông cùng dự Hội nghị G20 ở Bali (Indonesia). Đó cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai ông trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Từ Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 24/10 xác nhận cuộc hội đàm giữa ông Vương Nghị và hai ông Blinken, Sullivan sẽ diễn ra ngày 27/10. Bà Jean-Pierre cho biết thêm, các cuộc thảo luận sẽ tập trung tìm cách cải thiện hợp tác ở những lĩnh vực mà cả hai bên cùng có lợi ích cũng như "giải quyết hiểu lầm, quan niệm sai lầm và nhận thức sai lệch". "Chúng tôi sẽ tìm cách quản lý sự cạnh tranh Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm", quan chức Mỹ nêu rõ.

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/10, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tiết lộ, ông sẽ làm việc với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để ngăn xung đột Hamas-Israel lan rộng. "Tôi mong muốn được tiếp tục làm việc với người đồng cấp từ Trung Quốc để thực hiện chính xác điều đó khi ông ấy đến thăm Washington tuần này", ông Blinken nói. Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, dù Trung Quốc lo ngại về cách tiếp cận của Mỹ với xung đột Hamas-Israel khi Washington không ủng hộ ngừng bắn, nhưng hai bên có chung lợi ích là tránh cuộc chiến đó lan ra khu vực rộng lớn hơn ở Trung Đông, vốn có thể làm trầm trọng hơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Hai bên chưa công bố chi tiết các nội dung khác trong chương trình nghị sự, nhưng truyền thông Trung Quốc đánh giá cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ được quan chức cấp cao Trung-Mỹ thảo luận ở Washington. Trong khi Mỹ ủng hộ Ukraine quyết liệt từ khi chiến sự với Nga nổ ra hồi năm ngoái, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy ngừng bắn và tham gia các cơ chế quốc tế để tìm giải pháp cùng có thể chấp nhận nhằm chấm dứt xung đột.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/trung-my-thu-hep-khac-biet-i711689/