Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: Quyền từ bỏ và phạt nặng để ngăn chặn

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, vẫn phải bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người đấu giá. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, nếu quy định điều khoản phạt 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả sẽ là một hình phạt có hiệu quả để ngăn chặn những hành vi không minh bạch và lạm dụng thị trường.

Bỏ tiền cọc: 'Quyền được từ bỏ tài sản của người trúng đấu giá'

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, để hạn chế việc bỏ cọc, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau), cho rằng nên tách biệt tiền đặt trước và tiền đặt cọc.

"Theo tôi, nên quy định tiền đặt cọc có thể là 20% đến 30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá", ông nói.

Theo đại biểu Thanh, nếu trúng đấu giá không nộp tiền cọc thì bị loại, cuộc đấu giá sẽ tiếp tục. Giả sử tiền đặt cọc phải nộp ngay tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thay vì vài trăm triệu, vài tỷ đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ thận trọng rất nhiều khi bỏ giá.

Bên cạnh đó, Luật Đấu giá có thể tham khảo, bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá; có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Trong khi đó, về vấn đề bỏ cọc, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) lại cho rằng vẫn phải bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người đấu giá.

"Nếu như chúng ta xử phạt vi phạm hành chính và phạt hình sự thì tôi cho rằng việc này chúng ta nên cân nhắc, vì đây chính là quyền của người trúng đấu giá với mối quan hệ dân sự", đại biểu nêu.

Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'

Với đề xuất quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng đây là một giải pháp hữu ích và có khả năng thi hành cao để có thể giải quyết vấn đề bỏ giá và bỏ cọc trong hoạt động đấu giá tài sản.

Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Điều này tạo ra sự cam kết lớn hơn từ phía người tham gia đấu giá và đồng thời đặt ra một hình phạt có hiệu quả để ngăn chặn những hành vi không minh bạch và lạm dụng thị trường.

Nếu giải pháp phạt này được thông qua, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, người đấu giá không có tiền nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các hình thức xử lý như cưỡng chế tài sản của người đó để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán.

"Tạm ngừng quyền tham gia các hoạt động đấu giá cho những người không tuân thủ nghĩa vụ của họ. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đình chỉ họ khỏi các sự kiện đấu giá trong khoảng thời gian nhất định cho đến khi họ thực hiện nghĩa vụ nộp phạt", luật sư Hà cho hay.

Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét việc chấm dứt quyền lợi đối với tài sản mà người đấu giá đã trúng giá như một hình phạt cho việc không tuân thủ nghĩa vụ. Tài sản có thể được đưa lại vào quá trình đấu giá để tìm kiếm người mua thay thế.

Ngoài ra, có thể xem xét hành vi đó là vi phạm các quy định về đấu thầu, đấu giá, cố tình lũng đoạn, ảnh hưởng thị trường để xử lý theo trách nhiệm hình sự.

Chọn dự án 'điểm' để gỡ khó, khơi thông đầu ra

Trao đổi với VietnamFinance về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định trong bối cảnh mọi nền kinh tế đều phải hứng chịu rất nhiều tổn thất nặng nề từ dịch bệnh và khủng khoảng sau dịch thì những kết quả mà Việt Nam đạt được là rất đáng ghi nhận.

Ông Hiếu cho biết năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; bội chi giai đoạn 3 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công đã được thúc đẩy; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực.

Ông Hiếu cho rằng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại đã phần nào phục hồi và vẫn đang trong quá trình phục hồi tốt.

Nhận định về bối cảnh hiện tại cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025, theo ông Phan Đức Hiếu, bối cảnh hiện tại đặt nền kinh tế trước rất nhiều thách thức. Đầu tiên, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, lạm phát và lãi suất cao vẫn tạo nên áp lực lớn với các nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới thì đây là sức ép lớn đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành chính sách trong nước.

"Hiện nay, chúng ta đang kích cầu đầu tư công ở mức tối đa nhưng vấn đề nằm ở chỗ những “nút thắt” chính sách liên quan đất đai, bất động sản, thể chế làm cản trở tăng trưởng kinh tế chưa được tháo bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, lãi suất huy động dù đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn ở trạng thái “giảm từ từ”. Điều này khiến doanh nghiệp vẫn “ngại” vay vốn", ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, thị trường vốn dù đã có tín hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững. Cụ thể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư trong khi lượng đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 rất lớn. Với thị trường cổ phiếu, sự trồi sụt thất thường thời gian qua cho thấy đây vẫn chưa phải là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Phát triển bền vững: ‘Nhóm dân số yếu thế có nguy cơ bị gạt ra ngoài’

GS-TS Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.

PGS.TS Giang Thanh Long.
Ông Long cho biết Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đưa ra những định hướng quan trọng cho lĩnh vực này.

“Việt Nam là một trong những nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nếu xét theo vị thế của một nước có thu nhập trung bình. Nguy cơ “già trước khi giàu” là hiện hữu nếu như thu nhập không được cải thiện nhanh chóng”, ông Long nêu.

Theo vị chuyên gia, dù tăng trưởng và phát triển theo xu hướng lớn trên toàn cầu nào đi nữa, thì an sinh xã hội vẫn luôn là trụ cột quan trọng, hướng tới bảo vệ những nhóm dân số dễ tổn thương nhất, dễ bị gạt ra ngoài lề nhất trong các xu hướng đó.

“Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội nói riêng và an sinh xã hội nói chung là một trong những yêu cầu cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm ở Việt Nam trong những thập kỷ tới đây. Với hệ thống này, mục tiêu “không bỏ lại ai ở phía sau” phải là giải quyết được các vấn đề với các “nhóm ở giữa mất tích”, ông Long nhấn mạnh.

'Muốn tăng trưởng GDP năm 2024 đạt mục tiêu 6 - 6,5%, cần khai thác tốt nội lực'

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, GDP của Việt Nam trong năm 2023 tăng trưởng khoảng 5%, như vậy, nếu so với mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm nay là 6 - 6,5%, mục tiêu này nhiều khả năng không đạt được.

Đánh giá về kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt được. "Không chỉ tăng trưởng GDP mà các chỉ số khác như năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người, hay chỉ số sản xuất công nghiệp,... chúng ta cũng không thực hiện như mục tiêu đã đề ra", đại biểu nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, ngay cả các “siêu cường” kinh tế của thế giới cũng phải chật vật để duy trì tính ổn định của nền kinh tế, thì mức tăng trưởng 5% của Việt Nam được coi là thành công và đáng ghi nhận. Thậm chí, mức tăng trưởng này được coi là “nổi trội” nếu so với các quốc gia trong khu vực.

"Nếu xét về nhiều khía cạnh, có thể thấy Việt Nam đã rất thành công trong việc điều hành kinh tế, giữ cho nền kinh tế ổn định", đại biểu nhấn mạnh.

Hoàng Sơn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-dau-gia-roi-bo-coc-quyen-tu-bo-va-phat-nang-de-ngan-chan-20180504224292334.htm